SSD quá đắt. Khi so sánh với ổ cứng cơ học (HDD), SSD vẫn có giá cao hơn trên mỗi gigabyte dung lượng lưu trữ. Đó là sự thật. Nhưng nếu gần đây không mua sắm linh kiện máy tính, có thể bạn vẫn nghĩ rằng SSD là một nâng cấp quá tốn kém. Trên thực tế, thời điểm phải chi 200 USD cho một ổ đĩa vừa đủ lớn để cài đặt Windows đã qua rất lâu. Hiện tại, bạn có thể chọn một ổ SSD 1TB đáng tin cậy với giá khoảng 50 USD. Vì vậy, trừ khi bạn có nhu cầu lưu trữ lớn, cần HDD dung lượng nhiều TB - chẳng hạn sử dụng cho NAS - mức giá SSD giờ đây không quá đắt đỏ, phù hợp cho máy tính cá nhân. Ảnh: IDG.
SSD hao mòn nhanh. Lo ngại về thời gian tồn tại của SSD là có cơ sở, tuy nhiên chúng thật sự bền hơn các linh kiện khác. Một ổ SSD có thể dùng cho vài vòng đời nâng cấp máy tính. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của SSD, trong đó yếu tố quan trọng nhất là Terabytes Written (TBW). SSD có số lần ghi hạn chế trước khi ổ đĩa cạn kiệt và giá trị TBW là thông số của nhà sản xuất về lượng dữ liệu bạn có thể ghi trước khi đạt điểm đó. TBW hầu hết tỷ lệ thuận với kích thước. Chẳng hạn như ổ 1TB sẽ có giá trị TBW cao hơn nhiều so với ổ 500 GB. Đa số ổ đĩa 1 TB có TBW là 600 TB. Để đạt được giá trị TBW đó trong 5 năm, bạn cần ghi 328,8 GB vào đĩa mỗi ngày, con số quá lớn so với nhu cầu sử dụng thông thường. Ảnh: Howtogeek.
Chế độ ngủ đông làm hỏng SSD. Nỗi lo về việc chế độ ngủ đông (hibernation) làm hỏng SSD xuất phát từ nguyên nhân tương tự nỗi lo SSD dễ hao mòn theo thời gian sử dụng. Tuy nhiên, quan điểm này cũng không chính xác. Chế độ ngủ đông lấy dữ liệu hoạt động của RAM ghi vào đĩa. Khi người dùng bật máy tính, hệ điều hành có thể chuyển file trở lại bộ nhớ, giúp bạn tiếp tục công việc tại thời điểm trước. Điều đó có vẻ không tốt cho tuổi thọ của SSD, nhưng như phân tích ở trên, hoạt động này không ảnh hưởng quá lớn. Theo số liệu của Howtogeek, mỗi năm chế độ ngủ đông tiêu tốn ít hơn 1% TBW. Do đó, người dùng sử dụng chế độ ngủ đông hay không cũng không làm thay đổi đáng kể tuổi thọ SSD. Ảnh: Howtogeek.
SSD chỉ giúp khởi động nhanh hơn. Nhiều người chuyển từ HDD sang SSD nghĩ rằng lợi ích duy nhất của thiết bị lưu trữ này là giúp khởi động máy nhanh hơn. Có sự khác biệt rõ ràng giữa khởi động bằng ổ cứng HDD và khởi động bằng ổ SSD, nhưng thời gian khởi động nhanh không phải là lý do duy nhất để sử dụng SSD. Chúng có tốc độ đọc/ghi dữ liệu vượt trội, cải thiện rõ rệt hiệu suất khi dùng để cài đặt, lưu trữ dữ liệu của phần mềm, đặc biệt là game, không phát ra tiếng ồn, tiết kiệm năng lượng, ít tỏa nhiệt và chiếm ít không gian hơn. Một lợi ích quan trọng khác là SSD chống sốc tốt hơn. Nếu không may đánh rơi laptop hoặc làm đổ PC, ổ SSD vẫn an toàn trong khi HDD, với đầu đọc chuyển động cơ học, có thể hỏng hóc nghiêm trọng. Ảnh: Shutterstock.
Khó chuyển dữ liệu sang SSD. Trước đây, khi SSD còn khá lạ lẫm trên thị trường, các hệ điều hành không được thiết kế theo hướng tối ưu hóa cho loại ổ đĩa này. Do đó, đổi từ HDD sang SSD có thể gặp chút rắc rối. Thông thường, vấn đề liên quan đến việc người dùng phải cập nhật firmware thủ công cho SSD, dùng phần mềm để định dạng, thiết lập phân vùng. Tuy nhiên, hiện nay các hệ điều hành đã xem SSD là linh kiện mặc định, việc chuyển từ HDD sang SSD trở nên đơn giản hơn nhiều. Ảnh: Howtogeek.
SSD mất dữ liệu nếu không hoạt động thường xuyên. Nhiều năm trước, có tin đồn nếu không cấp nguồn cho SSD thường xuyên, người dùng sẽ mất dữ liệu vì các thành phần điện tử trong các ô nhớ sẽ tiêu tan. Tuy nhiên, phần lớn là kết quả của việc hiểu sai thông tin, xuất phát từ bản thuyết trình đầu những năm 2010, nhằm mục đích giúp khách hàng doanh nghiệp biết được rủi ro mất dữ liệu đối với các ổ đĩa đã hết tuổi thọ và sau đó được lưu trữ dưới điều kiện không lý tưởng. Người dùng thông thường không ghi hàng petabyte dữ liệu vào ổ SSD rồi lưu trữ ở nhiệt độ cao, vì vậy không có gì phải lo lắng. Ổ đĩa dành cho người dùng cá nhân được thiết kế đặc biệt với với dự tính SSD không được cấp nguồn liên tục và lưu trữ trong thời gian dài. Ảnh: Windows Central.