Trước khi hình ảnh về cái cúi đầu của vị Chủ tịch Daihatsu lọt vào ống kính truyền thông, thế giới từng xôn xao trước một vụ tai tiếng tương tự ở bờ bên kia lục địa Á-Âu.
Hàng triệu ôtô "qua mặt" thử nghiệm
Năm 2011, Trung tâm nghiên cứu chung (JRC) thuộc Ủy ban châu Âu tiến hành đo ngẫu nhiên lượng khí thải NOx từ 12 chiếc xe trên đường. Nhờ đó, cơ quan này phát hiện các mẫu xe được đo đạc đều đang xả thải quá mức so với tiêu chuẩn Euro 3 và Euro 5 như đã đăng ký.
Dù vậy, báo cáo ở thời điểm đó của JRC đã bị lãng quên. Mãi cho đến năm 2013, cơ quan này mới một lần nữa đề cập đến kết quả thực nghiệm và cho rằng nhiều khả năng đã xuất hiện một thiết bị đặc biệt trong những mẫu xe kia, giúp chúng có thể “phù phép” lượng khí thải mỗi khi tiến vào quy trình thử nghiệm.
Khi được điều khiển trên đường, các mẫu xe này chuyển sang một chế độ hoạt động riêng biệt, thay đổi đáng kể áp suất nhiên liệu, thời gian phun và tuần hoàn khí thải. Mặc dù chế độ này cung cấp sức mạnh cao hơn cho các mẫu xe, trên thực tế chúng lại gây ô nhiễm hơn vì thải ra lượng NOx cao hơn đến 40 lần so với giới hạn khí thải quy định tại Mỹ.
Kết luận của Cơ quan Quản lý môi trường liên bang Mỹ (EPA) và Ủy ban Tài nguyên không khí California cho thấy Volkswagen đã cài vào xe một thiết bị gian lận giúp chuyển đổi giữa 2 chế độ vận hành thử nghiệm-thực tế dựa trên vị trí của bánh xe dẫn động, tốc độ di chuyển, thời gian vận hành động cơ và áp suất khí áp kế.
Những bằng chứng rõ ràng đã khiến Volkswagen buộc phải thú nhận. Hãng xe Đức đã bán ra thị trường tổng cộng 11 triệu xe có gắn thiết bị gian lận khí thải trên toàn cầu, bao gồm nhiều ôtô du lịch và xe thương mại của Volkswagen, cùng với các mẫu xe mang thương hiệu SEAT, Audi và Skoda.
Trên các đường phố ở Mỹ vào giai đoạn này, lượng xe mang thiết bị gian lận khí thải còn đang lưu thông rơi vào khoảng 475.000 xe, còn số lượng ở châu Âu theo các thống kê là 8,5 triệu chiếc.
Thiệt hại lớn
Theo tính toán của EPA, cứ mỗi 1.176 tấn NOx thải ra môi trường sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong cho một người. EPA cũng đưa ra giả thiết rằng mỗi chiếc xe có thể di chuyển khoảng 24.140 km mỗi năm và thải ra 2,8 gram khí NOx trên mỗi dặm đường (thay vì 0,7 gram như tiêu chuẩn), như vậy khoảng 475.000 xe gian lận khí thải tại Mỹ có thể đã phát ra thêm 10.000-40.000 tấn NOx ra môi trường trong giai đoạn 2008-2015.
EPA kết luận lượng khí thải dôi dư nói trên có thể gây tử vong cho 8-34 người, còn Học viện công nghệ Massachusetts cho rằng số người có khả năng thiệt mạng do lượng NOx tăng thêm phải là 59.
Nghiên cứu của Học viện công nghệ Massachusetts cũng chỉ ra rằng khối lượng NOx tăng thêm sẽ tạo ra 31 trường hợp viêm phế quản, 34 trường hợp phải nhập viện dẫn đến 120.000 ngày hạn chế vận động, 210.000 ngày trong tình trạng suy hô hấp và khiến thiệt hại rơi vào khoảng 450 triệu USD.
Đến ngày 26/6/2016, Volkswagen tuyên bố bồi thường khoản tiền 15,3 tỷ USD. Số tiền này bao gồm 10 tỷ USD trả cho 475.000 chủ xe Volkswagen và Audi tại Mỹ, cùng với 2,7 tỷ USD khắc phục hậu quả môi trường, 2 tỷ USD đầu tư phát triển công nghệ không phát thải cùng 603 triệu USD đền bù cho các bang và vùng lãnh thổ Puerto Rico.
Sau nhiều vụ kiện cáo và xét xử tại nhiều quốc gia, tổng số tiền phạt, án phí, tiền thu hồi và sửa chữa xe đã ngốn khoảng 35 tỷ USD của Volkswagen. Tập đoàn ôtô của Đức thậm chí còn phải dự phòng hàng tỷ USD cho những vụ kiện tụng có thể xảy ra trong tương lai.
Nhiều lãnh đạo của tập đoàn ôtô nước Đức cũng phải chịu án tù sau khi Dieselgate bị phanh phui. Tổng cộng 8 lãnh đạo Volkswagen tại Mỹ bị kết tội, trong khi Đức cũng buộc tội 4 cựu lãnh đạo Volkswagen, bao gồm cả Rupert Stadler - Giám đốc điều hành Audi - và cựu CEO Martin Winterkorn.
Hơn hết, niềm tin dành cho Volkswagen đã sụt giảm đáng kể sau bê bối Dieselgate. Tập đoàn ôtô của Đức phải chấp nhận rằng bản thân đã không còn khả năng cạnh tranh vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu, đồng thời buộc phải chi thêm hàng tỷ USD để đầu tư phát triển xe điện.
Năm 2023 chứng kiến thêm một vụ gian lận lớn trong ngành công nghiệp ôtô thế giới, cũng thuộc về một trong những nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới là Toyota, với thương hiệu con Daihatsu. Không phải gian lận về khí thải, Daihatsu thực hiện những gian lận liên quan đến quá trình kiểm thử về an toàn trên xe. Vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra và xử lý, nhưng bước đầu nó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Toyota/Daihatsu và các hãng xe Nhật nói chung.