Du lịch

Nơi được mệnh danh là 'Bali mới' sẽ không còn yên bình?

Sumbawa là thiên đường của bãi biển hoang sơ, làn nước trong vắt và vẻ đẹp tự nhiên. Cảnh tượng này có thể sớm thay đổi khi sân bay quốc tế sẽ làm tăng đáng kể lượng khách du lịch.

Nhiều người tìm đến hòn đảo Sumbawa để tận hưởng kỳ nghỉ vắng vẻ với nhiều hoạt động như trekking, lặn biển, vượt thác. Ảnh: CNN.

Năm 1936, Bob Koke (người Mỹ) được cho là người đầu tiên lướt sóng ngoài khơi bãi biển Kuta của Bali. Ông vô tình trở thành chất xúc tác cho thị trường du lịch đại chúng ở Indonesia, theo SCMP.

Những người lướt sóng được cho là phổ biến các “viên ngọc” từng được cất giấu, từ bán đảo Bukit, ở sâu phía nam của Bali, đến những hòn đảo vệ tinh lấp lánh của quần đảo Nusa Penida.

Giờ đây, hiện tượng này đang được nhân rộng ở bờ biển phía tây của Sumbawa - hòn đảo lớn thứ 9 trong số hơn 17.000 hòn đảo của Indonesia. Được biết đến như là “Miền Tây hoang dã” của Indonesia với các mỏ vàng và đồng, đây cũng là nơi có những con sóng ổn định và được đánh giá cao nhất của “đất nước vạn đảo”.

Khi những người lướt sóng bắt đầu đến Sumbawa vào những năm 1980, cách duy nhất để làm điều đó là đi bằng đường bộ và đường biển từ Bali qua Lombok.

Ngày nay, hầu hết du khách bay từ Bali đến Sumbawa Besar, từ đó, họ đi taxi nửa ngày để đến một trong số hơn chục nhà nghỉ lướt sóng.

Tuy nhiên, sân bay quốc tế đang được xây dựng ở bờ biển phía tây hứa hẹn làm cho hành trình ngắn hơn nữa, đồng thời gây ra sự bùng nổ bất động sản sẽ thay đổi hoàn toàn khung cảnh thơ mộng này của thế giới.

Hai người đi đi dọc bãi biển Yoyo ở Sumbawa, Indonesia.

Khung cảnh hoang sơ

Để nhìn thấy Tây Sumbawa trước khi nó thay đổi, nhà báo kiêm phóng viên ảnh tự do Ian Lloyd Neubauer đi du lịch đến đây theo cách cổ điển: trên chiếc xe máy từ Bali.

Hành trình của Neubauer bắt đầu khi trời tối, với 2 giờ chạy xe từ trung tâm du lịch Canggu đến Padangbai - bến cảng trên bờ biển phía đông của Bali. Anh đến lúc nửa đêm và trong vòng một giờ sau đã ở trong cabin của chiếc phà lớn băng qua eo biển Lombok. Với 3 chỗ ngồi và máy lạnh, anh ngủ ngon lành.

Mặt trời vẫn chưa mọc khi Neubauer lên bờ ở Lembar - cảng trên bờ biển phía tây của Lombok. Một chuyến đi 2 giờ nữa trên những con đường khác nhau, từ đường cao tốc 6 làn xe gần như vắng vẻ đến những con đường quê 2 làn xe cộ đông đúc đưa anh đến Kayangan trên bờ biển phía bắc của Lombok.

Ở đó, Neubauer lên chiếc phà nhỏ hơn chở cả xe cộ và tìm chỗ ngồi trong cabin để có thể chợp mắt. Nhưng kế hoạch của anh bị cản trở bởi một cặp hát rong qua chiếc loa có kích thước bằng chiếc tủ lạnh 2 cửa.

Neubauer di chuyển đến boong phía sau, không có nơi nào sạch sẽ hoặc có bóng râm để ngồi. Vì vậy, anh dựa vào lan can trong phần còn lại của hành trình dài 90 phút, ngắm nhìn ngọn núi lửa Rinjani của Lombok khuất dần ở đường chân trời.

12 giờ trôi qua kể từ khi Neubauer rời khỏi nhà và cập bến Poto Tano - thị trấn cảng ở phía tây bắc của Sumbawa.

Những chiếc xe tải khai thác lao xuống đường, làm đàn dê bán thuần hóa chạy tán loạn. Bề mặt duy nhất không có màu của bụi là những mái nhà thiếc đỏ ở các ngôi làng ven sông.

Neubauer khám phá những con đường ven biển gập ghềnh ở Tây Sumbawa, Indonesia bằng xe máy.

