Doanh nghiệp

Phụ huynh AISVN muốn tiếp quản quyền điều hành trường

Nhóm phụ huynh làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM nói rằng họ không muốn chuyển trường cho con mà chỉ muốn tiếp quản trường để duy trì việc học cho con.

85 giáo viên AISVN nghỉ dạy hôm 20/3. Ảnh: Thái An.

Chiều 21/3, tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết sau khi báo đài phản ánh tình hình học sinh AISVN phải nghỉ học do giáo viên đình công hôm 18/3, sở đã ngay lập tức cử người đến trường để xác minh thông tin này chính xác không.

Qua kiểm tra, sở ghi nhận AISVN có 129 giáo viên nước ngoài và 26 giáo viên Việt Nam. Tổng số học sinh toàn trường là 1.213 em.

Ngày 4/3, trường ghi nhận 53 giáo viên nghỉ dạy. Đến ngày 20/3, số giáo viên nghỉ dạy lên đến 85 người. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, số giáo viên nghỉ dạy chỉ ở mức 18-19 người.

Khi được hỏi tình hình học sinh tới lớp hôm 19/3, đại diện sở khẳng định trẻ vẫn đi học bình thường. Nhưng trong ngày 21 và 22/3, do phụ huynh bức xúc, kèm theo đó là nhà trường đang làm việc với chủ đầu tư nên trường cho trẻ nghỉ học.

Tuy nhiên, do ngày 21 và 22/3 vẫn là ngày học theo lịch năm học của trường, ngay trong sáng 21/3, sở đã lập biên bản xử lý vụ việc này.

Phụ huynh không muốn chuyển trường cho con

Cũng trong buổi họp báo, bà Mỵ Châu cho biết sáng 21/3, sở làm việc với một nhóm phụ huynh AISVN khoảng 20 người.

Thông qua làm việc với phụ huynh, sở cho biết đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của phụ huynh, đồng thời lập tổ phản ánh đơn thư. Ngoài ra, sở cũng sẽ rà soát lại trường quốc tế dạy chương trình tú tài quốc tế, trường ngoài công lập và yêu cầu các trường này tạo điều kiện cho học sinh AISVN chuyển trường nếu gia đình các em có nhu cầu.

AISVN cho trẻ nghỉ học hôm 18/3 vì hàng chục giáo viên nghỉ dạy. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, nhóm phụ huynh này không muốn chuyển trường cho con mà chỉ muốn trao đổi với chủ đầu tư trường để nắm quyền tiếp quản, điều hành trường để duy trì việc học cho con. Nguyện vọng này của phụ huynh lại vượt quá quyền hạn của sở.

Cũng trong sáng 21/3, sở lập biên bản làm việc với Chủ tịch hội đồng trường Nguyễn Thị Út Em.

Qua làm việc, chủ trường nêu rằng AISVN gặp khó khăn về tài chính từ giai đoạn Covid-19 đến nay. Hiện, trường đang chờ các quỹ đầu tư để tái cấu trúc toàn bộ.

Bà Út Em cam kết trong vòng một tuần, bà sẽ cố gắng mời gọi chủ đầu tư để giải quyết vấn đề tài chính của trường. Nữ chủ tịch cũng cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện đúng cam kết.

Nhà trường không hợp tác

Trong báo cáo về vụ việc của AISVN, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết ngày 18/3, sau khi tiếp nhận thông tin AISVN cho tất cả học sinh nghỉ học, sở đã cử chuyên viên xuống làm việc với lãnh đạo trường về vấn đề này.

Thông qua buổi làm việc tại trường, sở nắm tình hình hoạt động dự kiến của trường vào ngày 19/3 và những ngày tiếp đó.

Ngoài ra, sở gửi giấy mời hội đồng trường, hiệu trưởng lên làm việc vào lúc 14h ngày 19/3. Tại cuộc họp này, sở yêu cầu nhà trường báo cáo phương án xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.

Sở cũng đặt câu hỏi trong điều kiện không thể duy trì hoạt động dạy và học được liên tục, trường phải hỗ trợ phụ huynh học sinh như thế nào.

Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh sở làm việc trực tiếp với chủ tịch hội đồng trường cùng hiệu trưởng để tìm phương án giải quyết tình hình hoạt động, nhưng sở chưa nhận được sự hợp tác của đơn vị.

"Trong các báo cáo, nhà trường luôn trình bày đang xử lý tài chính nhưng Sở GD&ĐT nhận thấy việc đảm bảo duy trì hoạt động nhà trường đang ảnh hưởng chất lượng dạy và học, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh", đại diện sở cho biết.

