Có thể bạn quan tâm

Nơi duy nhất nằm ngoài khủng hoảng sinh đẻ của Nhật Bản

Thị trấn Nagi được mệnh danh là nơi "các thần sinh sản ưu ái", bởi mỗi gia đình thường có ít nhất 2 con, trong khi tỷ lệ sinh ở Nhật Bản chỉ ở mức 1,3.

Thị trưởng Masachika Oku bày tỏ sự lo lắng, sợ rằng những đứa trẻ ở thị trấn Nagi xa xôi này cảm thấy mệt mỏi.

“Chúng đang bị những vị khách đem theo camera săn đuổi mỗi ngày”, ông nói với Wall Street Journal.

Các vị khách ông Oku nhắc đến, bao gồm cả Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, là những người đến thị trấn để tìm kiếm bí mật quý giá có thể ẩn giấu nơi đây: làm thế nào để tạo ra nhiều em bé hơn.

Trung bình mỗi phụ nữ tại thị trấn Nagi, nơi có khoảng 5.700 cư dân, sinh hơn 2 con. Đây là con số nổi bật tại một quốc gia đang gặp khủng hoảng nhân khẩu học.

Nagi, một thị trấn hẻo lánh ở phía tây Nhật Bản, nổi tiếng với tỷ lệ sinh cao ấn tượng.

Số ca sinh ở xứ hoa anh đào lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000 vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu lưu trữ hồ sơ năm 1899.

Tỷ lệ sinh hiện tại là 1,34, thấp hơn rất nhiều so với mức 2,07 để giữ cho dân số ổn định. Đây là dấu hiệu cho thấy dân số Nhật Bản có thể giảm từ 125 triệu xuống còn 88 triệu người vào năm 2065.

Phép màu Nagi

Suốt hơn 30 năm qua, chính phủ Nhật Bản đã thử nghiệm nhiều chính sách, như Kế hoạch Thiên thần, Kế hoạch Thiên thần Mới hay Kế hoạch Cổ vũ Sinh đẻ và Nuôi dạy Con trẻ, nhưng chúng không có sự khác biệt rõ rệt.

Một số nhà chức trách tỏ ra thất vọng, kết luận rằng cách duy nhất còn lại là hành hương đến Nagi, thị trấn được "các vị thần sinh sản ban phước lành".

Tại đây, họ gặp những cư dân như Yuri Takatori (35 tuổi), người đang nuôi dạy 4 cậu con trai. Đứa con út của cô mới 7 tháng tuổi.

“Tại đây, gia đình có 3 hoặc 4 đứa con là điều khá phổ biến”, Takatori nói.

Người phụ nữ cho biết chồng cô làm việc nhiều giờ tại một nhà máy sản xuất tủ lạnh công nghiệp, kiếm khoảng 1.800-2.200 USD/tháng.

Yuri Takatori tại Trung tâm Trẻ em Nagi với 3 trong số 4 con trai của cô.

Dù ngân sách eo hẹp và thiếu sự giúp đỡ của chồng, Takatori cảm thấy cô vẫn đủ sức nuôi dạy con cái. Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, như chính sách chăm sóc y tế miễn phí cho tất cả trẻ em, cô còn nhận được sự giúp đỡ từ những bà mẹ và phụ nữ lớn tuổi tại thị trấn.

Tại một công viên được trang bị đầy đồ chơi, Ai Todaka (35 tuổi) ngồi ngắm nhìn con gái Riko (6 tuổi) đang chơi đùa với em trai Aoi (3 tuổi).

“Đứa lớn muốn cha mẹ sinh thêm em. Con bé tỏ ra ghen tị khi bạn bè đồng trang lứa có nhiều anh chị em. Đó là lý do vợ chồng tôi sinh đứa thứ hai”, cô chia sẻ.

Cách đây vài năm, Nagi vẫn chỉ được biết đến như hình mẫu của “làng Lá” huyền bí trong bộ manga Naruto. Masashi Kishimoto, tác giả của loạt truyện tranh nổi tiếng thế giới này, xuất thân từ thị trấn Nagi. Nơi đây cũng có một bảo tàng dành riêng cho một loài ốc đã tuyệt chủng.

Cho đến năm 2019, giới truyền thông Nhật Bản bắt đầu chú ý đến tỷ lệ sinh của thị trấn xa xôi này. Số trẻ sơ sinh trung bình của mỗi phụ nữ ở Nagi là 2,95. Năm 2021, con số này giảm một chút, xuống còn 2,68 nhưng vẫn thuộc mức cao.

