Từng là hãng xe danh tiếng, niềm tự hào của nền công nghiệp ôtô Anh quốc và nhận được sự yêu thích đặc biệt từ vua Charles III, hãng xe MG rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn thập niên 80, thậm chí đóng cửa nhà máy và tưởng chừng không thể gượng dậy nổi.
Bằng nhiều sự nỗ lực và đặc biệt là "phao cứu sinh" tới từ Trung Quốc, thương hiệu MG với logo hình bát giác vẫn tồn tại trên thị trường ôtô toàn cầu, thậm chí trở thành hãng xe sở hữu doanh số khá tốt tại nhiều thị trường khác nhau.
Tuy nhiên vào lúc này, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Khi nhắc đến MG, người ta không còn xem là một hãng xe Anh, mà gọi đây là ôtô Trung Quốc.
Quá khứ ở Anh, tương lai tại Trung Quốc
Vào khoảng năm 1923, Cecil Kimber thành lập hãng xe MG – viết tắt của Morris Garages – và giới thiệu logo bát giác đặc trưng của thương hiệu một năm sau đó.
Ở giai đoạn đầu, MG nổi danh tại xứ sở sương mù nhờ các mẫu xe thể thao. Trong số này, chiếc MGC GT màu xanh cổ vịt là lựa chọn ôtô đầu tiên của vua Charles III vào năm 1968, thời ông vẫn còn là Thân vương xứ Wales.
Khủng hoảng ập đến với MG vào năm 1980 khi dây chuyền sản xuất MG tại Abingdon ngừng hoạt động. Đây cũng là dấu chấm hết của MGB, một trong những mẫu xe thể thao bán chạy nhất thế giới đồng thời là cái tên thành công nhất của hãng xe Anh quốc sở hữu logo hình bát giác.
Phải sang năm 1982, MG mới khởi động lại dây chuyền sản xuất ôtô đại trà dưới danh nghĩa là công ty con trực thuộc tập đoàn Austin Rover. Sau nhiều lần chuyển giao, MG chính thức thuộc về tập đoàn SAIC của Trung Quốc từ năm 2007, đánh dấu sự chuyển mình của hãng xe từng là niềm tự hào của ngành công nghiệp ôtô Anh quốc.
Nếu coi SAIC là một nhà đầu tư đơn thuần, MG vẫn là một thương hiệu xe Anh quốc. Nhưng đông đảo giới đam mê xe trên thế giới tin rằng MG thực sự đã dừng hoạt động, và Trung Quốc đã xây dựng lại một MG mới, một hãng xe Trung Quốc mang thương hiệu Anh.
Tìm đường trở lại nước Anh
Tưởng chừng nhờ gốc gác xứ sở sương mù cùng một lịch sử lâu đời, ôtô thương hiệu MG sẽ nhanh chóng được ưa chuộng tại thị trường Anh cũng như lục địa già bất chấp hoạt động thiết kế, phát triển cũng như dây chuyền sản xuất đều đặt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khởi đầu của MG tại Anh từ sau thời điểm về tay SAIC đã diễn ra không mấy dễ dàng.
MG6 ra mắt thị trường ôtô Anh quốc lần đầu vào năm 2011 và không nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng xứ sở sương mù. Đến khi MG3 trình làng thị trường này vào năm 2014, doanh số của MG mới dần cho thấy những dấu hiệu của sự cải thiện.
Tuy nhiên, những chuyển biến mạnh mẽ về doanh số của MG tại Anh chỉ thực sự diễn ra khi MG ZS trình làng vào năm 2017. Phiên bản chạy điện của mẫu SUV này cũng là cái tên đưa MG xâm nhập sâu hơn vào thị trường ôtô lục địa già.
Thành công ở một số thị trường
Trong một thông báo đưa ra hồi đầu tháng 7/2023, tập đoàn SAIC cho biết đã bán được 530.000 xe tại thị trường nước ngoài trong quý I/2023. Đáng chú ý, khoảng 70% trong số này là ôtô thương hiệu MG.
