Trong nước

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 900 tỷ đồng trước kỳ nghỉ lễ

Tuần 22-26/4, dòng tiền ngoại bán ròng 843 tỷ đồng tính chung cả 3 sàn. Trong đó, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND bị xả ròng gần 1.200 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng gần 900 tỷ đồng. Ảnh: Kiplinger.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch biến động khi chỉ số VN-Index tăng giảm liên tục. Sau tuần điều chỉnh hơn 101 điểm trước đó (15-19/4), dòng tiền bắt đáy bắt đầu giải ngân vào một số nhóm cổ phiếu như công nghệ, bán lẻ hay tiêu dùng.

Dù tín hiệu hồi phục đã xuất hiện, tâm lý của nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng, đẩy giá trị giao dịch bình quân trên HoSE xuống còn 16.500 tỷ đồng/phiên. VN-Index kết thúc tuần giao dịch cuối cùng trước nghỉ lễ ở mốc 1.209,52 điểm, tăng gần 35 điểm, tương đương 3%.

Cổ phiếu công nghệ, bán lẻ hút dòng tiền

Cổ phiếu FPT dẫn đầu nhóm vực dậy chỉ số khi chứng kiến một tuần giao dịch khởi sắc. Mã chứng khoán này tăng 4 phiên liên tiếp (gồm một phiên kịch biên độ) và một phiên giữ tham chiếu, qua đó tạm dừng ở mốc 123.200 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất từ trước đến nay.

Với thị giá này, vốn hóa thị trường của tập đoàn FPT được bổ sung thêm 18.000 tỷ đồng để nâng lên mức 156.000 tỷ đồng. Nhờ sở hữu 283,2 triệu cổ phiếu FPT, khối tài sản của Chủ tịch Trương Gia Bình cũng gia tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng.

Sự bùng nổ của cổ phiếu FPT xuất hiện sau khi tập đoàn công nghệ Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo với hãng sản xuất chip Nvidia. Hai bên dự kiến xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trở thành đối tác phát triển dịch vụ trong mạng lưới đối tác của Nvidia.

Theo biên bản ghi nhớ, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam. Nhà máy bao gồm các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của Nvidia.

Mới đây, tập đoàn này cũng báo lãi sau thuế hơn 2.100 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

VN-Index hồi phục gần 35 điểm trong tuần vừa rồi. Ảnh: TradingView.

Trong khi đó, cổ phiếu MWG của ông lớn bán lẻ Thế Giới Di Động ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp lên mốc 54.900 đồng/đơn vị, mức cao nhất kể từ giữa tháng 9/2023. Tính từ đầu năm, thị giá MWG đã tăng khoảng 22%.

Tại đợt cơ cấu công bố tháng 4, cổ phiếu MWG đã bị loại khỏi rổ VN Diamond do không thỏa mãn yêu cầu về hệ số P/E. Theo ước tính của SSI Research, các quỹ ETF nội tham chiếu rổ VN Diamond sẽ bán ra gần 48,3 triệu cổ phiếu MWG.

Mặt khác, khối ngoại và các tổ chức tranh thủ cơ hội này để gia tăng tỷ trọng MWG trong danh mục. Điển hình, báo cáo giao dịch nhóm cổ đông ngày 25/4 của Thế Giới Di Động cho thấy 6 quỹ thành viên của Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 4,7 triệu cổ phiếu MWG.

Các cổ phiếu ngân hàng cũng đóng góp vào đà phục hồi của VN-Index tuần vừa rồi. Top 10 mã ảnh hưởng tích cực lên chỉ số ngoài FPT và MWG còn có TCB, CTG, BID, VCB và HDB.

Ở chiều ngược lại, sự tác động tiêu cực của GAS, VHM, MBB, VSH, QCG, IMP không gây ra quá nhiều thiệt hại tới chỉ số.

Một mã bị khối ngoại bán ròng gần 1.800 tỷ đồng

Tuần vừa rồi, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 843 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Quy mô giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đó.

Tính riêng trên HoSE, dòng tiền ngoại mua khớp lệnh 267 triệu cổ phiếu trong khi bán ra 280 triệu cổ phiếu, tương đương bán ròng hơn 13 triệu cổ phiếu với giá trị 13 tỷ đồng.

Giá trị bán ròng trên HoSE phần lớn đến từ hình thức giao dịch thỏa thuận. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 35 triệu cổ phiếu, tương đương 1.145 tỷ đồng.

Trong đó, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND dẫn đầu giá trị bán ròng tuần qua với 1.780 tỷ đồng. Khối ngoại cũng có xu hướng giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu bất động sản như VHM (-339 tỷ đồng), DIG (-152 tỷ đồng), VIC (-60 tỷ đồng) hay nhóm ngân hàng gồm HDB (-138 tỷ đồng), LPB (-115 tỷ đồng), SHB (-78 tỷ đồng), STB (-63 tỷ đồng).

Trái lại, cổ phiếu đại diện các công ty chứng khoán hàng đầu như VND (+238 tỷ đồng), SSI (+227 tỷ đồng), VCI (+58 tỷ đồng) được gom vào mạnh mẽ. Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I, cổ phiếu chứng khoán cũng được hưởng lợi từ thông tin hệ thống giao dịch KRX sắp đi vào hoạt động.

Tuy nhiên trên thực tế, HoSE mới đây đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán về việc dừng chuyển đổi hệ thống giao dịch KRX. Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có công văn hỏa tốc thông báo chưa đủ cơ sở để chấp thuận đề nghị của HoSE đưa hệ thống KRX vào vận hành chính thức vào ngày 2/5.

Ngoài nhóm chứng khoán, một số cổ phiếu khác thu hút dòng tiền ngoại còn có MWG (+648 tỷ đồng), HPG (+284 tỷ đồng), KDH (+125 tỷ đồng), TPB (+151 tỷ đồng), VCB (+83 tỷ đồng).

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-ban-rong-gan-900-ty-dong-truoc-ky-nghi-le-post1472860.html