Từ nơi khởi nguồn ở đảo Đài Loan những năm 1980 cho đến cơn sốt toàn cầu ngày nay, trà sữa trân châu hay boba, đã trải qua một chặng đường dài.
Hãy hỏi những người dưới 40 tuổi ở bất kỳ đâu trên thế giới xem họ từng thử món trà sữa uống cùng những viên trân châu làm chủ yếu từ bột năng chưa và khả năng lớn câu trả lời là: Rồi.
Trà sữa trân châu chắc chắn đã gây được thiện cảm với nhiều người hâm mộ nhưng lại khiến một số nhà đầu tư phải nếm trải vị đắng, theo BBC.
Hiện tượng toàn cầu
Đợt ra mắt thị trường chứng khoán (IPO) của hai chuỗi cửa hàng trà sữa trân châu có trụ sở tại Trung Quốc đã thất bại. Và có ít nhất hai cuộc niêm yết cổ phiếu nữa đang được lên kế hoạch.
Bất chấp những trục trặc đó, không thể phủ nhận rằng boba đã trở thành một hiện tượng toàn cầu sau khi sự nổi tiếng của thức uống này lan rộng từ châu Á sang phương Tây.
Từ London đến Helsinki và Buenos Aires đến Cape Town, gần như không thể tìm thấy một thành phố lớn nào không có tiệm trà sữa trân châu.
Hiện có khoảng nửa triệu cửa hàng trà sữa chỉ riêng ở Trung Quốc đại lục - một thị trường khổng lồ cho loại đồ uống này và cũng cách không xa cái nôi ra đời của nó.
Giảng viên đại học Lili, 30 tuổi, sống ở thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, lần đầu tiên uống trà sữa trân châu là khi còn học tiểu học.
Tới nay, đồ uống này là một phần trong cuộc sống của cô. “Trà sữa trân châu là một thú vui, dễ uống nên tôi mua khá thường xuyên”, Lili chia sẻ.
Tina, một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh cũng ở độ tuổi 30, cũng có câu chuyện tương tự. Lần đầu tiên cô thử trà sữa trân châu là khi còn nhỏ và hiện tại cô uống vài lần một tuần. Cô thường đặt hàng theo nhóm với đồng nghiệp và bạn bè từ nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Lili, Tina và hàng triệu người khác giống như họ đã giúp các doanh nghiệp trà sữa của Trung Quốc phát triển thành một ngành công nghiệp toàn quốc trị giá khoảng 145 tỷ nhân dân tệ (20 tỷ USD) vào năm ngoái, theo ước tính của Hiệp hội Nhượng quyền & Cửa hàng Chuỗi Trung Quốc.
Theo chuyên gia Jason Yu tại nhóm nghiên cứu người tiêu dùng Kantar Worldpanel, sự đổi mới là chìa khóa thành công "với những hương vị và công thức mới liên tục được tung ra".
Lili thừa nhận chiến lược đó gây được ấn tượng với những người tiêu dùng như cô. Nữ giảng viên cho hay "các chiến dịch quảng cáo, hợp tác thương hiệu và hương vị mới" đã khiến cô quay trở lại để tìm hiểu thêm.
Ông Yu cho rằng cách tiếp cận đó cũng đã giúp các chuỗi cửa hàng trà sữa mở rộng ra ngoài các thành phố lớn của quốc gia tỷ dân.
Câu chuyện thành công này vẫn tiếp tục ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng.
Ông Yu nhận định trà sữa "mang lại rất nhiều niềm vui với giá cả phải chăng cho người tiêu dùng ở Trung Quốc", đồng thời chỉ ra "phạm vi giá rộng" của các sản phẩm do sự đa dạng các chuỗi trà sữa khác nhau.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lại không thể hiện được mức độ nhiệt tình tương tự.
Để kiếm tiền từ cơn sốt này, một số chuỗi trà sữa Trung Quốc đã tìm cách bán cổ phiếu ra công chúng trong những năm gần đây.
Tháng trước, chuỗi cửa hàng trà sữa lớn thứ ba Trung Quốc, Sichuan Baicha Baidao Industrial, hay còn gọi là Chabaidao, đã ra mắt thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu lao dốc trong ngày đầu tiên giao dịch và vẫn chưa phục hồi.
Điều đó tiếp nối một màn ra mắt đáng thất vọng khác của Nayuki có trụ sở tại Thâm Quyến.
Cổ phiếu của chuỗi này đã mất hơn 80% giá trị kể từ khi ra mắt tại Hong Kong gần ba năm trước.
Thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn uống trà sữa trân châu hàng ngày
Các nhà phân tích chỉ ra một số lý do dẫn đến kết quả ảm đạm này, trong đó có cả những lo ngại về thị trường chứng khoán Hong Kong nói chung.
Theo công ty tư vấn Deloitte, số vốn huy động được từ việc niêm yết mới ở Hong Kong kể từ đầu năm nay đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 2009.
Nhưng điều này không ngăn cản các chuỗi cửa hàng trà sữa khác lên kế hoạch tung cổ phiếu ra thị trường.
Đầu năm nay, hai chuỗi trà sữa lớn nhất của Trung Quốc tính theo số lượng cửa hàng - Mixue Group và Guming Holdings - đã nộp đơn đăng ký niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, cho biết: “Tâm lý thị trường ảm đạm kéo dài ở Hong Kong là nguyên nhân chính” dẫn đến sai lầm trên thị trường của Chabaidao.
Ông tin rằng Hong Kong sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút doanh nghiệp niêm yết mới cho đến khi có "dấu hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc chuyển hướng sang tăng trưởng và lãi suất của Mỹ giảm".
Tuy nhiên, những người khác cho rằng các nhà đầu tư đang tập trung vào các vấn đề bên trong ngành công nghiệp trà sữa.
Kenny Ng, Nhà chiến lược chứng khoán của Everbright Securities International, cho biết: “Rào cản gia nhập ngành công nghiệp trà sữa tương đối thấp, dẫn đến cạnh tranh gia tăng”.
"Nhiều công ty dựa vào việc mở cửa hàng mới để duy trì tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, chiến lược mở rộng này có thể dẫn đến giảm tỷ suất lợi nhuận gộp do các công ty phải đối mặt với chi phí cao hơn liên quan đến vận hành và quản lý cửa hàng", ông phân tích.
Đối với các fan của trà sữa, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các thương hiệu mang lại những lợi ích. Han là một người thường xuyên uống trà sữa trân châu ở Bắc Kinh. Cô từng tránh xa một số thương hiệu cao cấp vì cô thấy chúng quá đắt.
Điều đó đã thay đổi. Cô cho biết giá cả đã trở thành yếu tố ít quan trọng hơn khi lựa chọn giữa các thương hiệu khác nhau vì "họ có rất nhiều chương trình giảm giá và phiếu mua hàng".
Nhưng đối với các nhà sản xuất trà sữa và các nhà đầu tư tiềm năng, giá thấp hơn và chi phí cao hơn có thể là một công thức kém hấp dẫn.
“Vụ Chabaidao nêu bật những rủi ro và không phải là điềm báo tốt cho việc niêm yết của các chuỗi cửa hàng trà sữa khác”, Gary Ng cảnh báo.
Lili và Han cho biết có một vấn đề khác quan trọng hơn nhiều liên quan đến đồ uống thường chứa nhiều đường đang khiến họ bớt đặt hàng - đó là tăng cân.