Cắt giảm phúc lợi là một trong những phương pháp ứng phó với suy thoái kinh tế được nhiều doanh nghiệp ứng dụng trong năm nay. Đứng trước pantry trống vắng, không có du lịch, tiệc tất niên và thưởng Tết, nhiều nhân sự cảm thấy hụt hẫng, lo lắng.
Hiểu rằng hoạt động kinh doanh khó khăn khiến công ty không thể đáp ứng kỳ vọng của người lao động, họ hy vọng bức tranh kinh tế trở nên tươi sáng để nhận được phúc lợi như mong muốn vào năm sau.
Tri thức - ZNews trò chuyện với 4 nhân viên văn phòng trẻ và tìm hiểu những phúc lợi họ muốn được ưu tiên trong năm 2024.
-------------------
Công tác phí hợp lý
Hồng Hạnh (27 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
10 triệu đồng là số tiền tôi phải tự bỏ ra để chi tiêu trong 3 chuyến công tác trong và ngoài nước năm nay.
Trước đây, công ty tôi có barem công tác phí rõ ràng cho cán bộ, nhân viên. Cụ thể, với các chuyến đi trong nước, chúng tôi được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày.
Khi công tác tại nước ngoài, tôi và đồng nghiệp nhận 400.000 đồng/ngày (đối với các nước Đông Nam Á) và 800.000 đồng/ngày (với các quốc gia châu Âu).
Công ty tôi “quay xe” từ tháng 3 năm nay, thay đổi chính sách trợ cấp công tác để tối ưu hoá chi phí vận hành. Khi chi tiêu ở các địa phương, quốc gia khác, chúng tôi bắt buộc phải thu thập toàn bộ hoá đơn, mang về trình cho phòng kế toán để nhận giải ngân.
Chính sách này tương đối bất cập. Khi ăn uống tại các hàng quán vỉa hè, tôi không thể yêu cầu xuất hoá đơn, buộc phải tự bỏ tiền túi. Ngoài ra, nếu quên lấy hoá đơn, tôi “mất trắng” khoản tiền tự ứng.
Trở về công ty sau mỗi chuyến công tác, tôi cũng phải dành ít nhất một buổi để giải trình chi tiết với kế toán. Không muốn đôi co qua lại, tôi đành từ bỏ một số khoản chi có thể gây tranh cãi.
Ban đầu, tôi cho rằng khoản tiền tự bỏ ra không quá lớn. Song, khi tổng kết và nhẩm tính sau 3 chuyến công tác TP.HCM, Thái Lan và Singapore, con số lên đến gần 10 triệu đồng, khiến tôi choáng váng.
Trong kế hoạch công tác dự kiến cho năm tới, tôi còn phải đi Thái Lan, Dubai và Brazil. Tôi không thể tiếp tục bỏ tiền túi ra để trang trải, mong muốn công ty khôi phục chế độ trợ cấp cũ. Đây là phúc lợi tôi kỳ vọng được đáp ứng nhất trong năm mới.
-------------------
Được đóng bảo hiểm
Thu Thuý (23 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội)
3 năm là thời gian tôi gắn bó với một tập đoàn tài chính ở vị trí cộng tác viên. Dù khối lượng công việc không khác nhân viên chính thức là bao, tôi vẫn chưa được ký kết hợp đồng lao động.
Do hoạt động kinh doanh gặp khó, công ty tôi tổ chức đến 2 đợt lay-off trong năm nay. Tôi may mắn không nằm trong danh sách cắt giảm, nhưng cũng không có cơ hội được cất nhắc lên vị trí nhân viên chính thức.
Công tác dưới tư cách cộng tác viên đồng nghĩa với việc tôi không thuộc diện hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhận lương tháng thứ 13 và thưởng Tết.
Nếu ký hợp đồng lao động từ 3 năm trước, tôi đủ điều kiện nhận bảo hiểm cho cả gia đình trong năm nay. Tuy nhiên, lộ trình này không diễn ra như tôi kỳ vọng.
Bố mẹ tôi đều cao tuổi, cần chăm sóc y tế đặc biệt. Nếu tiếp tục không nhận được trợ cấp, tôi lo khó gồng gánh được khoản viện phí lớn.
