“Ở khu vực bến Bình An, đồ ăn toàn là cá viên chiên, chúng tôi có rất ít sự lựa chọn”, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) nói với Tri Thức - Znews.
Ánh Nguyệt vừa có chuyến trải nghiệm tàu buýt đường sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) sang bến Bình An (TP Thủ Đức), sau đó ngồi uống cà phê, ngắm cảnh hoàng hôn và trò chuyện cùng bạn bè.
Theo cô, các điểm vui chơi dọc bờ sông Sài Gòn khá lý tưởng cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ tại các hàng quán ven sông lại chưa làm hài lòng số đông.
"Ở khu vực bến Bình An mà tôi hay đến vẫn có quán cà phê máy lạnh nhưng không gian rất nhỏ, các quán nước vỉa hè rộng rãi nhưng chất lượng đồ uống không được tốt. Thật khó để có trải nghiệm trọn vẹn tại đây”, Nguyệt nói.
Nhiều nơi vui chơi, nhiều trải nghiệm
Sông Sài Gòn kéo dài xuyên suốt nhiều quận tại TP.HCM, tạo hệ sinh thái du lịch đa dạng. Theo Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, du lịch sông nước tại TP.HCM có rất nhiều tiềm năng, song thành phố chưa thể khai thác triệt để.
Đứng đầu trong số đó là yêu cầu cấp thiết phải tăng cường nhận thức. Tiếp đến, vấn đề hạ tầng khu vực ven sông cũng cần được đầu tư đồng bộ.
“Du khách lo ngại về chất lượng nước và vệ sinh, cũng như tính an toàn của các hoạt động trên sông. Còn các con đường chật hẹp lại khiến việc tiếp cận những điểm tham quan ven sông gặp khó khăn”, tiến sĩ Kanagasapapathy cho biết.
Như với Khánh Huyền (ngụ quận Bình Thạnh), cô cho biết phần lớn khu vực công cộng ven sông Sài Gòn đều không có nhiều sự lựa chọn về món ăn, thức uống; nhiều vị trí còn khá mất vệ sinh.
"Tôi thường đến khu vực ven sông tại TP Thủ Đức ngồi hóng mát. Tại đây có lúc nước sông bốc mùi rất hôi. Dọc bờ sông thi thoảng cũng có rác, có khi chính những hàng quán lân cận tự vứt rác xuống sông. Tôi nhớ có lần đang ngồi trò chuyện phải vứt đồ chạy vì lực lượng an toàn đô thị tới làm việc", Huyền kể.
Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng có trải nghiệm không tốt khi vui chơi ven sông Sài Gòn.
Minh Hằng (sống tại Quảng Ngãi) khá thích những trải nghiệm dọc con sông trong một lần đến TP.HCM du lịch.
"Đi tàu buýt trên sông hay ngồi cà phê ở những quán có thương hiệu view sông khá mát mẻ, thoải mái ngắm cảnh, giá cả niêm yết, phải chăng", Hằng nói.
Nữ du khách cho biết lần tới khi ghé thăm TP.HCM, cô sẽ đến trải nghiệm thêm những sản phẩm mới bên bờ sông Sài Gòn.
"Tôi cũng từng trải nghiệm ăn tối tại quán rooftop view sông và Landmark 81. Quán có tầm nhìn rất thoáng, lên hình đẹp", Minh Hằng cho biết.
Hay như Phương Lâm (ngụ quận 6) đã cùng gia đình trải nghiệm bữa tiệc sinh nhật khá trọn vẹn tại một nhà hàng view sông Sài Gòn.
"Chúng tôi chi khoảng 12 triệu đồng cho bữa tiệc gồm 13 người. Quan trọng hơn hết vẫn là view ngắm hoàng hôn đẹp, đồ ăn cũng khá ổn, phần ăn vừa đủ", Lâm nói.
Phương Lâm cho biết không gian bờ sông rất thích hợp cho những bữa tiệc gia đình vì thoáng mát, mọi người trò chuyện to nhưng ngồi gần đó vẫn không nghe ồn ào. Ngoài ra, cô cũng thường cùng bạn bè vui chơi, trải nghiệm tại các công viên bờ sông như công viên bến Bạch Đằng, công viên nóc hầm Thủ Thiêm, đi buýt sông…
Làm sao để tận dụng sông Sài Gòn?
Sông Sài Gòn chạy xuyên TP.HCM mở ra trải nghiệm du lịch sông nước đầy tiềm năng. Dọc theo hai bên bờ là hàng loạt hoạt động lấy con sông làm trọng tâm, từ những chiếc du thuyền đến các chợ nổi sầm uất, náo nhiệt và trải nghiệm ẩm thực ven sông mê hoặc.
Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT, nhận định: “Trải nghiệm phong phú này mang lại cho du khách một góc nhìn độc đáo, cho phép họ trong phút chốc thoát ra khỏi nhịp sống đô thị ồn ã và chiêm ngưỡng khía cạnh yên bình thường bị ẩn giấu của thành phố.
Con sông cũng khắc họa bản chất cốt lõi của nhu cầu du lịch hiện nay, khi du khách khao khát có được những kết nối chân thực và trải nghiệm sâu sắc”.
Tuy nhiên, nói thêm về những thách thức mà du lịch sông Sài Gòn đang đối mặt, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy cho rằng nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường các hoạt động quảng bá và đa dạng hóa trải nghiệm sông nước là những hướng đi đầy hứa hẹn có thể đẩy mạnh lĩnh vực này.
“Truyền thông có thể là một công cụ quan trọng giúp truyền tải một cách khéo léo câu chuyện về sự quyến rũ của trải nghiệm sông nước, trong khi giải quyết những vấn đề hiện hữu một cách thấu đáo sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc thu hút sự quan tâm của du khách tiềm năng”, Tiến sĩ Kanagasapapathy khẳng định.
Tiến sĩ Kanagasapapathy đưa ra một số đề xuất giúp TP.HCM khai mở hết tiềm năng của du lịch sông nước.
Một là, tạo ra trải nghiệm phong phú từ việc kết hợp lịch sử, văn hóa và thiên nhiên.
Hai là, đảm bảo cơ sở hạ tầng hiện đại và dễ tiếp cận giúp tương tác liền mạch với các tuyến đường thủy của thành phố, đồng thời thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương nhằm duy trì tính chân thực và đà tăng trưởng.
Ba là, thực hiện chiến lược marketing quốc tế toàn diện nhằm tạo ra chất xúc tác mạnh mẽ, nâng cao tính hấp dẫn của du lịch sông nước đối với những du khách trong nước và quốc tế.
Tiến sĩ Kanagasapapathy đưa ra ví dụ về tuyến tàu buýt trên sông. Bà nói: “Đây sẽ là một trong những bên được hưởng lợi từ các chiến lược toàn diện. Thông qua marketing hiệu quả, tinh chỉnh hoạt động và cam kết vững chắc nhằm hài hòa kỳ vọng của cả người dân địa phương và du khách, dịch vụ xe buýt đường thủy có thể phát triển thành một điểm sáng trong bức tranh du lịch sông nước tại đây”.