Neubauer đi theo con đường cắt xuyên qua vùng cây bụi khô cằn cho đến khi nó uốn lượn trở lại bờ biển và đưa anh đến nơi có những bãi biển cát trắng, nước màu ngọc lam, đảo nhỏ và rạn san hô ngoài khơi.

Neubauer cũng đi ngang qua địa điểm xây dựng sân bay mới và làng chài nơi xe ngựa kéo vẫn là phương tiện phổ biến nhất để đi chuyển, những người phụ nữ che mặt phân loại và phơi rong biển bên vệ đường.

Sau 40 phút đi đường, Neubauer đến mũi đất cao chót vót, nơi có những ngọn núi xanh và bờ biển dài đầy cát tạo thành tổ ong gồm các vịnh nhỏ.

Tại bãi biển Ballona, một phần của vịnh hiểm trở dài 5 km, có 2 nhà nghỉ lướt sóng nhưng đều đóng cửa trong đại dịch Covid-19. Khu nghỉ mát nằm trên đồn điền dừa có tên Whales & Waves là nơi duy nhất có thể ở.

Những vị khách khác chủ yếu là người Nga sống ở Bali. Chủ sở hữu, Maxim Romanov, cũng là người Nga, giới thiệu cho Neubauer về khu nghỉ dưỡng nhiều tầng và nơi ở gồm các biệt thự bên bờ biển có hồ bơi mà ông sẽ bắt tay vào xây dựng trong năm nay.

“Không còn mảnh đất ven biển nào ở Tây Sumbawa. Tất cả được các nhà đầu tư giành lấy. Họ đang đợi cho đến khi sân bay mở cửa và giá đất tăng gấp đôi. Chắc chắn, khu vực sẽ thay đổi, nhưng hy vọng là không quá nhanh”, Romanov nói.

Sáng hôm sau, Neubauer chèo thuyền kayak vào vịnh, chèo từ đảo này sang đảo khác, nhìn xuyên qua làn nước trong vắt như rượu gin để ngắm nhìn san hô và sinh vật biển. Anh men theo bìa những khu rừng ngập mặn nguyên sinh và đi ngang qua làng chài với những chiếc thuyền đánh cá sơn màu rực rỡ, nơi nhóm trẻ em đang nô đùa dưới nước hét lên “Xin chào!”.

Quay trở lại chiếc xe đạp của mình, Neubauer tiếp tục đi về phía nam, băng qua những dòng sông màu caramel và men theo con đường đất gập ghềnh dẫn đến những điểm khác nhau của bờ biển. Bãi biển Balad là nơi có khách sạn duy nhất trông như bị ma ám và nhà hàng duy nhất không có đồ uống lạnh. Bãi biển bí mật đẹp như bức tranh đúng như tên gọi của nó.

Sau đó, Neubauer đi vòng vài km vào đất liền, băng qua những cánh đồng lúa đến Semporon Tangkel - một trong 3 thác nước ở giữa bờ biển. Dòng thác sủi bọt đổ xuống vách đá cao 8 m và chảy vào bể bơi tự nhiên được bao quanh bởi những tảng đá phủ đầy rêu.

Ở Bali và Lombok, những thác nước đẹp như tranh vẽ thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn du khách mỗi ngày. Neubauer được hưởng thụ khung cảnh tương tự chỉ một mình.

Bãi biển Ballona khá vắng vẻ do du lịch ở đây chưa phát triển.

Vào buổi chiều, Neubauer đến Maluk - thị trấn khai thác mỏ khắc nghiệt, nơi cung cấp thức ăn và nhà ở cho công nhân từ mỏ đồng do Trung Quốc điều hành và nhà máy luyện kim trên bờ biển.

Những người lướt sóng biết địa điểm này vì Supersuck, một trong những con sóng mang tính biểu tượng nhất của Sumbawa, và là nơi tọa lạc của một trong những nhà nghỉ lướt sóng lâu đời nhất Merdeka House.

Nằm trên đỉnh của mũi đất cao 80 m so với bờ biển, với tầm nhìn bao quát 270 độ ra biển và núi non, Merdeka House giống ngôi nhà chung hơn là khách sạn bình thường.

Du khách thường cùng nhau lướt sóng và chia sẻ bữa tối gồm cá hoặc gà, rau, cơm với chủ nhà Joe Patterson (người Australia).

“Tôi yêu nơi này ngay từ lần đầu tiên đến đây vào năm 1999. Xa xôi nhưng không quá hẻo lánh, người dân địa phương hòa nhã và sóng đẳng cấp thế giới”, ông nói.

