Doanh nghiệp niêm yết

Ngành bia qua thời lãi đậm

Các doanh nghiệp ngành bia đều chứng kiến kết quả kinh doanh tụt dốc do ảnh hưởng từ Nghị định 100 cũng như xu hướng giảm tiêu thụ của người dùng.

Cả Sabeco và Habeco đều chứng kiến kết quả kinh doanh đi lùi trong năm 2023. Ảnh: SAB.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 mới công bố, cả hai "ông lớn" ngành bia Việt là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (HoSE: BHN) và Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) đều ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống.

Đáng chú ý, cả hai doanh nghiệp này đều chịu ảnh hưởng do doanh thu bán hàng giảm, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, xu hướng tiêu dùng của người dân giảm và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023.

Lợi nhuận đi lùi

Trong quý cuối năm ngoái, chủ thương hiệu Bia Sài Gòn ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 8.500 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Để bù đắp vào phần giảm doanh thu, Sabeco đã tiết giảm đáng kể chi phí tài chính (-51%) và chi phí bán hàng (-17%). Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp và các khoản chi phí khác vẫn tăng so với cùng kỳ.

Sau khi khấu trừ các chi phí phát sinh trong kỳ, ông lớn ngành bia phía Nam ghi nhận lãi sau thuế gần 970 tỷ đồng, giảm 10%.

Lũy kế cả năm vừa qua, doanh thu thuần của Bia Sài Gòn đạt hơn 30.400 tỷ đồng, cũng giảm tới 13% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán bia giảm 12%, đạt gần 27.000 tỷ đồng, chiếm gần 90% doanh thu hợp nhất. Lãi ròng theo đó giảm 23%, chỉ đạt hơn 4.200 tỷ đồng.

Như vậy, sau năm 2022 ghi nhận tăng trưởng dương trở lại ở chỉ tiêu doanh thu, năm 2023 một lần nữa Sabeco đối mặt với đà suy giảm ở chỉ tiêu này.

Do hoạt động kinh doanh không khả quan, nhà sản xuất bia này năm vừa qua cũng đã phải cắt giảm chi phí quảng cáo và khuyến mãi. Trong năm 2023, Sabeco chi hơn 2.800 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi, giảm hơn 250 tỷ so với năm 2022.

Năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 40.272 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 5.775 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp chỉ đạt lần lượt 75% và gần 73% kế hoạch đã đề ra

Theo ban lãnh đạo Sabeco, doanh thu thuần năm vừa qua sụt giảm do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bia, cầu tiêu dùng giảm, cùng với việc thực hiện chặt chẽ của Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào và chi phí quản lý cao hơn, phần lãi trong liên doanh, liên kết thấp hơn, mặc dù được bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính.

Tính đến hết năm 2023, doanh nghiệp này có tổng tài sản hơn 34.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.

Đáng chú ý, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Sabeco chỉ có 1,7 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản. Tuy nhiên, lượng tiền gửi ngân hàng dưới 3 tháng lên đến hơn 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn có khoản tiền gửi có kỳ hạn 3-12 tháng trị giá hơn 17.700 tỷ đồng.

Hết thời lãi đậm

Không chỉ Sabeco mà Habeco cũng vừa ghi nhận một năm kinh doanh đi lùi cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Ông lớn ngành bia phía Bắc năm vừa qua chỉ ghi nhận hơn 7.700 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 8% so với năm 2022. Lãi ròng ghi nhận giảm hơn 29%, đạt 355 tỷ đồng.

Khó khăn ngành bia rượu phải đối mặt trong năm 2023 là điều đã được báo trước. Hàng loạt doanh nghiệp ngành này vừa công bố báo cáo tài chính cũng đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Chẳng hạn, Bia Hà Nội - Hải Dương mới đây cũng cho biết lãi sau thuế cả năm 2023 chỉ đạt gần 6 tỷ đồng, giảm tới 43% so với năm liền trước.

Bia Sài Gòn - Hà Nội cả năm 2023 đạt doanh thu gần 610 tỷ đồng, giảm 3% so với 2022, lãi ròng giảm tới 25%, chỉ đạt gần 45 tỷ đồng.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/nganh-bia-qua-thoi-lai-dam-post1457904.html