Đầu tư

Ngày càng nhiều người Mỹ sưu tập đồ cổ Trung Quốc

Nhiều nhà sưu tập Mỹ đang có nhu cầu mua những tác phẩm nghệ thuật đến từ Trung Quốc. Họ ưu tiên những món đồ có nguồn gốc, thuộc BST nổi tiếng, theo nhà đấu giá Christie's.

“Nhóm khách mua lớn nhất của chúng tôi đến từ khu vực Trung Quốc đại lục, với hơn 70% các lô hàng được mua bởi những người mua ở đây. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng tôi đang chứng kiến lượng người mua tăng mạnh từ Mỹ, với con số tăng đều đặn hàng năm”, Vicki Paloympis, Giám đốc phụ trách mảng nghệ thuật Trung Quốc tại Christie's New York (Mỹ), nói với Artnet.

Bà cho biết trong số những người mua ở Mỹ, một số khách hàng là người Trung Quốc sống tại Mỹ, một số khác không phải người gốc Hoa. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người mua phản hồi tích cực với các sáng kiến đấu giá trực tuyến và kỹ thuật số gần đây.

Tuyên bố này được đưa ra trước thềm buổi đấu giá nghệ thuật Trung Quốc diễn ra đồng thời với Tuần lễ Nghệ thuật châu Á ở New York. Khu vực Trung Quốc đại lục bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Macau.

Chiếc bình cổ ngỗng bằng đồng mạ vàng có niên đại từ thời Đông Hán (25–220 CN).

Tuần lễ Nghệ thuật châu Á của Christie’s gồm 2 cuộc đấu giá dành riêng cho các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc vào ngày 21 và 22/3.

Tổng cộng có 340 lô hàng được đấu giá, với các tác phẩm có niên đại từ thời kỳ đồ đá mới (thế kỷ thứ 3 TCN) cho đến những tác phẩm ở thế kỷ 20.

Các tác phẩm được đấu giá bao gồm nhiều loại vật liệu như gốm sứ, ngọc bích, đồng, đá cứng, đồ nội thất, pháp lam, tượng Phật bằng đồng và dệt may.

Trong số này, 120 vật phẩm đến từ bộ sưu tập của Dorothy Tapper Goldman, nhà từ thiện và nhà sưu tập quá cố người Mỹ. Ông nổi tiếng với việc bán đấu giá bản in gốc của Hiến pháp Mỹ với số tiền kỷ lục vào năm 2021.

"Kho báu" của Tapper Goldman có một chiếc bình cổ ngỗng bằng đồng mạ vàng có niên đại từ thời Đông Hán (năm 25-220 CN), có giá ước tính từ 50.000 đến 70.000 USD.

Những món nổi bật khác bao gồm một chiếc đĩa rồng màu trắng xanh cỡ lớn, đường kính khoảng 0,5 m từ thời Càn Long của triều đại nhà Thanh (1723-1735).

Chiếc đĩa có dấu triện "Càn Long niên chế" (niên hiệu Càn Long) ở đáy này thuộc bộ sưu tập của gia đình T.Y. Chao. Vật phẩm này từng được trưng bày rộng rãi ở Hong Kong vào những năm 1970 trước khi được bán tại cuộc đấu giá Sotheby's vào năm 1986.

Chiếc đĩa dự kiến sẽ được bán với giá từ 300.000 đến 500.000 USD.

Chiếc đĩa rồng màu trắng xanh từ thời Càn Long của triều đại nhà Thanh (1723-1735).

Một tác phẩm đáng chú ý khác là một chiếc đĩa men Ge Foliate từ thời Nam Tống đến thời nhà Nguyên (1127-1368).

Chiếc đĩa 0,1 m có lớp men màu xanh lam đục, xám và kem với những vết nứt tinh tế, người Trung Quốc gọi đây là jinsi tiexian (sợi vàng và dây sắt) và là một món đồ quý giá trong thời đại đó.

Paloympis lưu ý rằng những tác phẩm như thế này là “hiếm có” trên thị trường. Chiếc đĩa này thuộc bộ sưu tập Linyushanren ở Nhật Bản, là vật phẩm có giá bán cao nhất, dự kiến sẽ thu về từ 1,8 triệu đến 2,5 triệu USD.

Đợt đấu giá còn có những viên đá ngọc bích trước đây thuộc về Helene Irwin Fagan, một nhà sưu tập nghệ thuật nổi tiếng. Những viên đá trước đây được ký gửi tại Bảo tàng Mỹ thuật San Francisco (Mỹ).

Chiếc đĩa men Ge Foliate từ thời Nam Tống đến thời nhà Nguyên (1127-1368).

Các báo cáo gần đây cho thấy những biến động và thách thức về kinh tế tại Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Paloympis cho rằng điều này không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

“Các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc có nguồn gốc rõ ràng từ các nhà sưu tập nổi tiếng, đặc biệt là những người có uy tín toàn cầu vẫn đang được săn đón”, người đứng đầu mảng nghệ thuật Trung Quốc tại Christie's New York (Mỹ) nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/ngay-cang-nhieu-nguoi-my-suu-tap-do-co-trung-quoc-post1466230.html