Hạ tầng

Những trục giao thông kết nối khu xây trụ sở bộ, ngành ở Tây Hồ Tây

Nằm ở trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, khu đất xây dựng trụ sở 13 bộ, ngành có hạ tầng giao thông đồng bộ với các tuyến vành đai, trục hướng tâm, đường nội khu rộng 8-12 làn xe.

Theo Quyết định 423 được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt, khu vực Tây Hồ Tây (Hà Nội) sẽ trở thành nơi đặt trụ sở làm việc của 13 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các đoàn thể. Việc xây dựng sẽ được thực hiện làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2023 và đến năm 2035 sẽ hoàn thành.

Khu vực được quy hoạch xây trụ sở bộ, ngành là một khu đất rộng 35 ha nằm ở trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây. Trong đó có 20,7 ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) và 14,3 ha thuộc phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Hiện trạng khu vực này có hạ tầng giao thông được quy hoạch bài bản, thuận lợi đi lại.

Đường vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Văn Huyên chạy xuyên qua khu đô thị Tây Hồ Tây thông qua một cây cầu vượt trị giá hơn 500 tỷ đồng được hoàn thành tháng 9/2020.

Con đường rộng 8-10 làn xe này cũng là trục chính hướng Cầu Giấy vào khu đô thị Tây Hồ Tây. Mặt cắt ngang rộng lại có cầu vượt tránh xung đột giao thông với đường Hoàng Quốc Việt khiến trục đường gần như không bao giờ xảy ra ùn tắc.

Phía đông của khu vực này là tuyến vành đai 2 với trục đường Võ Chí Công - cầu Nhật Tân. Ngoài ra, đường Hoàng Minh Thảo vốn là một phần của tuyến Tây Thăng Long (kéo dài tới Sơn Tây) cũng được hoàn thiện.

Ngoài ý nghĩa là trục chính đô thị, hiện đường Hoàng Minh Thảo còn đóng vai trò kết nối 3 tuyến vành đai có lưu lượng đông bậc nhất Hà Nội là vành đai 2, vành đai 2,5 và vành đai 3.

Đường Hoàng Minh Thảo có 10 làn xe chạy, trong đó có 6 làn xe cơ giới và 4 làn dành cho xe máy và xe thô sơ.

Giữa làn ôtô và xe máy được xây dựng sẵn dải phân cách cứng để tránh việc xung đột giữa các làn và đảm bảo an toàn cho các phương tiện nhỏ.

Cuối tuyến giao với đường vành đai 3 (Phạm Văn Đồng) chưa được hoàn thiện. Trong khi đó giai đoạn 2 của trục Tây Thăng Long đã được thi công một số hạng mục và chờ đấu nối với đường Hoàng Minh Thảo. Khu vực này đang được đề xuất xây dựng một hầm chui vượt qua đường Phạm Văn Đồng.

Theo quy hoạch, trục Tây Thăng Long có hướng tuyến song song với đại lộ Thăng Long hiện tại. Tuyến đường chạy qua nhiều quận, huyện phía tây thành phố và kết thúc ở Sơn Tây. Hiện, vướng mắc lớn nhất trong giai đoạn 2 của dự án là loạt nhà dân dày đặc nằm sát sông Nhuệ và khu vực tiếp giáp đường Phạm Văn Đồng chưa thể giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh trục vành đai, hướng tâm, các trục đường nội khu chạy trong khu đô thị Tây Hồ Tây cũng được quy hoạch bài bản theo kiến trúc ô bàn cờ.

Dù là những trục đường trong khi đô thị, các tuyến này cũng được xây dựng với mặt cắt rộng 2-8 làn xe.

Hệ thống cây xanh, vỉa hè cũng được hoàn thiện.

Do khu hành chính xây dựng trụ sở bộ, ngành chưa được phê duyệt, một số trục nội bộ như đường Nguyễn Phúc Chu chưa thể đấu nối trực tiếp vào lô đất này.

Theo quy hoạch, khu trụ sở bộ ngành Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía bắc và nam gắn với 2 trục đường đô thị. Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12-25 tầng. Khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20 m. Ảnh phương án thiết kế: Nikken Seikei Ltd.

Khu vực quy hoạch xây dựng trụ sở bộ, ngành trong khu đô thị Tây Hồ Tây. Ảnh: Google Maps.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/nhung-truc-giao-thong-ket-noi-khu-xay-tru-so-bo-nganh-o-tay-ho-tay-post1435601.html?fbclid=IwAR23MfKYAXMAjBy-rBn0sbvkWy-h7Ik2PQy7uZkRnYtQ7BNrJovbudXN4zs