Khi công ty không đáp ứng mong muốn này, tôi sẽ cân nhắc chuyển đổi công tác sau Tết Nguyên đán. Trong quá trình đàm phán cho công việc mới, tôi sẽ nêu rõ yêu cầu nhận bảo hiểm full lương, trợ cấp y tế cho người thân.
-------------------
Thưởng Tết
Trung Trần (29 tuổi, quận 4, TP.HCM)
Công tác trong lĩnh vực bất động sản, tôi quen với mức thưởng Tết được cho là cao hơn nhiều ngành nghề khác. Chúng tôi thường dành khoản phúc lợi này cho những kế hoạch lớn nhất năm như mua xe hay sửa nhà.
Tuy nhiên, dự định chi tiêu của tôi thay đổi 180 độ khi hoạt động kinh doanh của ngành bất động sản “đóng băng” từ đầu năm nay. Mong muốn sửa nhà trước Tết không thể hiện thực hoá.
“Đừng hỏi thưởng Tết đâu, bây giờ phải đặt câu hỏi liệu chúng ta có vượt qua được giai đoạn khó khăn này không”, sếp tôi phát biểu trong cuộc họp gần nhất.
Trước động thái từ phía ban lãnh đạo, tôi chuẩn bị tinh thần không có thưởng, phải co kéo để lo liệu cho bản thân và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Nhiều đồng nghiệp của tôi sử dụng thẻ tín dụng, vay ngân hàng để kinh doanh, đầu tư, chi tiêu, phải chờ khoản thưởng cuối năm để trả nợ. Song, với tình cảnh này, họ đau đầu tìm cách “vay chỗ nọ, đập vào chỗ kia”.
Tôi may mắn không có những khoản nợ phải trả, nhưng cũng mong muốn nhận thưởng để lo một cái Tết tươm tất, “bánh chưng có thịt”.
Trong đợt review nhân sự đầu năm tới, tôi sẽ đề đạt mong muốn nhận thưởng đầy đủ nếu hoạt động kinh doanh của công ty khởi sắc.
-------------------
Liên hoan, team building
Lan Trinh (24 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Chế độ đãi ngộ của công ty tôi bao gồm du lịch hàng năm. Trước năm nay, tôi từng tham gia các chuyến đi Trung Quốc, Thái Lan, Phú Quốc do doanh nghiệp tổ chức, tài trợ 100% chi phí.
Tuy nhiên, chúng tôi không nhận được nhiều hợp đồng từ đầu năm, khiến lãnh đạo đưa ra quyết định cắt bỏ toàn bộ hoạt động du lịch. Dù thất vọng, tiếc nuối trước cơ hội tham quan Hàn Quốc theo lời hứa từ trước của cấp trên, tôi đành chấp nhận vì hiểu tình trạng khó khăn hiện tại.
Không chỉ bỏ du lịch, nghỉ dưỡng, công ty tôi còn giảm triệt để những buổi liên hoan tổng kết quý, không tổ chức tiệc tất niên. Các bộ phận, nhóm làm việc phải tự quây quần ăn uống, hết bao nhiêu thì chia đầu người.
Đối diện với chính sách “thắt lưng buộc bụng” của công ty, tôi và các đồng nghiệp mong chờ tình hình khả quan hơn, sớm nhận lại những khoản phúc lợi như trước.
Những buổi tiệc trước kia lo “ế”, những chuyến team building từng phải kêu gọi nhân sự tham gia giờ trở thành ước mơ của chúng tôi.
Theo nền tảng thông tin nhân sự ETHRWorld, phúc lợi về mặt tài chính được dự đoán là ưu tiên hàng đầu đối với nhân sự trong năm 2024.
65% người tham gia khảo sát do công ty công nghệ Benefex có trụ sở tại Anh thực hiện năm 2022 cho biết lương thưởng, trợ cấp từ phía doanh nghiệp quyết định sự ổn định tài chính cá nhân của họ. Phúc lợi tài chính bao gồm công tác phí, trợ cấp thất nghiệp hay khoản vay sinh viên.
Ngoài ra, vấn đề sức khỏe cũng đặc biệt được người lao động quan tâm. Họ mong muốn nhận được ngày nghỉ phép do ốm đau có lương, bảo hiểm và hỗ trợ y tế từ phía công ty.