Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế 2024 do báo Người lao động tổ chức ngày 25/4, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tín dụng trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm, dù cơ chế, bộ máy, mạng lưới, chính sách không thay đổi. Nguyên nhân do cầu đầu tư và tiêu dùng thấp, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Thông tin đáng mừng là sang tháng 3 và tới thời điểm này, tín dụng đã tăng, một số địa phương tăng tích cực. Mức tăng trưởng tín dụng tính tới hiện tại đạt 1,5% trong khi thời điểm năm ngoái đạt hơn 2%”, Phó thống đốc thông tin.
Lãnh đạo NHNN cho biết nhà điều hành đã áp dụng 10 giải pháp quyết liệt trong suốt 4 tháng đầu năm, cường độ cao hơn rất nhiều so với những năm trước nhằm mục tiêu hỗ trợ, đẩy vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chưa điều chỉnh lãi suất điều hành
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết thanh khoản của nền kinh tế nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng luôn dồi dào bởi thực tế nguồn tiền huy động tăng tốt nhưng cho vay còn gặp khó khăn.
Vì vậy, doanh nghiệp có dự án hiệu quả, đáp ứng được tiêu chuẩn tín dụng tối thiểu thì chắc chắn có đủ nguồn vốn cung ứng và NHNN sẵn sàng tạo thanh khoản cho nền kinh tế đầy đủ.
Trước đó, NHNN cũng cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại ở mức 15% và có thể tăng hơn nếu nhu cầu vốn của nền kinh tế cần thiết, chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép. Đồng thời, nhà điều hành cũng giao hết một lượt room tín dụng cho các ngân hàng để chủ động cho vay ngay từ đầu năm.
Về vấn đề hạ lãi suất, Phó thống đốc đánh giá hiện lãi suất đang ở mức thấp nhất trong “nhiều chục năm” và nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Chính sách tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lãi suất và việc cố gắng duy trì lãi suất thấp như hiện nay không đồng nghĩa với việc hy sinh tỷ giá vì lãi suất
Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú
Theo ông Tú, chỉ tiêu lãi suất là vấn đề quan trọng, phức tạp đòi hỏi điều hành hợp lý bởi lãi suất quan hệ với tất cả chính sách khác, đặc biệt là tỷ giá. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trên tinh thần tạo điều kiện hạ lãi suất nhưng phải phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô và vẫn phải được kiểm soát lạm phát.
Lãnh đạo NHNN cho biết hiện tại và thời gian tới, lãi suất điều hành của NHNN sẽ chưa điều chỉnh tăng hay giảm mà duy trì ở mức hiện tại. Tuy nhiên, nhà điều hành khuyến khích và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay thực tế thông qua các gói ưu đãi hoặc gói tín dụng có tính chất chuyên ngành.
“Chính sách tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lãi suất và việc cố gắng duy trì lãi suất thấp như hiện nay không đồng nghĩa với việc hy sinh tỷ giá vì lãi suất”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, NHNN cũng đã đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng tạo hành lang pháp lý để tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng trong vấn đề tự quyết quyền cho vay đối với nền kinh tế.
Đồng thời áp dụng các biện pháp khác như giãn/hoãn các khoản nợ lãi đến hạn mà chưa trả được; triển khai các gói tín dụng chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng…
Hạ nhiệt tỷ giá
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, thời gian vừa qua, tỷ giá USD/VND trong nước có những phiên tăng nóng và tiền Đồng cũng đã mất giá so với đầu năm, đặc biệt là so với các năm trước.
Theo thống kê của nhà điều hành, năm ngoái Đồng Việt Nam mất giá khoảng 2,6%. Tuy nhiên sang tới năm nay, trải qua 4 tháng đầu năm, tỷ giá đồng bạc xanh đã tăng tới 5,9%. Đây là con số "đáng giật mình".
Hiện tại, nhờ các giải pháp can thiệp của NHNN, tỷ giá đã bớt căng thẳng, chỉ còn tăng 4,8% so với đầu năm. Và mức mất giá này của Đồng Việt Nam vẫn thấp so với đà mất giá của nhiều đồng tiền khác trên thế giới như Đài tệ mất 5,96% từ đầu năm; bath Thái mất 7,12%; yen Nhật mất 9,69%; won Hàn Quốc mất 7,71%; franc Thụy Sỹ mất 8,2%...
Phó thống đốc chỉ ra một loạt nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng, buộc cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải thẳng thắn nhìn nhận như chính sách kiểm soát chặt lạm phát của Mỹ và các nước lớn vẫn tiếp tục. Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chắc chắn.
Tình trạng giảm cầu đầu tư, cầu tiêu dùng của thế giới tác động tiêu cực lên hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam; vận chuyển đường biển, logistic giá thành cao… Thêm vào đó, tâm lý lo sợ chiến tranh vùng vịnh đẩy giá dầu, giá vàng tăng vọt thời gian qua…
Ngoài tác động khách quan của thế giới, tỷ giá USD/VND cũng bị tác động bởi một số yếu tố trong nước như lãi suất giảm sâu khiến chênh lệch lãi suất VND và USD âm trên thị trường liên ngân hàng, khiến tâm lý đầu cơ ngoại tệ quay lại.
Nhập khẩu phục hồi khiến cầu ngoại tệ tăng trong khi xuất khẩu khó khăn khiến nguồn ngoại tệ nhập về ít đi. Tâm lý kỳ vọng cũng là yếu tố gây thêm sức ép cho tỷ giá.
Ông Tú khẳng định tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, NHNN rất quyết liệt trong điều hành.
Thời gian qua, NHNN đã áp dụng nhiều giải pháp ổn định tỷ giá như điều tiết lượng tiền trong lưu thông, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ, điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để ngăn đầu cơ tích trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại…
“Quan điểm của NHNN là ổn định chứ không phải cố định tỷ giá, tức là tỷ giá lên xuống hài hòa, không để âm trạng thái ngoại tệ”, ông Tú nói.
Ngoài ra công cụ mua - bán ngoại tệ kỳ hạn giao ngay hoặc có kỳ hạn trong thời gian tới cũng sẽ được NHNN đẩy mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp. Giải pháp cuối cùng, nếu cần thiết NHNN sẽ sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để bán ngoại tệ can thiệp thị trường.
Phó thống đốc mong muốn các doanh nghiệp cùng phối hợp bằng cách không nên găm giữ ngoại tệ, tránh tạo thêm áp lực cho tỷ giá.