Lifestyle

Nơi người trẻ bỏ việc văn phòng, đi lao động tay chân

Với một số người trẻ Trung Quốc, hy sinh mức lương cao và công việc văn phòng danh giá là điều cần thiết để cứu lấy sức khỏe đang kiệt quệ của họ.

Nỗ lực chạy đua và cạnh tranh trong công việc khiến nhiều người trẻ Trung Quốc kiệt sức.

Sau khi tốt nghiệp từ một trong những đại học danh giá nhất Trung Quốc vào năm 2018, Loretta Liu thuê một căn hộ ở thành phố Thâm Quyến và được tuyển dụng làm nhân viên thiết kế đồ họa cho loạt công ty nổi tiếng.

Cô làm được điều này ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục.

Năm 2022, Liu nghỉ việc. Hiện cô trở thành một thợ tỉa lông tại một chuỗi cửa hàng thú cưng, với mức lương chỉ bằng 1/5 so với trước đây. Cô dành hàng giờ đứng làm việc, mặc đồng phục cửa hàng thay vì dành thời gian chọn lựa trang phục đi làm như trước đây.

Người trẻ tại một hội chợ việc làm ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 2. Ảnh: China News Service/Reuters.

Nhưng Liu thấy vui vì sự thay đổi này. Ở công việc cũ, cô ít khi được tự do sáng tạo và thường xuyên phải làm việc ngoài giờ. Cô nhận thấy rõ sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng sa sút.

“Tôi phát mệt khi phải sống như vậy. Tôi thấy rằng mình chẳng nhận được điều gì từ công việc. Vì thế tôi nghĩ mình không cần điều đó nữa”, Liu nói với New York Times.

Thay đổi liều lĩnh

Liu không phải người trẻ hiếm hoi đánh đổi công việc văn phòng danh giá, áp lực cao và chuyển sang lao động chân tay. - một hiện tượng đang ngày càng thu hút sự chú ý ở Trung Quốc.

Theo New York Times, khó có thể đo lường quy mô của xu hướng này. Tuy nhiên, nhiều bài đăng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy một nhân viên công nghệ trở thành nhân viên thu ngân của cửa hàng tạp hóa; một nhân viên kế toán chuyển sang bán xúc xích trên đường phố; hay một nhà quản lý nội dung trở thành shipper giao đồ ăn.

Trên mạng xã hội Xiaohongshu, hashtag “Lần đầu trải nghiệm lao động chân tay của tôi” thu hút hơn 28 triệu lượt xem.

Những người trẻ này mô tả niềm vui sướng khi không phải tăng ca và môi trường làm việc ít cạnh tranh hơn. Họ cũng thừa nhận rằng đã phải hy sinh để có được sự đánh đổi này.

Người trẻ Trung Quốc phải chật vật để tìm kiếm được việc làm ổn định trong một thị trường biến động mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Zuma Press.

Ví dụ, Liu đã tiết kiệm khoảng 15.000 USD trước khi nghỉ việc và hiện phải cắt giảm chi tiêu đáng kể. Tuy nhiên, cô hay những người trẻ khác cảm thấy sự hy sinh đó xứng đáng để thoát khỏi tình trạng kiệt quệ tinh thần do công việc cũ gây ra.

Liu cho biết cô thích sự mệt mỏi về thể chất khi phải làm việc với những chú chó bất hợp tác hơn là sự tổn hại về tinh thần lúc nghiền ngẫm nhiệm vụ thiết kế không mong muốn.

Bên cạnh đó, nhiều thanh niên chia sẻ rằng họ đang tìm kiếm công việc chân tay nhưng mức độ nhẹ nhàng, không phải công việc nặng nhọc như thợ xây dựng hay công nhân nhà máy.

Ngừng chạy đua, chán cạnh tranh

Xu hướng thay đổi công việc đã làm sống lại cuộc tranh luận về cuộc đua tiền - tài không điểm dừng ở Trung Quốc.

Hai năm trước, một lời kêu gọi nghỉ việc và tận hưởng cuộc sống, được đặt tên là “tang ping” (nằm yên), lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng người trẻ đang lãng phí tiền của cha mẹ, cũng như từ bỏ đức tính cần cù - thứ đã giúp Trung Quốc vực dậy trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một nhóm người trẻ ngồi bên ngoài trung tâm mua sắm ở Thượng Hải tháng 9/2022. Ảnh: Aly Song/Reuters.

Cùng với đó, sự cạnh tranh cho các công việc văn phòng ngày càng khốc liệt hơn. Một số lượng sinh viên kỷ lục dự kiến sẽ tốt nghiệp đại học trong năm nay, ngay cả khi các công ty cắt giảm tuyển dụng.

