Nhiều người dùng tại Việt Nam cho biết một vài mẫu máy xách tay của realme và OnePlus gặp phải tình trạng khóa mạng khi lắp SIM nhà mạng trong nước.
Những chiếc smartphone bị khóa mạng vẫn có thể sử dụng mọi chức năng năng bình thường ngoại trừ nghe, gọi và nhắn tin bởi vì những tính năng trên bị giới hạn tại Việt Nam.
Nhiều máy xách tay bị khóa mạng
Cụ thể, anh Minh Khôi, một reviewer công nghệ, chia sẻ chiếc smartphone realme GT Neo5 xách tay của anh đã xuất hiện thông báo khóa mạng khi lắp SIM nhà mạng Việt Nam.
Anh Khôi đã liên hệ với dịch vụ khách hàng của realme ở Trung Quốc nhưng không thành công, do nhân viên yêu cầu hóa đơn mua hàng chính hãng. Anh phải tìm đến dịch vụ mua mã code để mở khóa mạng với giá 500.000 đồng/code.
"Hiện máy đã dùng được, nhưng tôi vẫn lo không biết sắp tới có bị khóa lại hay không", người dùng này cho hay.
Đại diện một cửa hàng điện thoại xách tay tại Hà Nội cũng cho biết không riêng mẫu realme GT Neo5, các mẫu máy như realme 10 Pro+ và OnePlus 11 cũng gặp tình trạng này.
Vị này cho biết để có thể sử dụng SIM của các nhà mạng Việt Nam, người dùng sẽ cần một đoạn mã gồm 16 chữ số do chính realme cung cấp và thực hiện nhập mã theo cú pháp cần thiết.
Tuy nhiên, vị này cho biết việc xin mã từ đội ngũ hỗ trợ của realme đã khó khăn hơn. Trước kia người dùng chỉ cần cung cấp IMEI máy sẽ nhận được mã "mở khóa", nhưng bây giờ hãng đã yêu cầu thêm cả hóa đơn mua hàng.
"Hiện giờ việc xin mã mở khóa mạng đã khó khăn hơn bởi nhiều đơn vị xách tay thường xuyên nhắn tin nhờ hỗ trợ. realme coi đây là hành vi bất thường và đã siết chặt quản lý. Khi liên hệ xin hỗ trợ mã mở khóa, người dùng bắt buộc phải cung cấp hóa đơn mua hàng chính thức", vị này tiết lộ.
Chủ cửa hàng này cũng nhận định hiện người dùng có thể mua realme 10 Pro+ vì mẫu smartphone này hiện đã có bản ROM (phiên bản hệ điều hành) quốc tế.
Trong khi đó, realme GT Neo5 là mẫu máy xách tay tạm thời không nên mua vì chưa có ROM quốc tế nên vấn đề khóa mạng vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, giá mẫu máy này cũng đang neo ở mức cao vì mới về thị trường Việt Nam.
Sự can thiệp từ hãng
Trao đổi với Zing, đại diện realme Việt Nam cho biết hãng không khuyến khích người dùng lựa chọn mua smartphone từ các kênh phân phối không chính ngạch.
Tương tự, đại diện một nhà phân phối của OnePlus tại Việt Nam cũng kiến nghị người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm nhập khẩu, được phân phối chính hãng để được đảm bảo quyền lợi.
Dòng máy xách tay từ thị trường Trung Quốc có lợi điểm lớn tới từ mức giá dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, nhóm máy luôn có phần cứng nhỉnh hơn so với các sản phẩm chính hãng cùng phân khúc.
Dù có hiệu năng trên giá thành ở mức hấp dẫn, smartphone nội địa Trung Quốc xách tay luôn đi kèm những điểm trừ khó khắc phục. Điển hình là việc máy thường đi kèm nhiều ứng dụng rác (bloatware) được cài đặt sẵn, không hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt hoàn chỉnh hay thậm chí không hỗ trợ kho ứng dụng từ Google.
Bên cạnh đó, việc bảo hành các sản phẩm dạng này cũng khó khăn hơn so với hàng chính hãng. Người mua chỉ có lựa chọn duy nhất là bảo hành tại cửa hàng đã mua máy, chấp nhận dịch vụ sửa chữa không chính hãng.
Chủ một cửa hàng điện thoại chuyên bán điện thoại nội địa Trung Quốc ở Hà Nội nhận định việc các hãng smartphone Trung Quốc có xu hướng khóa mạng khi lắp SIM nhà mạng Việt Nam là động thái nhằm quản lý chặt hơn tình trạng điện thoại nội địa bán ở các thị trường khác.
Những năm gần đây một số hãng điện thoại Trung Quốc đang tiến hành khóa mạng theo vùng, quốc gia sử dụng.
Trước đó, một số trường hợp điện thoại OnePlus xách tay từ thị trường Trung Quốc về Việt Nam đã gặp tình trạng tương tự. Nhiều mẫu OnePlus cũng bị khóa tính năng nghe gọi tại Nga hay điện thoại Oppo nội địa Trung Quốc không thể sử dụng tại Ấn Độ.