Công nghệ

Người ảo livestream bán hàng ở Việt Nam

TikTok Shop: Giải pháp dùng AI thay thế người thật trong việc livestream đang được chào hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, công nghệ vẫn còn điểm trừ trong khả năng tương tác.

Người Ảo AI phát trực tiếp bán hàng. Ảnh: Xuân Sang.

Ngành phát trực tuyến phục vụ bán hàng đang phát triển nhanh tại Việt Nam thông qua các nền tảng như TikTok Shop, Shopee Live, Facebook… Ở giai đoạn cao điểm, có những phiên phát sóng đạt doanh thu bán đến hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc bán hàng hiện vẫn phụ thuộc vào streamer có kinh nghiệm, danh tiếng, để mang lại hiệu quả. Đồng thời, con người tham gia vào lĩnh vực này cũng bị giới hạn ở sức khỏe, thời gian. Về phía nhãn hàng, các sự cố của gương mặt cộng tác cũng có thể ảnh hưởng đến danh tiếng doanh nghiệp.

Gần đây, tại Việt Nam xuất hiện giải pháp streamer ảo, được khởi tạo từ công nghệ AI, phục vụ bán hàng trực tuyến. Những nhân vật này đảm bảo làm việc liên tục 24/7, hiểu rõ sản phẩm và tương tác với người xem theo lập trình. Tuy nhiên, giới hạn của công nghệ hiện tại khiến các biểu cảm của AI chưa tự nhiên, giọng nói máy đọc.

AI livestream bán hàng thay người

Giải pháp Người ảo (Virtual human) phát trực tiếp bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo eMarketer, livestream được dự báo sẽ chiếm đến 20% tổng doanh số bán hàng online tại quốc gia tỷ dân. Giải pháp mới được tham gia phát triển bởi các big-tech như Baidu, Tencent. AI bắt đầu bán hàng tại Trung Quốc từ nửa đầu 2023.

Các model người ảo được thiết lập sẵn để phát trực tiếp. Ảnh: Baidu.

Công nghệ này cũng xuất hiện tại Việt Nam gần đây. AI lần đầu được đưa vào bán hàng tại “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023”. Giải pháp được cung cấp bởi công ty Aeyes Global, có đội ngũ gồm chuyên gia từ Baidu. Về mặt công nghệ, người ảo phát trực tiếp là sự kết hợp của nhiều mô hình trí tuệ nhân tạo được giới thiệu trước đó, gồm khởi tạo hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ lớn…

Để thực hiện phát trực tiếp, phía bán giải pháp ghi lại hình ảnh của người thật, với các biểu cảm, động tác. Sau đó, bộ phận kỹ thuật sẽ khởi tạo mô hình số để tái hiện nhân vật trên phần mềm, hoạt động trong thời gian thực.

Về mặt âm thanh, AI lấy dữ liệu từ người thật để để khôi phục giọng nói khi phát sóng trực tiếp, gồm cả yếu tố phương ngữ. Theo đơn vị phát triển, tính năng này giúp tạo ra sự gần gũi khi tương tác với người xem. Các video đổi giọng ca sĩ, người nổi tiếng cũng được tạo ra với công nghệ tương tự.

Ngoài ra, phần mềm phát sóng sẽ được lập trình dựa trên danh mục sản phẩm cần bán. Với mỗi món hàng sẽ có phần mô tả cụ thể về tính năng, giá bán để AI giới thiệu. Ngữ cảnh giao tiếp, trả lời khách hàng cần được thiết lập trước để để “streamer ảo” phản hồi người xem trong thời gian thực.

Ví dụ, khi có tài khoản bình luận món hàng này có giảm giá, miễn phí giao hàng không, mô hình ngôn ngữ lớn sẽ xác định câu hỏi và đối chiếu với dữ liệu được cung cấp để trả lời.