Trong số các thị trường bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, châu Âu là một trong 6 khu vực "50.000 xe" mà SAIC nhắm đến cho MG hồi đầu năm 2022, cùng với khu vực Australia và New Zealand, châu Mỹ (bao gồm cả Mexico), Trung Đông, Đông Nam Á và Nam Á.
Số liệu của JATO cho thấy ở nửa đầu năm 2023, doanh số của MG tại châu Âu là 104.300 xe, tương đương mức tăng trưởng 128% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số xe năng lượng mới của thương hiệu MG chiếm đến hơn 50%.
Thậm chí trong tháng 8/2023, doanh số 14.900 xe đã giúp MG lọt vào danh sách 20 hãng xe bán chạy nhất toàn châu Âu. Chỉ riêng trong mảng xe thuần điện, doanh số của hãng xe sở hữu logo bát giác đã tăng trưởng 226%, giúp MG xếp trên nhiều cái tên địa phương như Opel/Vauxhall, Audi hay Skoda.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường châu Âu đã thúc đẩy MG hướng đến sản xuất ôtô ngay tại lục địa già. Hồi tháng 7 năm ngoái, Autocar cho biết SAIC đã xác nhận sẽ sớm mở một nhà máy MG tại châu Âu, nối tiếp sự hiện diện của các nhà máy trước đó ở Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ.
Khó khăn ở "quê nhà"
Không chỉ bán tốt ở châu Âu, MG còn là thương hiệu ôtô nhận được sự quan tâm của khách hàng tại nhiều thị trường ngoài Trung Quốc. Theo Shine, MG đã lọt top 20 thương hiệu xe bán chạy nhất tại gần 20 quốc gia khác nhau, bao gồm Australia, New Zealand, Mexico, Chile và Thái Lan.
Tuy vậy, tình hình kinh doanh của MG tại "quê nhà" Trung Quốc lại tỏ ra không mấy lạc quan. Theo số liệu của Good Car Bad Car, doanh số của MG tại đất nước tỷ dân trong năm 2022 đã sụt giảm đến gần 53% so với năm trước đó. Với tổng cộng chỉ 253.246 xe bán ra cho khách hàng Trung Quốc, thị phần của MG đã tụt xuống chỉ còn 1,22% trong năm 2022.
Thậm chí trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh số của MG tại Trung Quốc đã sụt giảm 50%, xuống chỉ còn 15.203 xe, theo số liệu từ Bestsellingcarblog.
Kết quả, danh sách 10 hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc trong năm 2023 đã hoàn toàn vắng bóng MG. Trong khi đó, Wuling – một hãng xe trong liên doanh SAIC-Wuling-GM – lại đạt tổng lượng tiêu thụ 843,103 xe tại Trung Quốc và đứng thứ 7 trong danh sách này, theo Car News China.
Nỗ lực điện hóa
Với thành tích bán hàng tương đối ấn tượng tại châu Âu trong năm 2023, MG từng được chuyên trang Motor1 ví von là kẻ chiến thắng tiếp theo trên hành trình chuyển đổi từ ôtô sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện.
Ở thị trường Australia, MG4 cùng với MG ZS EV là hai trong số những mẫu xe điện bán chạy nhất trong năm 2023, theo Guardians.
MG4 sở hữu doanh số 3.134 xe, là ôtô thuần điện bán chạy thứ 4 thị trường Australia sau Tesla Model Y, Tesla Model 3 và BYD Atto 3. Trong khi đó, MG ZS EV thu về doanh số 2.794 xe tại thị trường này trong năm 2023, xếp sau Volvo XC40 (2.846 xe) đồng thời đứng trên Polestar 2 (2.463 xe) cùng Kia EV6 với 1.831 xe.
Trong tương lai, xe điện MG Cybester sẽ tiếp tục ra mắt, bên cạnh Marvel R và những mẫu xe thuần điện khác mà hãng đang có sẵn trên thị trường.
Lợi thế của MG, tương tự nhiều hãng xe Trung Quốc khác ở thời điểm hiện tại, nằm ở chi phí sản xuất. Với MG4, mẫu xe điện nhỏ gọn này có giá bán hấp dẫn hơn khá nhiều so với đối thủ Volkswagen ID.3, dù sở hữu bộ pin có dung lượng chỉ thua kém đôi chút.
