Có thể bạn quan tâm

Paris lột xác

Paris thay da đổi thịt mạnh mẽ thời gian qua khi đổ tiền vào văn hóa, thu hút các nghệ sĩ hàng đầu tới sống và làm việc, với tham vọng trở thành kinh đô nghệ thuật mới ở châu Âu.

Tháng 10/2022, Paris được vinh danh là kinh đô nghệ thuật đương đại của châu Âu khi đăng cai tổ chức triển lãm nghệ thuật Paris+ par Art Basel danh tiếng.

Từ khắp thế giới, các nhà sưu tầm giàu có, các chuyên gia nghệ thuật hàng đầu và báo giới đổ về các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật tại kinh đô ánh sáng Paris. Đây là điều chưa từng có tiền lệ, theo Bloomberg.

Kinh đô nghệ thuật mới

Từ lâu, Paris bị gán mác là thành phố nghệ thuật già nua thiếu sức sống. Nhưng năm nay, thủ đô nước Pháp lột xác khi liên tiếp tổ chức kết hợp các sự kiện nghệ thuật công cộng và tư nhân. Mạng lưới nghệ sĩ sống tại Paris cũng ngày càng được mở rộng.

"Các quỹ nghệ thuật, bảo tàng, triển lãm, nhà sưu tầm ý thức được sự quan trọng của thời kỳ vàng hiện nay với Paris. Chúng tôi đang nỗ lực để kéo mọi người tới Paris, duy trì sự sôi động của thành phố", Kamel Mennour, chủ 4 phòng trưng bày tại Paris, nói.

Sự nổi lên của Paris trong lĩnh vực nghệ thuật diễn ra trong bối cảnh London mất đi sức hấp dẫn sau khi nước Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU). Tuy vậy, nhiều người yêu nghệ thuật cho rằng đây không phải cuộc cạnh tranh một mất một còn.

Thị trường nghệ thuật London hiện vẫn rất nhộn nhịp. Mới đây, London tổ chức nhiều triển lãm bảo tàng được giới phê bình đánh giá cao, như triển lãm điêu khắc và thơ tại Serpentine, hay triển lãm về họa sĩ Lucian Freud tại Bảo tàng Quốc gia.

Bảo tàng nghệ thuật Foundation Louis Vuitton. Ảnh: Foundation Louis Vuitton.

Thực tế, sự khởi sắc của Paris chủ yếu đến từ các khoản đầu tư hào phóng của các ông lớn trong lĩnh vực nghệ thuật. Khởi đầu của làn sóng này diễn ra năm 2014 khi Chủ tịch hãng thời trang xa xỉ LVMH Bernard Arnault, hiện là người giàu nhất thế giới, khánh thành bảo tàng nghệ thuật Foundation Louis Vuitton.

Foundation Louis Vuitton được thiết kế như một con thuyền trôi giữa rừng cây, nằm tại công viên Bois de Boulogne. Kể từ đó, Foundation Louis Vuitton đã tổ chức hàng loạt triển lãm mang tầm quốc tế, với quy mô và ngân sách vượt trội tất cả cơ sở nghệ thuật công khác, theo Forbes.

Tới 2018, Paris chứng kiến sự ra đời của không gian nghệ thuật đương đại Lafayette Anticipations, đứng sau là tập đoàn nghệ thuật và thời trang Galeries Lafayette.

Ba năm sau đó, nhà sáng lập tập đoàn chuyên kinh doanh xa xỉ phẩm Kering SA, ông François Pinault, khai trương bảo tàng nghệ thuật của riêng mình có tên Bourse de Commerce - Pinault's Collection. Bảo tàng này nhanh chóng trở thành ngôi đền nghệ thuật tầm cỡ thế giới.

Paris thu trái ngọt

Chính phủ Pháp hiện đứng đầu trong số các nước châu Âu rót tiền vào nghệ thuật. Năm ngoái, Pháp đầu tư 4,2 tỷ USD vào lĩnh vực văn hóa, so với 2,5 tỷ USD của Đức - nước xếp thứ hai, theo New York Times.

Các bảo tàng tư nhân mới thành lập đã rót tiền vào ngành nghệ thuật ở Paris, thu mua đủ loại tác phẩm nghệ thuật lớn nhỏ của giới nghệ sĩ.

"Tất cả tổ chức triển lãm với tác phẩm của các nghệ sĩ Pháp. Giám đốc, quản lý các bảo tàng tư nhân thường xuyên ghé thăm các phòng trưng bày và nắm sát diễn biến của thị trường nghệ thuật", Alexander Hertling, đồng sáng lập phòng trưng bày nghệ thuật Balice Hertling, nói.

Đầu tư của khối tư nhân là động lực thúc đẩy sự phát triển của các phòng trưng bày nghệ thuật. Đã có hàng chục cơ sở mới như vậy mọc lên tại Paris trong vài năm qua.

Một tác phẩm được trưng bày tại Paris. Ảnh: Bloomberg.

Hoạt động và tương tác nhịp nhàng giữa giới nghệ sĩ, các triển lãm, bảo tàng nghệ thuật thúc góp phần thúc đẩy thương mại nghệ thuật của Paris. Kinh đô ánh sáng là một trong các địa điểm du lịch hàng đầu thế giới năm 2022.

Các hội chợ và buổi diễn nghệ thuật mới tổ chức gần như mỗi tuần, thu hút thêm khách du lịch. Năm ngoái, bảo tàng Louvre tiếp đón 7,8 triệu lượt khách, chỉ thấp hơn 19% so với thời gian trước đại dịch Covid-19.

Giới doanh nghiệp đứng sau sự trỗi dậy gần đây của Paris quyết tâm thay da đổi thịt thành phố, bước đầu tiên là biến thủ đô nước Pháp trở thành ngôi nhà của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới.

"Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng giúp đỡ các nghệ sĩ tới đây tạo dựng chỗ đứng", ông Mennour nói. Một phần trong kế hoạch hỗ trợ các nghệ sĩ là cung cấp nhà ở, nơi làm việc miễn phí.

Những khoản đầu tư hào phóng của vài năm qua đã bắt đầu mang lại thành quả cho Paris.

Theo ông Hertling, nghệ thuật đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày. Các nghệ sĩ bắt đầu cảm thấy thực sự thoải mái khi sống ở Paris. Điều này giúp các triển lãm, bảo tàng nghệ thuật thu được sản phẩm gần như mỗi ngày, đồng thời thu hút thêm các triển lãm và nhà sưu tầm mới gia nhập hệ sinh thái nghệ thuật của thành phố.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/paris-lot-xac-post1392548.html