Doanh nhân

'Những người thừa kế' nắm trong tay cả nghìn tỷ đồng

Nhiều đại gia sở hữu doanh nghiệp có vốn hoá lớn trên thị trường chứng khoán đang từng bước chuyển giao lượng cổ phần công ty cho thế hệ con cái cùng sở hữu và quản lý.

Phần lớn chủ doanh nghiệp tư nhân giàu có nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đều đang ở trong độ tuổi 50-60. Chính vì thế, vài năm trở lại đây, những doanh nhân này đang từng bước chuyển giao dần quyền lực, tài sản cho thế hệ thứ hai (F2). Nhiều "thiếu gia, tiểu thư" gen Z nhưng đã sở hữu khối tài sản cả nghìn tỷ đồng.

Trẻ tuổi, nhiều tiền

Ngân hàng là ngành có thế hệ F2 trẻ tuổi sở hữu khối tài sản từ cổ phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng nổi bật nhất.

Như trường hợp của 2 người con Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đã công bố hoàn tất mua vào hàng chục triệu cổ phiếu TCB gần đây.

Theo đó, con gái ông Hùng Anh là Hồ Thủy Anh (sinh năm 2001) đã hoàn tất mua vào hơn 67,68 triệu cổ phiếu TCB, nâng lượng cổ phiếu TCB nắm giữ từ 104,66 triệu đơn vị lên 172,34 triệu đơn vị, tương ứng sở hữu 4,9% vốn điều lệ ngân hàng. Tương tự, một người con khác của vị chủ tịch ngân hàng là Hồ Anh Minh (sinh năm 1995) cũng đã mua vào hơn 34,38 triệu cổ phiếu TCB, nâng lượng cổ phiếu sở hữu lên 172,34 triệu đơn vị (4,9% vốn).

Tạm tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu TCB ở trên vùng 30.000 đồng/đơn vị, 2 người con ông Hồ Hùng Anh đã sở hữu khối tài sản lên đến gần 5.300 tỷ đồng/người.

Khối tài sản "khủng" trên sàn chứng khoán này đã vượt qua nhiều doanh nhân dày dạn kinh nghiệm trên thương trường, giúp 2 người con của ông Hồ Hùng Anh gia nhập danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán dù tuổi đời còn rất trẻ.

- Một số cá nhân sở hữu khối tài sản nghìn tỷ đồng từ cổ phiếu:

Tương tự, tại VPBank, trong tháng 11 vừa qua, ông Ngô Chí Trung Johnny - con trai Chủ tịch Ngô Chí Dũng - cũng đã hoàn tất giao dịch mua 70 triệu cổ phiếu VPB. Trước giao dịch, ông Ngô Chí Trung Johnny chưa sở hữu cổ phiếu nào của VPBank và sau giao dịch đã nắm tỷ lệ 0,88% vốn ngân hàng. Ước tính, lượng cổ phiếu VPB do ông Ngô Chí Trung Johnny nắm giữ có giá trị gần 1.400 tỷ đồng, cũng lọt top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay.

Không nắm giữ chức vụ nào tại TPBank nhưng ông Đỗ Minh Quân - con trai Phó chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Anh Tú - lại là một trong những cá nhân nắm giữ nhiều cổ phiếu TPB nhất hiện nay. Tính đến hết quý II, ông Quân nắm giữ hơn 73,53 triệu cổ phiếu TPB (3,34%). Tạm tính theo thị giá hiện tại, khối cổ phiếu này có giá trị khoảng 1.242 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Đỗ Anh Tú còn một người con khác là Đỗ Quỳnh Anh cũng đang nắm giữ 67,57 triệu cổ phiếu TPB, ước tính giá trị trên sàn chứng khoán vào khoảng 1.142 tỷ đồng.

Ở Ngân hàng Phương Đông (OCB), 3 người con của ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, lần lượt là Trịnh Thị Mai Anh (sinh năm 1992), Trịnh Mai Linh (sinh năm 1996) và Trịnh Mai Vân (sinh năm 2003) đều đang trực tiếp nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ngân hàng này.

Bà Trinh Thị Mai Anh là một trong 3 người con của Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu OCB. Ảnh: OCB.

Trong đó, bà Mai Anh hiện là Thành viên HĐQT ngân hàng, đồng thời nắm giữ 40,28 triệu cổ phiếu OCB (2,94% vốn); bà Mai Linh và Mai Vân không giữ chức vụ nào nhưng cũng nắm lần lượt 58,5 triệu cổ phiếu (4,27%) và 51,31 triệu cổ phiếu (3,75%). Ước tính, tổng giá trị lượng cổ phiếu OCB do 3 cá nhân này nắm giữ cũng lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Những người thừa kế vốn khủng

Hai thiếu gia nhà Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển (tức bầu Hiển) là Đỗ Quang Vinh (sinh năm 1989) và Đỗ Vinh Quang (sinh năm 1995) cũng đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn tại ngân hàng và các công ty liên quan.

Trong đó, ông Vinh hiện là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc SHB; Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SHS; Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bảo hiểm BHI. Cá nhân này đồng thời sở hữu trực tiếp trên 796.000 cổ phiếu SHB (0,026% vốn) và 7,5 triệu cổ phiếu SHS (0,922% vốn). Khối cổ phiếu này có thị giá vào khoảng 150 tỷ đồng.

Với ông Đỗ Vinh Quang, người đang là Phó chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội, cá nhân này sở hữu gần 90,9 triệu cổ phiếu SHB (2,963% vốn), giá trị khoảng 972 tỷ đồng.

Ngoài ngành tài chính - ngân hàng, nhóm doanh nghiệp thép hay bất động sản cũng ghi nhận nhiều doanh nhân đang có xu hướng san sẻ khối tài sản nghìn tỷ từ cổ phiếu cho thế hệ F2.

Bầu Hiển và hai người con trai Đỗ Quang Vinh (giữa), Đỗ Vinh Quang (trái) trong một sự kiện gần đây của Tập đoàn T&T. Ảnh: T&T Group.

Nổi bật trong số này là "thái tử Hoà Phát" Trần Vũ Minh (sinh năm 1996) mới đây đã được bố là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát và mẹ là bà Vũ Thị Hiền đăng ký bán thỏa thuận gần 43 triệu cổ phiếu HPG.

Sau giao dịch chuyển nhượng này, ông Trần Vũ Minh nâng lượng cổ phiếu HPG sở hữu lên gần 134 triệu đơn vị (2,3% vốn). Ước tính, lượng cổ phiếu này giá hơn 3.600 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Tại Novaland, thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân nhà ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland, hiện không còn giữ bất kỳ chức vụ nào tại doanh nghiệp gia đình, nhưng cá nhân này vẫn sở hữu trực tiếp hơn 78,2 triệu cổ phiếu NVL (4,01% vốn) với giá trị xấp xỉ 1.300 tỷ đồng.

Cũng không nắm giữ chức vụ nào trong doanh nghiệp gia đình nhưng con gái ông Nhơn là bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh cũng đang nắm trong tay 24,67 triệu cổ phiếu NVL (1,27% vốn). Ước tính với khối lượng cổ phiếu này, tài sản trên sàn chứng khoán của bà Quỳnh vào khoảng 410 tỷ đồng.

Sinh năm 1996, bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh - con gái ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc - cũng đang đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT và nắm trong tay hơn 13,33 triệu cổ phiếu KBC (1,74% vốn). Ước tính, lượng cổ phiếu này hiện có giá trị trên 410 tỷ đồng.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/nhung-nguoi-thua-ke-nam-trong-tay-ca-nghin-ty-dong-post1450279.html