Kiếm tiền

Những sinh viên 29-30 Tết vẫn ở lại thành phố

Kim Anh, Quỳnh Ngân quyết định ở lại TP.HCM để làm thêm xuyên Tết. Trong khi đó, ngày 29 tháng chạp, Hồng An mới bắt chuyến xe cuối cùng để về quê.

Nhiều sinh viên chấp nhận nán lại thành phố để làm thêm dịp Tết. Ảnh: Hưng Phạm / Pexels.

Bước sang ngày 30 Tết vài phút, Kim Anh (quê Đắk Nông) mới trở về phòng trọ sau ca làm thêm kéo dài hơn 8 giờ đồng hồ.

Cô là sinh viên năm 2 tại Đại học Công thương TP.HCM. Thế nhưng cả 2 năm nay, Kim Anh đều quyết định không về quê ăn Tết, ở lại TP.HCM làm phục vụ cho một nhà hàng.

"Ra Tết là thời hạn cuối cùng để mình đóng học phí. Gia đình không có điều kiện, mình đã quyết định ở lại TP.HCM, đi làm xuyên Tết để kiếm thêm chút tiền tự lo sinh hoạt phí và phụ mẹ đóng học", Kim Anh chia sẻ.

Thu nhập gấp 4

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Kim Anh cho hay ngày thường, mỗi giờ làm việc, cô nhận được khoảng 25.000 đồng. Nhưng từ ngày 29 tháng chạp đến mùng 2 Tết Nguyên đán, thù lao sẽ được tính gấp 4.

Nữ sinh nói những ngày này, cửa hàng thường thiếu người do nhiều bạn về quê, ca làm việc của nữ sinh có thể kéo dài khoảng 10 giờ, kiếm được khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Cũng chọn ở lại TP.HCM làm xuyên Tết, cách đây nửa tháng, Quỳnh Ngân (sinh viên năm 3, Đại học Luật TP.HCM) đã bắt đầu tìm việc làm thời vụ. Bình thường, Ngân đi làm gia sư, mỗi tháng kiếm khoảng 3 triệu đồng.

Dịp Tết, nữ sinh xin vào làm thời vụ tại một quán cà phê gần nhà, mức lương 20.000 đồng/giờ. Dự tính trong 10 ngày làm xuyên Tết, Ngân được trả khoảng 4 triệu đồng, đủ để chi trả sinh hoạt phí trong hơn một tháng. Nhưng bù lại, ca làm việc của Ngân diễn ra từ 8h đến 0h, tức 16 giờ đồng hồ.

"Năm ngoái, mình cũng làm ca như vậy. Dù mệt, mình cũng ráng làm. Chịu khó trong 10 ngày, bù lại cả tháng sau Tết, mình sẽ đỡ vất vả hơn", Ngân cho biết do không ký hợp đồng, cửa hàng chỉ nhân 3 lương vào các ngày từ 30 tháng chạp đến mùng 3 Tết Nguyên đán.

Chiều 29 Tết, Hồng An mới bắt chuyến xe cuối cùng của năm 2023 để về quê ở Lai Châu. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, ở Hà Nội, chiều 29 Tết, Hồng An (sinh viên năm nhất tại Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) mới bắt chuyến xe cuối cùng của năm 2023 để về quê ở Lai Châu.

Sát Tết, vẫn như mọi ngày, hơn 5h, An thức dậy để đi làm thêm tại một quán cháo gần phòng trọ. Nữ sinh cho hay cô chấp nhận về muộn để kiếm thêm vài đồng chi trả tiền xe đi lại và mua chút quà biếu bố mẹ.

"Bố mẹ mong mình về quê từ khi trường cho nghỉ Tết, nhưng mình không dám về sớm như vậy. Sáng 29 Tết, mình được nhân 2 lương nên cũng cố làm đến hôm đó. Tháng này, trường cũng cho nghỉ Tết sớm, mình tăng ca được vài buổi, tính ra thu nhập được gần 3 triệu đồng, cũng chỉ đủ tiền đi lại về quê. Còn dư vài trăm nghìn, mình tiết kiệm để ra Tết đóng học", An nói.

Chấp nhận ở lại thành phố

Điểm chung của Kim Anh, Quỳnh Ngân và Hồng An đều là gia đình ở xa, điều kiện kinh tế khó khăn, phải tự lo học phí hoặc/và sinh hoạt phí.

