Càng về những ngày cuối năm, tần suất tiếp khách của Bằng Tường (34 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày một dày đặc. Sau mỗi bữa tiệc, hiếm khi nào anh trở về nhà trong trạng thái tỉnh táo hay ít nhất là không có nồng độ cồn trong cơ thể.
Để bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như tuân thủ luật giao thông, Bằng Tường chọn cách gửi ôtô lại quán hay bãi trông xe gần nhà hàng và bắt taxi. Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, sự xuất hiện của các dịch vụ lái xe hộ, đưa người say về nhà đã giúp anh có thêm lựa chọn mới.
“Chi phí của dịch vụ này thường cao gấp 2-3 lần xe công nghệ hoặc taxi, đổi lại việc cả người cả xe đều được đưa về tận nhà khiến tôi an tâm và cũng thuận tiện hơn nếu phải di chuyển ngay hôm sau”, người dùng này chia sẻ.
Nhiều rào cản tiếp cận khách hàng
Dịch vụ lái xe hộ, đưa người say về nhà đã có mặt từ lâu trên thị trường. Nhưng phải đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 100, trong đó đưa ra khung xử phạt mới cao hơn nhiều đối với các hành vi sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông, thói quen di chuyển của người Việt sau mỗi bữa tiệc mới thay đổi.
Cầu có, cung có, song khác taxi và xe công nghệ, mô hình đưa người say về nhà tương đối nhạy cảm và thường đối mặt nhiều rào cản mỗi khi tiếp cận khách hàng.
Khó khăn chung của các ứng dụng thuê lái xe hộ đều nằm ở tâm lý e ngại về nhân thân tài xế, không dám giao phương tiện cho người lạ. Do tính chất đặc thù chuyên phục vụ khách hàng đã sử dụng rượu, bia, trách nhiệm của các bên xuyên suốt quá trình cung cấp dịch vụ cũng được xem là vấn đề nan giải.
Trao đổi với Tri thức - Znews, đại diện ứng dụng BUTL (Bạn Uống Tôi lái) cho biết thời điểm mới ra mắt, dịch vụ được người dùng ủng hộ mạnh mẽ, có hiệu ứng lan tỏa tốt. Tuy nhiên, do vẫn còn non trẻ, ứng dụng phải mất nhiều thời gian và chi phí để giới thiệu, làm rõ mô hình tới khách hàng cũng như tạo độ phủ.
Bên cạnh đó, việc dịch bệnh Covid-19 hoành hành trong 2 năm 2020-2021 từng khiến hoạt động vận hành của BUTL rơi vào gián đoạn, có thời điểm tưởng chừng sụp đổ.
Trong khi đó, đại diện ứng dụng tìm lái xe hộ VISAFE cho biết một trong những thách thức lớn là giá dịch vụ đưa người say về nhà cao hơn so với mô hình truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí gọi xe di chuyển đến điểm đón/nhận khách của tài xế.
Quãng thời gian từ lúc đặt dịch vụ đến khi tài xế đến nơi cũng kéo dài 10-20 phút, đòi hỏi khách hàng phải chờ đợi lâu hơn. Yếu tố này cũng tạo áp lực mở rộng lực lượng tài xế tới ứng dụng.
“Dẫu vậy so với việc gửi xe, đi taxi hay xe ôm về và lại phải tốn chi phí, thời gian đến lấy lại xe thì về tổng thể dịch vụ lái xe hộ vẫn hợp lý và thuận tiện hơn”, đại diện ứng dụng 4 năm tuổi nhận định.
Để đảm bảo niềm tin cho khách hàng, quy trình tuyển dụng cũng các ứng dụng đặt lên hàng đầu. Ngoài trình độ lái, tài xế có nhân thân tốt, thái độ niềm nở cũng được ưu tiên hơn.
Bùng nổ nhu cầu cuối năm
Đại diện VISAFE cho biết nhu cầu tìm người lái xe hộ có xu hướng tăng mạnh trong các dịp lễ. Khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vẫn còn cách hơn một tháng, hệ thống tổng đài đã ở trong trạng thái tất bật tư vấn cách sử dụng ứng dụng hoặc đặt tài xế. Lượng người tải, sử dụng ứng dụng và số lượt đặt hẹn trực tuyến cũng tăng lên đáng kể.
Giai đoạn này, mỗi tài xế có thể nhận 3-5 cuốc/ngày. Với giá cước trung bình 150.000-350.000 đồng/chuyến, thu nhập của người lao động sẽ dao động 6-10 triệu đồng/tháng.
Tương tự, đại diện BUTL cũng ghi nhận nhu cầu khách hàng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. “Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng mỗi tháng luôn ở mức 2 con số”, ứng dụng tiết lộ.
Hiện nay, mỗi tài xế đối tác của BUTL có thể phục vụ 5-15 khách hàng/ngày, tùy thuộc vào thời gian và khu vực phục vụ. Nếu muốn có thu nhập đảm bảo, tài xế phải bỏ ra tối thiểu 4 giờ hoạt động/ngày.
Ra mắt ứng dụng từ tháng 4/2017, tính đến nay, BUTL đã hoàn thành hơn 1,5 triệu chuyến đi.
Trước xu hướng mới, không chỉ các ứng dụng, một số nhà xe, hãng taxi cũng nắm bắt cơ hội này để tham gia thị trường.
Hồi đầu năm 2022, thương hiệu taxi G7 (Hà Nội) cũng cho ra mắt dịch vụ thuê tài xế ngắn hạn theo giờ. Theo đó, đối với dòng xe phổ thông dưới 1 tỷ đồng, chỉ cần bỏ ra 400.000-500.000 đồng, khách hàng có thể tìm được tài xế lái hộ trong vòng 2 tiếng với quãng đường tối đa 10 km. Hay với dòng xe sang trên 5 tỷ đồng, mức giá thuê là 800.000-900.000 đồng/2h.
Nếu phát sinh thêm quãng đường hay thời gian di chuyển, chủ phương tiện sẽ phải thanh toán thêm phụ phí, dao động 100.000-240.000 đồng/giờ và 4.800-10.400 đồng/km.
Hiện nay, giá mỗi cuốc xe đưa người say về nhà dựa vào nhiều yếu tố như khung giờ, điểm đón, quãng đường hay thậm chí cả giá trị xe. Do đó, nhiều nhà xe sẵn sàng cạnh tranh bằng cách đưa ra hàng loạt ưu đãi hấp dẫn cũng như bắt tay với nhiều nhà hàng, quán nhậu để quảng bá dịch vụ.