Khoảng 90% khách của Patterson là những người lướt sóng, nhưng cũng có rất nhiều trải nghiệm cho nhóm còn lại.

“Khi cha tôi đến thăm, chúng tôi đi theo con đường mòn tự nhiên kéo dài 3 giờ dọc theo bờ biển, chèo thuyền đánh cá để lặn với ống thở trên các rạn san hô”.

Anh nói thêm: “Khi đến đây, mọi người sẽ lập tức ngắt kết nối với bên ngoài ngay ngày đầu tiên. Tôi nghĩ đó là điều quý giá mà bạn không thể làm một cách dễ dàng ở Bali trừ khi ở khu nghỉ dưỡng lớn”.

Eva Darracq, vận động viên lướt sóng đến từ Pháp dành 2 tháng đi du lịch vòng quanh Indonesia, đồng tình.

“Tôi muốn có vài con sóng ở Bali, nhưng hòn đảo không giống như lần đầu tiên tôi đến đó 20 năm trước. Lombok cũng vậy. Bây giờ, Sumbawa là nơi để thoát khỏi cảnh quán bar và cà phê để tìm những con sóng tự do. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi ở đây. Đây là hòn đảo Hồi giáo bảo thủ nhưng người dân rất thân thiện và thoải mái”, bà nói.

Hoàng hôn trên bãi biển Ballona ở Sumbawa.

Cố gắng cân bằng

Neubauer dành đêm thứ hai tại Merdeka House. Ngày thứ 3, anh đọc sách trên ban công và ngắm hoàng hôn, cảnh sinh hoạt của người dân.

Tiếp đó, Neubauer đi bơi và khám phá khu chợ ở Maluk. Nơi này giống như mê cung các quầy hàng, tràn ngập tiếng cười đùa của những người bán hàng rong và mùi cá, trái cây, gia vị, vải vóc mà họ bán.

Từ Maluk, Neubauer tiếp tục đi về phía nam dọc theo loạt khúc cua dốc băng qua dãy núi hùng vĩ để đến Sekongkang. Ngôi làng là quê hương của Yoyo - con sóng nổi tiếng nhất của Tây Sumbawa.

Thác Semporon Tangkel ở Sumbawa.

Với những bãi biển dài vắng vẻ, mỏm đất gồ ghề ven biển và khối đá thẳng đứng mọc lên từ biển, Sekongkang gợi nhớ đến vùng duyên hải miền Nam Australia.

Hầu hết khách du lịch và cư dân nước ngoài ở Sekongkang cũng là người Australia.

Ngày hôm sau, Neubauer kết thúc ở vịnh Lawar - đầm phá màu xanh nhạt nằm trong vòng cung cát hoàn hảo kẹp giữa những mũi đất cao chót vót. Một phần bãi biển thuộc về Kirana Retreat - khu nghỉ dưỡng nằm trong rặng dừa.

Wayan Krisna, người quản lý đến từ Bali, nói rằng gần như tất cả khách của ông đều là dân lướt sóng. Nhưng ông hy vọng điều đó sẽ thay đổi khi sân bay mở cửa. Ông chủ của ông đang lên kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng thứ hai với dự đoán lượng khách ngày càng tăng.

Tuy nhiên, Krisna có những nghi ngờ của mình.

“Chỗ ở tại Sumbawa đắt gấp 2-3 lần so với Bali do hậu cần và vận chuyển hàng hóa ở đây rất khó khăn. Mọi thứ đều khiến chúng tôi tốn kém hơn”.

Tìm nhân viên ở Sumbawa cũng là thử thách lớn.

“Người dân địa phương không biết nhiều về du lịch. Chủ yếu họ biết làm việc trong hầm mỏ. Chúng tôi cần đưa nhân viên từ Bali và Lombok đến, điều đó cũng tốn kém hơn nữa”, ông cho biết thêm.

Krisna cũng chỉ ra phong cách phát triển khác ở Sumbawa khi ưu tiên không gian rộng mở.

“Ở Bali, các tòa nhà san sát nhau vì đất đai rất đắt đỏ. Tại đây, chúng tôi có 21 mẫu Anh nhưng chỉ có 10 phòng cho khách”.

“Chúng tôi không đốn hạ cây nào cả. Chúng tôi giữ tất cả tự nhiên. Người dân ở đây đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa thiên nhiên và sự phát triển. Tôi nghĩ Sumbawa có lẽ sẽ giống như Bali của những năm 1990, khi mọi thứ dần được chú ý nhưng không quá đông đúc”, Krisna kết luận.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/noi-duoc-menh-danh-la-bali-moi-se-khong-con-yen-binh-post1424637.html