Trong khi đó, năm 2022, tỷ lệ sinh của Nhật Bản là 1,3 và nước láng giềng Hàn Quốc là 0,78.

Takatori và 4 con trai của mình.

Bí mật đằng sau phép màu

Khi du khách bắt đầu kéo đến đây để chứng kiến “phép màu Nagi”, tòa thị chính tính phí các đoàn khách với số tiền 73 USD, thêm 7,3 USD/người.

Dù mất phí, các nhóm khách vẫn tới thị trấn, với tần suất 7-8 đoàn/tháng, theo các quan chức địa phương. Mọi thứ thậm chí trở nên náo nhiệt hơn sau khi Thủ tướng Fumio Kishida ưu tiên việc giải quyết tỷ lệ sinh thấp trong chương trình nghị sự tháng trước.

Vào một sáng chủ nhật gần đây, ông Kishida, cha của 3 đứa con, đã đến thị trấn Nagi. Thủ tướng bay đến thủ phủ của tỉnh gần nhất, sau đó di chuyển thêm 90 phút qua những ngọn núi bằng ôtô cùng thống đốc.

Tại thị trấn “màu nhiệm”, ông ghé thăm một trung tâm hỗ trợ chăm sóc trẻ em cho các gia đình, trò chuyện với các bà mẹ, bế một số trẻ em để chụp ảnh.

Thủ tướng Nhật Bản đến thăm một trung tâm chăm sóc trẻ em ở thị trấn Nagi. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản.

Vài ngày sau chuyến thăm của thủ tướng, một chiếc xe khách chở các quan chức Hàn Quốc từ thành phố Miryang (tỉnh Gyeongsangnam-do) đã lăn bánh tới thị trấn, đem theo 150 USD tiền mặt đựng trong một phong bì.

Sau khi trao phong bì, họ lắng nghe một bài thuyết trình kéo dài 1 tiếng với sự hỗ trợ của thông dịch viên và tham quan trung tâm trẻ em. Tại đây, đoàn khách biết được rằng các bậc phụ huynh không trả quá 420 USD/tháng phí dịch vụ giữ trẻ cho đứa con đầu tiên, nửa giá đó cho đứa con thứ hai, còn đứa con thứ ba thì miễn phí.

Gia đình cũng nhận được số tiền tương đương 1.000USD/năm cho mỗi đứa trẻ nhập học trung học. Những phụ nữ lớn tuổi tại thị trấn sẵn lòng giúp đỡ trông nom trẻ em với mức phí nhỏ.

Giới chức Nagi cho biết họ mất 2 thập kỷ để nâng tỷ lệ sinh của thị trấn, đồng thời phải hy sinh một số thứ khác như giảm các dự án công trình công cộng. Hội đồng thị trấn cũng giảm số thành viên từ 14 xuống còn 10 người.

Cùng ngày phái đoàn Hàn Quốc ghé thăm, một đoàn khách ở đảo Shikoku (Nhật Bản) cũng đến đây. Thị trưởng Oku cho biết ông đang tìm cách kết hợp các đoàn khách riêng lẻ để trẻ em không phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều người lạ và máy ảnh.

Nozomi Sakaino (bên trái) và Ai Todaka cùng các con của họ tại một công viên.

Nagi vẫn có số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh nở mỗi năm. Nhưng thị trấn cố gắng giữ cho dân số ổn định bằng cách thu hút các cặp vợ chồng trẻ.

Một chính sách kéo dài từ đây cho đến cuối tháng 3 sẽ cung cấp 4.400 USD cho các cặp vợ chồng ở độ tuổi 20 đăng ký kết hôn tại thị trấn và 2.200 USD cho các cặp ở độ tuổi 30.

Nozomi Sakaino, người mẹ 34 tuổi của 3 cậu con trai, cho biết dịch vụ chăm sóc trẻ em luôn sẵn có và hệ thống xã hội phù hợp công việc giúp cô có thể vừa nuôi dạy con cái, vừa làm công việc bán thời gian không thường xuyên, như dạy người cao tuổi cách dùng điện thoại thông minh.

“Ở Nagi, mỗi người mẹ giống như mẹ của tất cả đứa trẻ. Chúng tôi chăm sóc con cái của nhau”, cô nói.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/noi-duy-nhat-nam-ngoai-khung-hoang-sinh-de-cua-nhat-ban-post1408876.html