Ngân hàng

Những nhà băng không lãi nổi 1.000 tỷ đồng

Tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu cao khiến lợi nhuận trước thuế của 9 nhà băng trong năm 2023 không đạt nổi 1.000 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng năm 2022 ghi nhận lợi nhuận trên mốc nghìn tỷ đồng nhưng năm ngoái đã bị suy giảm và rời khỏi "câu lạc bộ nghìn tỷ" ngành ngân hàng. Ảnh: Nam Khánh.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính đã công bố của 28 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy năm 2023 đã có 9 nhà băng ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế dưới 1.000 tỷ đồng. Con số này đã tăng thêm 2 nhà băng so với năm 2022.

Không lãi nổi nghìn tỷ

Theo báo cáo tài chính hàng năm, VietABank và ABBank là 2 nhà băng ghi nhận lợi nhuận trước thuế trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2022 nhưng sang tới 2023 lại không đạt được con số này.

Với VietABank, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 928 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2022. Lý do đến từ nguồn thu ngoài lãi của nhà băng giảm sâu dù không đóng góp nhiều vào tỷ trọng tổng thu nhập.

Bên cạnh đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối năm ngoái của nhà băng này cũng giảm 36%, lãi từ hoạt động khác giảm 44%, trong khi chi phí hoạt động năm 2023 của VietABank tăng 11%. Ngoài ra, năm ngoái, ngân hàng đã phải trích hơn 675 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gấp 11 lần so chi trong năm 2022 liền trước. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến VietABank rời khỏi "câu lạc bộ nghìn tỷ" ngành ngân hàng năm vừa qua.

Còn với ABBank, nợ xấu có xu hướng gia tăng trong năm 2023 đã khiến nhà băng này phải tăng dự phòng rủi ro thêm 92% so với năm liền trước. Kết quả là lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã giảm hơn 66%, đạt 584 tỷ đồng, trong khi năm trước đó vẫn lãi hơn 1.700 tỷ.

Theo lý giải của ngân hàng, kết quả kinh doanh năm ngoái không như mong đợi phản ánh hai thực tế. Một là sự khó khăn của thị trường đã ảnh hưởng sâu rộng tới hệ thống tài chính ngân hàng. Hai là bộ máy tổ chức và cơ chế hoạt động của ABBank chưa hiệu quả khiến kết quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo khảo sát, ngoài hai nhà băng trên, VietBank, KienlongBank, PGBank, SaigonBank, Baoviet Bank, BVBank và NCB cũng là những ngân hàng lãi dưới 1.000 tỷ đồng năm qua.

Trong đó, BVBank có lợi nhuận trước thuế năm 2023 chỉ vỏn vẹn 72 tỷ đồng, giảm tới 84% so với năm 2022. Sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận của nhà băng đến từ khoản lãi dịch vụ giảm 45% so với năm trước; thu từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm 48% chủ yếu do bối cảnh thị trường. Đồng thời ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro tín dụng 23% so với năm trước.

Nhà băng này cũng tăng 14% chi phí hoạt động, chủ yếu do đầu tư vào mở rộng mạng lưới đơn vị kinh doanh. Ngoài ra, trong năm 2023, BVBank cũng thay đổi nhận diện thương hiệu trên 31 tỉnh thành cũng như đẩy mạnh đầu tư vào ngân hàng số khiến chi phí tăng cao.

Năm 2023, PGBank tăng 8% thu nhập lãi thuần so với năm 2022 nhưng các khoản thu nhập ngoài lãi đều giảm mạnh. Trong đó hoạt động dịch vụ giảm 56%, kinh doanh ngoại hối giảm 55%, hoạt động khác giảm 73% và chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ. Kết quả này khiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 của ngân hàng giảm tới 30%, đạt 355 tỷ đồng.

Nợ xấu hình thành mới sẽ chậm lại

Khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong năm 2023, đặc biệt là nhóm ngân hàng vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng tại nhiều ngân hàng cũng có dấu hiệu đi xuống. Ngay cả một số ngân hàng với khẩu vị rủi ro thấp, định hướng hạn chế tham gia vào các mảng cho vay rủi ro cao cũng ghi nhận nợ xấu tăng trong năm vừa qua.

Một loạt ngân hàng quy mô nhỏ đã ghi nhận xu hướng nợ xấu gia tăng trong năm vừa qua. Kéo theo là việc tăng mạnh khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Đây là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng.

Tuy vậy, dự báo về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng năm nay, CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (Visrating) dự báo chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ dần được cải thiện nhờ vào môi trường kinh doanh khả quan hơn và lãi suất duy trì ở mức thấp.

Các chuyên gia của Visrating kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu mới hình thành của các ngân hàng sẽ chậm lại do khả năng trả nợ của khách hàng dần được cải thiện trong bối cảnh điều kiện kinh doanh khả quan hơn và mặt bằng lãi suất ở mức thấp.

Dự báo lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ dần phục hồi trong năm 2024 nhờ NIM (biên lãi thuần) được cải thiện khi lãi suất tiền gửi điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay và nhu cầu tín dụng tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/nhung-nha-bang-khong-lai-noi-1000-ty-dong-post1458627.html