Ngân hàng

Ngân hàng giục khách đăng ký vân tay, khuôn mặt để chuyển tiền online

Các nhà băng đồng loạt thông báo, hướng dẫn khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) để chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng trở lên từ 1/7.

Từ ngày 1/7, chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Ảnh: Hoa Mỹ.

Từ ngày 1/7, việc chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học (khuôn mặt và vân tay), theo Quyết định 2345 về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nếu chuyển dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày chạm mốc 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng sinh trắc học dù chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Trường hợp chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần bằng khuôn mặt, vân tay.

Các nhà băng đồng loạt ra thông báo

Hiện tại, nhiều nhà băng đã bắt đầu gửi thông báo tới khách hàng về việc đăng ký thông tin sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt). Những thông báo được lặp lại qua tin nhắn điện thoại (SMS) và ứng dụng trực tuyến.

Đại điện nhiều nhà băng cho biết sẽ ưu tiên gửi thông báo trực tiếp tới khách hàng, đặc biệt với nhóm khách hàng thường xuyên có phát sinh giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc các chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng căn cước công dân cũ (chưa gắn chip).

Ngân hàng quốc doanh BIDV cho biết đã có hướng dẫn cài đặt sinh trắc học trên ứng dụng điện thoại. Khách hàng chỉ cần chuẩn bị thẻ căn cước công dân gắn chip và truy cập vào tính năng "cài đặt sinh trắc học" trên ứng dụng để cài đặt.

Tương tự BIDV, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như NamABank, VietABank, Techcombank, Eximbank, VPBank... cũng đã gửi thông báo hướng dẫn khách hàng cài đặt nhận dạng sinh trắc học trên ứng dụng trực tuyến và cập nhật tính năng xác thực thông tin khách hàng qua căn cước công dân gắn chip.

Trong trường hợp điện thoại chưa hỗ trợ NFC (Near Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn), khách hàng có thể tới các quầy giao dịch để được tư vấn viên hỗ trợ.

Loạt ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã gửi thông báo hướng dẫn tới khách hàng cách cài đặt nhận dạng sinh trắc học trên ứng dụng trực tuyến và tại quầy. Ảnh: Việt Linh.

Trước đó, một vài nhà băng cũng đã chủ động áp dụng xác thực sinh trắc học khi giao dịch trên ứng dụng, từ khâu mở tài khoản hay đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng qua số điện thoại đã đăng ký.

Đơn cử như HDBank - một trong những ngân hàng thương mại tư nhân có doanh số giao dịch khách hàng cá nhân lớn - cũng đã áp dụng hình thức bảo mật an toàn, xác thực danh tính thông qua nhận diện sinh trắc học vân tay, khuôn mặt trên kênh chuyển tiền qua ứng dụng điện thoại.

Hay TPBank từ 3 năm trở lại đây cũng đã dùng công nghệ sinh trắc học. Còn OCB hiện đã áp dụng phương thức xác thực này cho các giao dịch dưới 5 triệu đồng.

"Việc triển khai sớm xác thực giao dịch bằng sinh trắc học từ trước cả thời điểm quy định mới có hiệu lực không chỉ sớm tăng cường bảo mật mà còn giúp khách hàng chủ động thời gian đăng ký, tránh tình trạng quá tải đăng ký nhận diện trước ngày quy định có hiệu lực 1/7", đại diện TPBank nhấn mạnh.

Nâng cao bảo mật

Trong khi nhiều người dùng đồng tình với quy định mới này, một số vẫn tỏ ra băn khoăn. Anh Hoàng Trần (Hà Nội) cho rằng quy định mới có thể gây phiền hà cho một bộ phận lớn người dùng thường xuyên phải chuyển lượng lớn tiền trong ngày.

Về mặt kỹ thuật, xác thực sinh trắc học cũng rất phức tạp, khi khách hàng phải di chuyển khuôn mặt ở nhiều góc độ nhưng nhiều khi không được chấp nhận do khuôn mặt dính tóc, vết bầm, mắt lờ đờ hay đối với phụ nữ là thay đổi phong cách trang điểm khác bình thường...

Trong khi đó, anh Hoàng Trần dẫn chứng đa phần các vụ lừa đảo, mất tiền đều do người dùng bấm vào link chứa mã độc. Như vậy dù có sinh trắc học theo đúng chỉ dẫn nhưng khi bấm vào đường link và khai báo thông tin thì vẫn mất sạch tiền.

"Nguy cơ mất tiền từ link mã độc thường xuyên xảy ra nhất thì sinh trắc học không giải quyết được, còn vô hình trung tạo ra sự phiền phức hơn cho khách hàng và cả ngân hàng", anh Hoàng nêu ý kiến.

Chung quan điểm này, anh Bùi Anh Quốc chỉ ra bất cập khác rằng những người đang dùng điện thoại chưa có tính năng Face ID, xác thực vân tay hay chưa hỗ trợ NFC sẽ phải mất tiền nâng cấp điện thoại, chưa kể trường hợp một số người viêm da cơ địa khiến vân tay bị mất cũng sẽ gặp khó khăn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng công nghệ sinh trắc học sẽ hạn chế khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất. Ảnh: NHNN.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (trực thuộc NHNN) cho biết mục đích của việc xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch.

"Xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật chứ không phải hình ảnh cài trên điện thoại, tức là người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để đảm bảo đây là hình ảnh sống", ông Tuấn cho biết.

Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của căn cước công dân và tài khoản VNeID do Bộ Công an quản lý, hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng.

"Công nghệ này được xem là hạn chế khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất", lãnh đạo NHNN khẳng định.

Ông Tuấn đồng thời nhấn mạnh từ ngày 1/7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo thì cũng có thể lấy lại tiền do đã có quy định mới rất cụ thể. Trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của khách hàng để chuyển tiền, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip.

Theo số liệu thống kê của NHNN, hiện có khoảng 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng dưới 10 triệu đồng, chỉ 10% chuyển trên 10 triệu đồng.

Vì vậy, các chuyên gia nhận định mức độ ảnh hưởng từ sự thay đổi này đến trải nghiệm của người dùng là không lớn. Với khả năng ứng dụng công nghệ hiện nay của các tổ chức tín dụng, việc xác thực sinh trắc học chỉ mất khoảng 3-5 giây.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/ngan-hang-giuc-khach-dang-ky-van-tay-khuon-mat-de-chuyen-tien-online-post1477070.html