Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm 2023 chỉ đạt 13,71%, cách khá xa mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra đầu năm là khoảng 15%, chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng thương mại cũng ghi nhận xu hướng xấu đi, kéo theo áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Những nguyên nhân này đã trực tiếp tác động đến lợi nhuận của ngành ngân hàng năm vừa qua và khiến nhiều nhà băng rơi vào cảnh "đi lùi".
Theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng thương mại niêm yết, năm 2023 ghi nhận tới 11 nhà băng có lợi nhuận tăng trưởng âm, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Nhiều ngân hàng báo lợi nhuận giảm
Năm 2022, kết quả kinh doanh ngành ngân hàng chỉ ghi nhận một vài ngân hàng quy mô vừa và nhỏ suy giảm lợi nhuận, thì sang tới năm 2023, ngay cả những "ông lớn" như Techcombank, VPBank, SHB, TPBank cũng không tránh khỏi cảnh "đi lùi".
Với Techcombank, 2023 là năm đánh dấu ngân hàng này lần đầu tiên đứt chuỗi tăng trưởng trong một thập niên gần nhất. Từ năm 2013 đến 2022, nhà băng này đã duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, bình quân khoảng 48%/năm, từ dưới 1.000 tỷ đồng năm 2013 lên vượt mốc tỷ USD năm 2022 (25.568 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trong năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đã giảm 10% về mức 22.888 tỷ đồng, tụt khỏi nhóm ngân hàng lãi tỷ USD năm 2023.
Suốt nhiều năm qua, Techcombank thường gắn liền với danh xưng “á quân" lợi nhuận ngành ngân hàng, nhưng đà giảm tốc năm ngoái đã kéo tụt nhà băng này xuống vài bậc trên bảng xếp hạng ngành.
Cùng ghi nhận đà suy giảm lợi nhuận năm vừa qua còn có "ông lớn" VPBank. Năm 2023, nhà băng này chỉ thu về 10.987 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tới 48% so với năm 2022.
Giống Techcombank, VPBank cũng đã duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận dương liên tiếp kể từ năm 2012 đến trước năm ngoái, tốc độ bình quân đạt 40%/năm. Đà suy giảm lợi nhuận năm vừa qua cũng là năm tài chính hiếm hoi nhà băng này không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra trước đó.
Một ngân hàng cũng gây bất ngờ khi lợi nhuận "đi lùi" năm vừa qua là TPBank. Năm 2023, nhà băng này ghi nhận số dư cho vay khách hàng tăng tới 27%, cao hơn nhiều mức tăng bình quân toàn hệ thống, nhưng lợi nhuận trước thuế của TPBank lại giảm 29%, đạt 5.589 tỷ đồng.
Đà suy giảm này cũng chấm dứt chuỗi tăng trưởng dương 11 năm liên tiếp của Ngân hàng Tiên Phong.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm năm vừa qua như SHB (-5%); SeABank (-9%); Eximbank (-27%); VietABank (-16%); ABBank (-66%); PGBank (-30%); Baoviet Bank (-1%); BVBank (-84%).
Lý do lợi nhuận "đi lùi"
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động, thu nhập người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dù nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tốc độ cho vay tăng ấn tương nhưng chất lượng tài sản lại suy giảm đáng kể. Kết quả là nợ xấu tại nhiều ngân hàng có xu hướng gia tăng, kéo theo áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Đây cũng là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận trước thuế của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh.
Như trường hợp của Techcombank, trước áp lực nợ xấu dâng lên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2023 của ngân hàng này đã gấp đôi so với năm 2022, lên hơn 3.900 tỷ đồng. Lãnh đạo nhà băng này cho biết năm ngoái, ngân hàng ghi nhận thu nhập từ các hoạt động khác tích cực như dịch vụ thẻ, thanh toán, ngoại hối, chứng khoán… nhưng chi phí dự phòng lại tăng cao do quy mô tín dụng tăng và phải “chủ động” dùng nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động tín dụng của Techcombank năm vừa qua cũng giảm 9%, do chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao hơn thu nhập từ cho vay. Kết quả là lợi nhuận cả năm của ngân hàng đã "đi lùi".
Tương tự với VPBank, năm ngoái, nhà băng này đã “bơm tiền" cho vay nhiều hơn với các doanh nghiệp. Cụ thể, dư nợ tín dụng với nhóm khách hàng tổ chức kinh tế năm 2023 của VPBank đã tăng 47%, trong khi mảng cho vay cá nhân cũng tăng 15%.
Việc gia tăng dư nợ tín dụng cũng buộc VPBank phải tăng trích lập rủi ro. Từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận sau cùng.
TPBank năm ngoái vẫn ghi nhận tổng thu nhập hoạt động tăng 4%, đạt hơn 16.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng 13% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 114% đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của ngân hàng.
Tình trạng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng ghi nhận tại hầu hết nhà băng có lợi nhuận suy giảm trong năm vừa qua, như BVBank (+24%); SHB (+41%); ABBank (+92%); Eximbank (+567%); VietABank (+1.000%)...
Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đến cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023. Do vào giai đoạn cuối năm, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn
Công ty Chứng khoán SSI
Trong bối cảnh áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI đánh giá tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể đi lên trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, SSI cho rằng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đến cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do vào giai đoạn cuối năm, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.
Các chuyên gia phân tích lưu ý các khoản nợ có vấn đề (bao gồm nợ nhóm 2, khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.