Nói với Tri thức - Znews, Kim Anh cho biết ba mẹ cô ly hôn đã lâu. Hiện 2 chị em sống cùng mẹ và ông bà ngoại. Cả nhà phụ thuộc cả vào đồng lương công nhân của mẹ.

Kim Anh cho hay số tiền đi làm thêm dịp Tết có thể phụ giúp mẹ đóng học. Ảnh: NVCC.

Dịp Tết này, gia đình nữ sinh đều muốn cô về quê đón Tết nhưng nếu không ở lại TP.HCM làm thêm, nữ sinh sẽ không có tiền phụ mẹ đóng học. Sinh hoạt phí của cô trong tháng tới cũng sẽ eo hẹp.

"Hiện tại, mình tự lo sinh hoạt phí, lâu lâu tiết kiệm được mấy đồng thì phụ mẹ tiền đóng học. Nhiều khi đóng học cho mình xong, mẹ cũng không còn tiền ăn", Kim Anh nói.

Tương tự, cả bố và mẹ của Quỳnh Ngân đều mắc bệnh từ nhiều năm nay. Thực tế, việc đi làm thêm xuyên Tết đã được Ngân duy trì từ ngày lớp 10, không riêng ở đại học.

Đi học ở TP.HCM, Ngân phải tự lo học phí và sinh hoạt phí. Nhưng nhờ chịu khó học tập, kỳ nào Ngân cũng được học bổng miễn học phí từ nhà trường. Điều này giúp nữ sinh phần nào vơi đi gánh nặng.

Hơn một năm nay, Ngân chưa về quê ở Nghệ An. Nữ sinh nói chi phí đi lại đắt đỏ, các dịp lễ khác, cô cũng ở lại TP.HCM, tranh thủ đi làm để có thêm thu nhập.

Trong khi đó, Hồng An từng phải dừng học đại học để đi làm phụ giúp kinh tế gia đình. Sau đó, cô thi lại và tự lo toàn bộ học phí và sinh hoạt phí. Những năm trước, nữ sinh cũng đều đi làm đến ngày 29-30 Tết mới nghỉ để về quê.

Từng nghĩ đến việc sẽ ở lại Hà Nội làm xuyên Tết, nhưng suy đi tính lại, Hồng An nói rằng cả năm đã xa nhà, chỉ có dịp Tết để đoàn tụ, cô không muốn bỏ lỡ.

"Từ khi nhập học, mình chưa có điều kiện để về nhà. Nhìn bạn bè về quê, người người đi sắm Tết, mình sốt ruột lắm, chỉ mong đến ngày về với bố mẹ", An nói.

Quen dần với việc đón Tết xa nhà

Hai năm đón Tết xa nhà, Kim Anh và Quỳnh Ngân cho hay đã quen dần với việc này. Nhưng đôi khi, cả hai vẫn thấy chạnh lòng.

Ngân kể tối 30 Tết năm ngoái, nhìn các bạn đồng trang lứa, các gia đình đưa nhau đi uống cà phê, cô cũng thoáng chút buồn. May mắn, chủ quán rất tâm lý, lúc giao thừa, Ngân được cho nghỉ khoảng 15 phút để gọi về nhà cho bố mẹ, chúc mừng năm mới gia đình.

Năm nay, nữ sinh đã tranh thủ dọn dẹp lại phòng trọ trước ngày làm việc, cô cũng nhận được quà từ Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM nên cũng gọi là có chút không khí Tết.

"Mình không mua thêm gì để tiết kiệm. Mong rằng năm tới sẽ tích lũy được chút để về với bố mẹ trong dịp hè", Ngân nói việc đi làm thêm cũng là cách để cô rèn luyện và trưởng thành hơn.

Trong khi đó, Kim Anh nói rằng việc làm thêm bận rộn giúp cô tạm quên nỗi nhớ gia đình. Tối 30 Tết, cửa hàng nơi cô làm việc sẽ đóng cửa vào lúc 19h. Kim Anh dự định sẽ cùng bạn bè làm cùng đi xem pháo hoa, đón giao thừa.

"Số tiền kiếm được, mình trích ra một ít để mua đồ chơi cho em gái và gửi lì xì ông bà, mẹ và em. Tuy không nhiều nhưng điều đó khiến mình vui lắm", Kim Anh chia sẻ.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/nhung-sinh-vien-29-30-tet-van-o-lai-thanh-pho-post1459595.html