Trước đó, vào ngày ngày 11/3, Sở GD&ĐT TP.HCM mời hiệu trưởng AISVN lên làm việc và yêu cầu hiệu trưởng báo cáo phương án sắp xếp học sinh khi giáo viên nghỉ dạy.

Ngoài ra, phòng chuyên môn của sở đã hướng dẫn, yêu cầu hiệu trưởng giám sát hoạt động chuyên môn, quản lý chặt chẽ chương trình dạy học; yêu cầu hiệu trưởng kịp thời báo cáo hội đồng trường, động viên hướng dẫn giáo viên thực hiện nhiệm vụ, quản lý sử dụng giáo viên người nước ngoài đúng quy định pháp luật.

Hiệu trưởng cũng được giao nhiệm vụ rà soát tổng hợp tất cả khó khăn vướng mắc trong quản lý nhà trường và báo cáo kịp thời về phòng chuyên môn Sở GD&ĐT.

AISVN hiện có hơn 1.200 học sinh và 155 giáo viên. Ảnh: Duy Hiệu.

Không phải lần đầu

Trả lời báo chí về vấn đề hợp đồng đầu tư của phụ huynh học sinh với AISVN, bà Mỵ Châu cho biết sở đang phối hợp với cơ quan chức năng, đặc biệt là với cơ quan pháp luật để phụ huynh thực hiện đảm bảo quyền lợi của mình ngay tại tòa.

Còn về vấn đề đóng học phí “cả cục” ở trường ngoài tư thục, bà Châu nhấn mạnh từ đầu năm 2024, sở đã có văn bản quy định các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chỉ được thu tối đa 9 tháng/năm học và không được phép thu gộp cho nhiều năm hay toàn cấp học.

Ngoài ra, các trường ngoài công lập cũng cần công khai học phí và các khoản thu khác theo từng tháng, theo học kỳ, theo năm học và theo toàn cấp học.

Trước khi AISVN bị tố nợ lương giáo viên, phải cho học sinh nghỉ học, Sở GD&ĐT TP.HCM từng làm việc với AISVN vào ngày 10/1 về tình hình tài chính để xác nhận nhà trường có thể đảm bảo duy trì hoạt động hay không.

Đến ngày 11/1, nhà trường gửi báo cáo số 02/2024/CV-AISVN về tình hình hoạt động của trường. Trong báo cáo này, trường thông tin phương án tài chính chưa rõ ràng nhưng có thể hoạt động đến cuối năm học.

Đến ngày 4/3, sở tiếp tục tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình trật tự tại AISVN. Sau khi trao đổi thông tin với Công an thành phố PA03, sở ra công văn số 1129/SGDĐT-GDNCL ngày 4/3, yêu cầu nhà trường báo cáo vụ việc, đồng thời cử 2 chuyên viên đến trường để nắm tình hình hình hoạt động vào sáng 5/3.

Đến chiều 5/3, AISVN thực hiện báo cáo số 28/2024/BC-AISVN-BOD tình hình hoạt động của trường.

Đầu tuần này, AISVN bất ngờ cho học sinh nghỉ học tạm thời trong ngày 18/3 do giáo viên nghỉ việc hàng loạt. Lý do nghỉ việc là bị nợ lương và bảo hiểm.

Theo ước tính của Chủ tịch hội đồng trường Nguyễn Thị Út Em, khoảng 400 giáo viên nước ngoài, nhân viên Việt Nam bị nợ lương 1-2 tháng. Còn về vấn đề bảo hiểm, nữ chủ tịch từ chối tiết lộ thông tin.

Đến ngày 19/3, nhà trường thông báo cho trẻ đi học trở lại theo yêu cầu của Sở GD&ĐT TP.HCM. Nhưng do giáo viên vẫn chưa trở lại trường, trẻ đến lớp chỉ ngồi chơi, xuống canteen hoặc vào phòng chiếu phim. Một số phụ huynh thậm chí phải tự đưa con đến trường do hoạt động của xe buýt trường bị gián đoạn.

Đến ngày 20/3, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo từ phụ huynh học sinh, Sở GD&ĐT TP.HCM gửi văn bản yêu cầu AISVN ổn định hoạt động, giải quyết các vấn đề liên quan dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục.

Ngoài ra, trước 15h hàng ngày, sở yêu cầu nhà trường phải thực hiện báo cáo bằng văn bản về tình hình hoạt động giáo dục của cơ sở, gửi về sở thông qua Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Sở nhấn mạnh sở luôn lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh AISVN. Do đó, nếu muốn phản ánh các vấn đề liên quan công tác đào tạo tại trường, phụ huynh có thể liên hệ với sở qua số điện thoại 028.38294016 và địa chỉ mail tiepcongdan@hcm.edu.vn.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/phu-huynh-aisvn-muon-tiep-quan-quyen-dieu-hanh-truong-post1466076.html