Mùa hè 2022, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi là gần 20%, trong đó các cử nhân đại học chiếm tỷ lệ cao hơn, theo thống kê chính thức.

Vì vậy, thay vì cố gắng hơn nữa để cạnh tranh, một số người trẻ chọn đi theo con đường sự nghiệp ít được số đông khao khát.

“Mục đích của việc học tập và tích lũy kiến thức không phải để có được một công việc ấn tượng, mà để có bản lĩnh chấp nhận nhiều khả năng hơn,” trích dòng mô tả của một diễn đàn trực tuyến gồm 39.000 thành viên ở Trung Quốc. Diễn đàn này thảo luận về những chủ đề như cách xây dựng quầy bán hàng rong trên phố, hoặc mô tả trải nghiệm làm nhân viên phục vụ bàn.

Năm 2022, sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ, Eunice Wang (25 tuổi) lập tức nhận lời đề nghị làm công việc tư vấn quản trị ở Bắc Kinh. Lúc đó, cô cảm thấy tự hào về bản thân khi vượt qua rất nhiều đối thủ tuyển dụng. Cô cũng rất trông chờ vào sự nghiệp tương lai.

Nhưng chẳng bao lâu, Wang rơi vào vòng luẩn quẩn. Khối lượng công việc ngày càng nặng nề, nhưng cô lại quá bận rộn để giải tỏa căng thẳng. Cô cũng không được gặp cha mẹ mình suốt gần một năm vì lệnh hạn chế đi lại Covid-19.

Văn hóa "tang ping" (nằm yên) kêu gọi người trẻ hãy nghỉ việc và tận hưởng cuộc sống. Ảnh minh họa: Alex Plavevski/EPA.

Mùa thu cùng năm, Wang nghỉ việc. Hiện cô làm việc tại một quán cà phê ở quê nhà Thẩm Dương, với mức lương chỉ bằng 1/5 so với trước đây. Cô sống cùng cha mẹ và kiếm thêm tiền nhờ vẽ tranh minh họa tự do.

Wang thừa nhận rằng mình thật may mắn khi có thể đưa ra lựa chọn như vậy. Gia đình Wang thuộc tầng lớp trung lưu khá giả nên cô ít phải lo nghĩ về tiền bạc. Cô sẽ lập tức quay trở lại công việc văn phòng nếu một ngày nào đó cha mẹ cần hỗ trợ tài chính.

Nhưng cho đến lúc đó, Wang coi trọng cơ hội được thách thức những quan niệm về sự thành công trước đây của mình.

“Mọi người đều nghĩ rằng chinh phục được một dự án hoặc giành được khách hàng là điều tuyệt vời, và tôi buộc mình phải tin như vậy”, Wang nói về công việc cũ. Nhưng dần dần, cô thấy mình có quá đủ những điều đó.

Người trẻ bị đổ lỗi

Số lượng người trẻ Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp vẫn có thể chỉ là thiểu số. Hiện trên các diễn đàn trực tuyến, số người đặt câu hỏi có nên nghỉ việc hay không nhiều hơn là số người đã thực hiện.

Cùng với đó, một số người từng rời bỏ vị trí thu nhập cao thừa nhận không biết sẽ bám trụ với nghề lao động chân tay mới này được bao lâu. Một số khác cho biết họ đang tiêu xài nhiều hơn mức thu nhập.

Tại xứ tỷ dân, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người trẻ tốt nghiệp đại học cao hơn. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Không ít ý kiến chỉ trích rằng những người nghỉ việc chỉ đang đóng vở kịch sống nghèo đói, hoặc nhẫn tâm cướp công việc chân tay từ những người ít học hơn họ.

Nhưng đồng thời, đài truyền hình trung ương của Trung Quốc gần đây lại đổ lỗi một phần cho những người Trung Quốc trẻ tuổi, có học thức không sẵn sàng đảm nhận công việc lao động chân tay, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao.

Theo Nie Riming, một nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính và Luật Thượng Hải, vấn đề không phải do thanh niên nghĩ rằng họ quá giỏi cho công việc chân tay. Nguyên nhân là việc trở thành công nhân sẽ không mang lại cơ hội xây dựng cuộc sống tốt hơn cho họ.

Cho đến khi Trung Quốc tạo ra những công việc lao động chân tay được trả lương cao hơn, đi kèm với sự tôn trọng nhất định, giới trẻ sẽ thực dụng hơn, không còn “kén chọn” nữa.

“Nếu xã hội không đa dạng, chúng ta đừng mong sinh viên đưa ra lựa chọn đa dạng”, ông nói.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/noi-nguoi-tre-bo-viec-van-phong-di-lao-dong-tay-chan-post1420995.html?utm_campaign=zingwap&utm_medium=zalomsg&utm_source=zalo