Tại tỉnh Thanh Hóa, làng hoa Đông Cương nằm ở phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa, là một làng hoa nổi tiếng bậc nhất xứ này, được hình thành khoảng hơn 30 năm trước. Trong những năm đầu hình thành, người trồng hoa chủ yếu phục vụ gia đình và bán cho người dân trong vùng vào dịp lễ, Tết.
Đến nay, cả phường có hơn 200 hộ trồng hoa với gần 100 ha chuyên canh với rất nhiều các loại hoa khác nhau để phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Nhờ trồng hoa, hàng năm các hộ dân nơi đây có nguồn thu ổn định từ 20-30 triệu đồng/sào hoa.
Hoa cúc vàng là loài hoa được trồng nhiều nhất tại làng Hoa Đông Cương
Loại hoa này được người dân làng hoa Đông Cương trồng quanh năm để bán vào ngày mùng Một đầu tháng và ngày Rằm
Bắt đầu từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch, các nhà vườn lại tất bật làm đất, xuống giống trồng hoa chuẩn bị bán dịp Tết. Từ 20 tháng Chạp, hoa có thể thu hoạch và phân phối cho các thương lái
Những người nông dân Đông Cương chăm sóc tất bật những vườn hoa để có hàng bán vào vụ Tết
Ngoài hoa cúc vàng, hoa hồng cũng được trồng rất nhiều tại Đông Cương
Làng hoa Đông Cương từ góc nhìn trên cao
Mật mía là món ăn truyền thống không thể thiếu của người dân nhiều vùng quê trên khắp Việt Nam. Trong những ngày Tết cổ truyền, người Việt thường dùng mật mía để chấm bánh chưng, nấu chè, nấu bánh trôi, bánh gai… Các xưởng bánh kẹo thì cần nguồn mật lớn để làm nguyên liệu. Bởi thế, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm "thủ phủ" mật mía Thạch Thành lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Không khí Tết như đến sớm hơn ở vùng miền núi này.
Thạch Thành là vùng nguyên liệu trồng mía lớn nhất của Thanh Hóa. Ngoài việc cung cấp mía cho các nhà máy đường, loại cây này còn được dùng để sản xuất mật
Từ tháng 9 âm lịch, các lò nấu mật mía của người dân khu phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân bắt đầu đỏ lửa suốt ngày đêm để sản xuất, phục vụ nhu cầu dịp Tết.
Công đoạn đầu tiên để làm mật là đưa mía vào máy ép để lấy nước, sau đó đưa vào lò nấu trên các chảo cỡ lớn
Sau nhiều giờ đun nấu, nước mía sẽ sủi bọt trắng trào ra, lớp mật cô đọng phía dưới đáy. Lúc này, những người thợ sẽ vớt bỏ lớp bọt ở phía trên rồi dùng vải màn lọc lấy dòng mật sánh mịn, xong để nguội
Mía Thạch Thành được trồng trên đất bazan nên có vị đặc trưng và chiếm được thị hiếu người tiêu dùng.
Thời điểm này người dân Thạch Thành hối hả vào mùa nấu mật phục vụ Tết
Vỏ mía được tận dụng làm nguyên liệu đốt lò
Chị Vũ Thị Phương (42 tuổi), là hộ sản xuất mật mía nhiều nhất khu vực cho biết: So với giá bán cho nhà máy là hơn 1 triệu đồng/tấn, việc dùng mía của gia đình để nấu mật sẽ bán được từ 15.000 - 17.000đồng/kg, tạo ra lợi nhuận cao hơn. Mỗi dịp Tết, gia đình bà Phương xuất ra thị trường khoảng 500 tấn mật, trừ hết chi phí sản xuất và nhân công, ước tính, gia đình thu lãi khoảng 100 triệu đồng.