Cụ thể, công nghệ LFP cho phép MG4 sở hữu bộ pin 51 kWh, cung cấp phạm vi hoạt động tối đa 350 km với giá bán khởi điểm 35.785 EUR (tương đương gần 39.000 USD) tại thị trường Đức.
Trong khi đó, Volkswagen ID.3 bản sử dụng pin 58 kWh sau nhiều lần điều chỉnh đang có giá bán 39.990 EUR (tương đương khoảng 43.540 USD) tại Đức. Nếu muốn sở hữu bộ pin 77 kWh cho ID.3, khách hàng Đức phải chi khoản tiền 44.310 EUR (tương đương hơn 48.200 USD), theo Automotive News Europe.
Như vậy sau những thăng trầm từng trải qua trong quá khứ, MG đang dần tìm lại vị thế của mình tại thị trường châu Âu nhờ những lợi thế về sản xuất do tập đoàn SAIC của Trung Quốc cung cấp.
Dù xem như đã giương cờ trắng tại đất nước tỷ dân, giới lãnh đạo MG dường như không cần quá lo lắng, bởi những mẫu xe với logo bát giác gắn phía trước vẫn đang khá được ưa chuộng tại lục địa già cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Những chiếc MG gắn cờ Anh quốc tại Việt Nam
Tại thị trường Việt Nam, MG từng ra mắt khách hàng trong nước vào năm 2012 nhưng nhanh chóng rời đi. Tám năm sau, ôtô thương hiệu MG quay trở lại dưới quyền phân phối của Tan Chong, cái tên quen thuộc từng phân phối nhiều hãng ôtô tại Việt Nam, trong đó có Nissan.
Ở lần trở lại thứ hai vào năm 2020, MG ZS và MG HS là những mẫu xe đầu tiên được giới thiệu đến khách hàng Việt Nam. Tuy nhiên, MG HS nhanh chóng rời đi và trong một thời gian dài, thị trường xe Việt Nam chỉ ghi nhận sự hiện diện của MG5 cùng MG ZS trong dải sản phẩm của hãng xe có logo hình bát giác.
Giữa năm 2023, SAIC chính thức tiếp quản quyền điều hành và phân phối ôtô thương hiệu MG tại thị trường Việt. Tập đoàn ôtô Trung Quốc mang về MG RX5 để cạnh tranh trong phân khúc SUV đô thị, cùng với mẫu sedan được gọi là All New MG5.
Nếu như MG RX5 là mẫu xe mới với thiết kế đẹp và mang nhiều giá trị đương đại, dòng xe chiến lược All-New MG5 lại gây ra những tranh cãi khi đây là mẫu xe còn cũ hơn cả MG5 hiện tại, đồng thời chỉ có duy nhất phiên bản số sàn với giá bán cực rẻ. Thương hiệu MG còn "gây ấn tượng" với người dùng bởi việc được đánh giá "0 sao" an toàn tại Australia với mẫu MG5.
Trong tương lai, MG có thể trình làng thêm nhiều mẫu xe đến khách hàng Việt Nam như các mẫu xe điện MG4, MG Cybester và MG Marvel R. Nhiều tin đồn cho rằng MG sẽ mang mẫu SUV MG HS quay trở lại Việt Nam, tuy nhiên thông tin này vẫn chưa được xác thực.
Tuy vậy như đã nói, ôtô thương hiệu MG vẫn còn là đề tài gây ra khá nhiều tranh cãi tại các thị trường khác nhau. Nhiều người cho rằng cái mác xe Anh quốc đã xa rời MG từ rất lâu, và hiện tại từ trong ra ngoài của ôtô thương hiệu này đều đến từ Trung Quốc. Những tranh cãi này có lẽ sẽ khó đi đến hồi kết và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh của MG bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Dù vậy, nếu MG có thể thuyết phục khách hàng quốc tế bằng chất lượng xe, công nghệ cùng giá bán hấp dẫn, tương tự các hãng xe đồng hương đang làm được, thì dẫu có là "bình cũ rượu mới" cũng không thể ảnh hưởng đến sự quan tâm mà khách hàng dành cho thương hiệu này.