Thực tế, từng phần giải pháp của AI nêu trên không mới. Nó được thiết kế và kết hợp lại để hoạt động hiệu quả trong thời gian thực và phục vụ công việc bán hàng trực tuyến.

Giá trị ứng dụng

Thế mạnh của AI phát trực tiếp là người dùng chỉ cần thiết lập một lần và sử dụng lâu dài. Ngoài ra, thiết bị để thực hiện phát sóng cũng được tinh giản, không cần máy quay hoặc đội ngũ chuyên nghiệp. Người ảo sau khi được thiết lập cũng hiểu rõ thông tin sản phẩm, nhãn hàng để truyền tải.

Phần mềm cho phép tùy chỉnh phông nền, câu lệnh tương tác của AI. Ảnh: Aeyes.

Theo ông Phan Vinh, chuyên viên truyền thông ngụ tại TP.HCM, AI là giải pháp phù hợp để tối ưu chi phí trong một số ngành hàng bán online. “Từ khi mảng bán hàng qua livestream phát triển, giá thuê KOL cũng tăng chóng mặt. Nhãn hàng cũng phải cân nhắc trước khi chọn kênh này bởi các bạn không cam kết hiệu suất”, ông Vinh chia sẻ quan điểm.

Ngoài ra theo vị này, việc gắn thương hiệu với một người nổi tiếng cũng tiềm ẩn nguy cơ khi họ gặp scandal. Trong khi đó, một AI được lập trình sẵn sẽ không vướng phải sự cố tương tự.

Trả lời Tri Thức - Znews, đại diện công ty Aeyes Global cho biết, AI hỗ trợ cho người bán ít kinh nghiệm khi tiếp cận với công nghệ, không tự tin về ngoại hình hay kỹ năng tương tác, nói chuyện trước ống kính.

Hiện tại, một số nền tảng cấm việc “treo live”, phát lại giả trực tiếp để bán hàng. Dùng AI cũng là giải pháp có thể thay thế trong trường hợp này.

Điểm yếu của người ảo

Sau khi được thử nghiệm với sự kiện bán hàng tại chợ Bến Thành, các AI thu về khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, người xem dễ cũng dễ dàng nhận ra đây không phải người thật.

Người ảo bán hàng trực tuyến trong ngày hội mua sắm, giải trí TP.HCM. Ảnh: NVCC.

“Streamer cũng có nhấp môi, cử động nhưng không tự nhiên, cứ lặp đi lặp lại nên tôi nghĩ đấy không phải người thật. Giọng nói cũng giống mấy clip review phim tôi hay xem”, bà Thu Lan, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ cảm nhận sau khi xem buổi phát sóng.

Đây là giới hạn của công nghệ khi người ảo chỉ đưa ra thông tin được cung cấp trước.

Đồng quan điểm, ông Phan Vinh cho rằng AI dạng này khó thay thế hoàn toàn con người trong lĩnh vực này. “Người thật vẫn có giá trị về trải nghiệm, uy tín, thu hút hơn hẳn. Ở các ngành hàng mỹ phẩm, làm đẹp, thời trang, tôi nghĩ AI sẽ khó thuyết phục khách chốt đơn”, ông Vinh nói.

Trả lời Tri thức - Znews, đại diện công ty Aeyes Global cho biết AI không được xây dựng để thay thế người thật. Giải pháp này là một lựa chọn song song khi livestream, khắc phục điểm yếu của mô hình truyền thống và phù hợp với một số tập khách hàng nhất định.

Đồng thời, giá của dịch vụ này cũng tương đối cao. Gói thấp nhất của dịch vụ có giá thuê 300.000 đồng/ngày. Trong khi đó, để sở hữu vĩnh viễn, cộng thêm một số dịch vụ khác, người dùng cần trả 365 triệu đồng. Đây là mức khá cao để khách hàng tiếp cận công nghệ mới, chưa rõ hiệu quả.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/nguoi-ao-livestream-ban-hang-o-viet-nam-post1451576.html