Sự kiện lớn nhất xứ cờ hoa trong năm nay có thể không phải tour diễn "cháy vé" của nữ ca sĩ Taylor Swift (5,7 tỷ USD) hay Giải bóng rổ đại học Mỹ (March Madness) được mong chờ từ lâu.
Thay vào đó, khoảng 4 triệu người Mỹ đổ xô đến các địa điểm ngắm nhật thực vào ngày 8/4. Dù xảy ra trên toàn cầu cứ sau 18 tháng, nhật thực toàn phần năm nay trở nên đặc biệt hơn đối với Mỹ khi được nhìn thấy trên một vùng rộng lớn của đất nước, giúp người dân dễ tiếp cận hơn. Thêm vào đó, nhật thực dự kiến kéo dài hơn lần trước vào năm 2017, làm tăng thêm sức hấp dẫn của nó. Dự kiến nhật thực lần này kéo dài 4 phút 20 giây.
Nói về quy mô du lịch nhật thực, nó "tương đương 50 trận Super Bowls diễn ra cùng lúc từ Texas đến Maine", theo Michael Zeiler, người điều hành trang web Great American Eclipse. Kiểu du lịch như vậy sẽ tạo ra doanh thu lên đến 1 tỷ USD trên nhiều thành phố - từ Austin, Texas đến Rochester, New York... Đây cũng là các địa điểm chính phục vụ khách chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần.
Mọi thứ "cháy vé"
Ông Steve Wright, giám đốc điều hành tại Jay Peak Resort (Vermont, Mỹ) lần đầu nghe đến nhật thực toàn phần 8/4 cách đây 4 năm. Trước thông tin ấy, các khu nghỉ mát khác cũng bắt đầu "rục rịch" và "chưa bao giờ thấy điều gì giống như sự phấn khích của du khách trước nhật thực".
Dự đoán ban đầu đã thành hiện thực khi ông Wright cho biết 900 phòng tại Jay Peak đã kín chỗ hôm 7/4 và 800 phòng được đặt cho ngày 8/4. Chi phí khoảng 500 USD/đêm. So với cùng thời điểm năm ngoái, số phòng khách đặt tăng gấp 10 lần.
Chưa kể, một cặp đôi sẽ tổ chức đám cưới tại đây trong suốt thời gian diễn ra nhật thực, thậm chí mời ban nhạc Pink Floyd biểu diễn bài The Dark Side of the Moon.
Đây là cơ sở để ông Steve Wright hy vọng khu nghỉ dưỡng sẽ đạt doanh thu vượt bậc ngày 5-8/4. Không riêng Jay Peak, toàn bộ khu vực ở đó - một vùng nông thôn của Vermont nổi tiếng với những trang trại và khu trượt tuyết tuyệt đẹp - cũng đã "hết chỗ", ông Wright nói với CBS.
Tương tự, VOX đưa tin rằng khách sạn và khu cắm trại ở nơi dễ dàng nhìn thấy nhật thực toàn phần đã được bán hết chỗ, với hàng chục nghìn du khách sẽ đổ xô đến các thành phố này.
"Đây có thể là sự kiện du lịch đơn lẻ lớn nhất mà chúng tôi từng có", Michael Pakko, một nhà kinh tế học của Đại học Arkansas (Mỹ), nói với Washington Post. Tiểu bang cũng đang mong đợi doanh thu vượt mốc 100 triệu USD; các thị trấn và doanh nghiệp thì nỗ lực đầu tư vào những "món ăn tinh thần" khác như lễ hội âm nhạc, cưỡi ngựa trong công viên giải trí...
Ngoài ra, để trải nghiệm trọn vẹn, người Mỹ còn đổ xô trang bị kính bảo hộ, mua quà lưu niệm, tổ chức sự kiện... nên những dịch vụ liên quan được đà "bội thu".
Có thể thấy, nhật thực toàn phần phủ bóng tối lên hàng chục bang chuẩn bị đón sự kiện thiên văn này, nhưng lại "thắp sáng" nền kinh tế các bang từ Texas đến Vermont. Theo ước tính từ Perryman Group, một công ty phân tích kinh tế, nhật thực có thể tạo ra số tiền lên tới 6 tỷ USD nhờ tăng nhu cầu khách sạn, nhà hàng và du lịch.
"Nhật thực diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng cho các thành phố lớn, nhỏ cơ hội để thể hiện", ông Ray Perryman, giám đốc điều hành Perryman Group, hào hứng bày tỏ.
"Trăm nghe không bằng một thấy"
Theo các chuyên gia, sự hiếm có của những hiện tượng thiên văn như nhật thực và cơ hội thưởng thức cảnh tượng tuyệt đẹp cùng người khác đã củng cố sức hút của nó. Sự quan tâm đến du lịch nhật thực cũng xuất hiện khi mọi người sẵn sàng du lịch sau đại dịch Covid-19.
"Nhật thực bây giờ là động lực thúc đẩy. Sự nhiệt tình tập thể dành cho nó cũng được xem là động lực. Đó là sự đoàn kết", giáo sư tâm lý Jaime Kurtz tại Đại học James Madison (Mỹ) nhận định.
Đồng quan điểm, giáo sư Amit Kumar chuyên về marketing và tâm lý học tại Đại học Texas (Mỹ) cho rằng cảm giác gắn kết cộng đồng được thúc đẩy mạnh mẽ khi nhiều người trên đất nước cùng chia sẻ một khoảnh khắc.
"Một trong những lý do khiến chúng ta nhận được giá trị từ trải nghiệm ngắm nhật thực là bởi ta nghĩ nó ít hoán đổi được cho những cách tiêu tiền khác", vị giáo sư nói thêm.
Những người theo đuổi nhật thực hoặc đơn giản là tìm kiếm nhật thực khi nó xảy ra đã bị thu hút bởi hiện tượng tự nhiên này bởi tính độc đáo, sự hiếm có và khả năng truyền cảm hứng. Một số khác có mối quan tâm đặc biệt đến thiên văn học, không gian, và rồi xem nhật thực là một cách để khám phá thế giới ấy.
"Nó đưa bạn ra khỏi trải nghiệm hàng ngày và mang đến cảm giác phi thường khi đột nhiên bị bao phủ bởi bóng tối trong vài phút như thể đứng trên bề mặt của một hành tinh xa lạ", Zeiler, người đã chiêm ngưỡng 11 lần nhật thực trên 6 lục địa, chia sẻ.
Du lịch nhật thực ngày càng tăng vào những năm 1970, khi một nhóm người đam mê thiên văn học lần đầu tiên tổ chức hành trình ngoài khơi bờ biển Nova Scotia (Canada) để xem nhật thực. Kể từ đó, loại hình du lịch này tiếp tục phát triển mạnh.
Trong khi đó, Fred Espenak, một nhà vật lý thiên văn và người theo đuổi nhật thực, khẳng định đây là sự kiện "trăm nghe không bằng một thấy".
Còn một lý do khác khiến nhật thực luôn được "săn đón" mà ông Ray Perryman, giám đốc điều hành Perryman Group, đề cập là mọi người sẽ không thấy nhật thực như thế này trong nhiều năm nữa. Theo NASA, nhật thực toàn phần tiếp theo có thể nhìn thấy ở Mỹ sẽ không xảy ra cho đến năm 2045.