Công nghệ

Những tỷ phú đầu tàu của tiền mã hóa đã biến mất

Khi Sam Bankman-Fried và Changpeng Zhao vướng vào những rắc rối pháp lý, nhóm người thay thế đang dần lộ diện.

Thế hệ dẫn dắt mới trong lĩnh vực tiền mã hóa dần lộ diện. Ảnh: Stormgain.

Xu hướng tăng giá trở lại của Bitcoin đã khiến nhiều công ty tài chính lớn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực tiền mã hóa. Tuy vậy, theo New York Times, sự lạc quan lại bất ngờ đến trong thời điểm ngành công nghiệp này đang hỗn loạn.

Lần gần nhất giá tiền mã hóa tăng vọt, 2 giám đốc điều hành có sức ảnh hưởng lớn trong ngành gồm Sam Bankman-Fried và Changpeng Zhao đều phải đối mặt với những vấn đề pháp lý.

Trong đó, bồi thẩm đoàn liên bang đã kết án ông Bankman-Fried vào tháng 11 về tội gian lận sau sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX. Chỉ 3 tuần sau đó, cựu CEO Changpeng Zhao cũng bị kết án vì tội rửa tiền và phải chấp nhận từ bỏ quyền lãnh đạo tại sàn giao dịch Binance.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Khi 2 tỷ phú dẫn đầu ngành bị loại khỏi cuộc chơi, nhiều doanh nhân, giám đốc điều hành tại Phố Wall và cơ quan quản lý chính phủ đã có một cuộc cạnh tranh khốc liệt để nắm quyền kiểm soát lĩnh vực tiền mã hóa. Theo New York Times, cuộc tranh giành này có thể quyết định sự tồn tại của tiền mã hóa tại Mỹ, nơi các quy định đang khiến ngành này khó hoạt động hơn.

Theo một số quản lý cấp cao trong lĩnh vực tiền mã hóa, những nhân vật như ông Zhao hay Bankman-Fried nên bị loại bỏ để hạn chế sự nhòm ngó từ công chúng cũng như các cơ quan quản lý.

Sam Bankman-Fried, đồng sáng lập sàn giao dịch FTX, xuất hiện tại Washington vào tháng 2/2023. Ảnh: Bloomberg.

Sau khi Zhao nhận tội, ông Brian Armstrong, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch Coinbase đã ca ngợi vụ việc như một bước ngoặt đối với ngành.

“Hiện tại, chúng ta có cơ hội để bắt đầu một chương mới. Ngành công nghiệp này nên được xây dựng và tuân thủ luật pháp tại nước Mỹ”, CEO Coinbase viết trên mạng xã hội vào tháng 11.

Tuy nhiên, cộng đồng tiền mã hóa vẫn tràn ngập sự tham gia của các công ty có cơ chế hoạt động rủi ro và thiếu tính minh bạch.

“Nhiều dự án tiền mã hóa hiện không có giá trị nội tại. Hy vọng duy nhất của những dự án này là có nhiều tiền hơn và nhiều người sẵn sàng mua vào để tạo ra nhu cầu”, Hilary Allen, chuyên gia về quy định tài chính tại American University nhận định.

Khi lĩnh vực tiền mã hóa mở rộng quy mô, các trung tâm quyền lực mới dần lộ diện. Ông Zhao thành lập Binance vào năm 2017 và xây dựng sàn giao dịch này trở thành nơi mua bán tiền tiền mã hóa lớn nhất thế giới.

Quy mô và phạm vi tiếp cận của sàn đã biến Zhao trở thành người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội X (trước đó là Twitter), nơi ông có hơn 8 triệu người theo dõi.

Sau cùng, cả Zhao và Bankman-Fried đều bị thất sủng. Ông Bankman-Fried đã bị kết án đầu tháng 11 và đối mặt với nguy cơ phải ngồi tù hàng chục năm. Trong khi đó, cựu CEO Binance có khả năng nhận mức án nhẹ hơn khi các công tố viên yêu cầu một bản án 18 tháng tù.

“Việc Zhao và Bankman-Fried không còn là nhân vật chính thực sự có tác động tốt. Ngoài ra, tôi chỉ tập trung vào cách để biến lĩnh vực tiền mã hóa trở nên hữu ích cho thế giới”, Jeremy Allaire, CEO của công ty tiền mã hóa Circle cho biết.

Thế hệ dẫn dắt mới

Theo New York Times, một thế hệ giám đốc điều hành mới đang nổi lên với tư cách là những người dẫn dắt hàng đầu trong ngành. Gần đây, Paolo Ardoino, một nhân vật có niềm đam mê với tiền mã hóa và hiện sở hữu lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội, đã đảm nhận vị trí giám đốc điều hành của Tether.

Tại Binance, cựu CEO Zhao đã được thay thế bởi Richard Teng, một quản lý cấp cao chủ chốt của sàn giao dịch. Ông Teng được cho đã được chuẩn bị để thay thế ông Zhao từ trước đó.

Trên thực tế, ông Zhao và Teng có cách tiếp cận trái ngược khi điều hành công ty. Người sáng lập Binance có xu hướng không hợp tác với các cơ quan quản lý, trong khi ông Teng lại là thành viên lâu năm của cơ quan tiền tệ Singapore.

Richard Teng đã thay thế Changpeng Zhao để trở thành CEO mới của sàn giao dịch Binance. Ảnh: Reuters.

Song, tương lai của Binance vẫn bất định. Là một phần của thỏa thuận giải quyết vào tháng 11, công ty đã đồng ý trả khoản tiền phạt 4,5 tỷ USD cho một số cơ quan chính phủ và sẽ bị một cơ quan giám sát của Mỹ theo dõi trong 3 năm tới.

“Chúng ta cần chờ xem điều gì sẽ thực sự xảy ra. Tôi không nghĩ có ai biết chi tiết ý nghĩa của việc giám sát này”, ông Allaire nói.

Người phát ngôn của Binance không đưa ra bình luận về vấn đề trên.

Theo nhận định của New York Times, người hưởng lợi lớn nhất từ “cuộc cải tổ” trong lĩnh vực tiền mã hóa là CEO Brian Armstrong của Coinbase. Giá cổ phiếu của sàn giao dịch này đã tăng gần gấp 3 lần trong sáu tháng qua, ngay cả khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ kiện công ty này.

“Coinbase dần trở thành bên cuối cùng đứng vững. Trong khi đó, thị trường có ít tính cạnh tranh hơn”, John Todaro, nhà phân tích tại công ty Needham nhận định.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/the-he-dau-tau-moi-cua-linh-vuc-tien-ma-hoa-post1448782.html