Lifestyle

Sắm Tết dè dặt

Thu nhập, thưởng Tết đều giảm, vợ chồng anh Trung đau đầu với hàng loạt khoản chi tiêu ngày Tết như trang trí nhà cửa, mua sắm cá nhân, quà cho bố mẹ, vé máy bay về quê...

Vợ chồng anh Nguyễn Nhật Trung (sinh năm 1994, TP Thủ Đức, TP.HCM) sẽ lên máy bay về Huế đón Tết cùng bố mẹ vào ngày 28 tháng Chạp và ở lại đến hết ngày mùng 6 Tết. Năm 2022, cả hai chỉ về quê 3 ngày và dành thời gian còn lại của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để du lịch.

“Năm nay, thu nhập và thưởng Tết đều giảm so với năm ngoái, nên chúng tôi dự định chỉ về quê với gia đình”, anh Trung cho biết.

Như mọi năm, cặp vợ chồng sẽ dành ra một khoản để làm quà biếu bố mẹ hai bên tiêu Tết. Dù lương thưởng bị ảnh hưởng, anh Trung nói mình và vợ không có ý định cắt giảm khoản tiêu này.

Thay vào đó, cả hai sẽ hạn chế mua sắm, tụ họp, tiệc tùng không cần thiết trong dịp cuối năm.

"Tôi và vợ dự định không trang hoàng nhà cửa ở TP.HCM vì dù sao cũng sẽ ở lại quê đến hết Tết mới vào. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không mua sắm quá nhiều đồ mới, ví dụ, tiền quần áo cắt giảm 50%, lễ cúng và đồ gia dụng giảm hơn 70%".

Hai vợ chồng anh Trung đang cố gắng tiết kiệm hết sức để bù vào các chi phí phát sinh khi về quê gần 10 ngày. Riêng vé máy bay khứ hồi đã tiêu tốn của cả hai hơn 12 triệu đồng.

Gia đình anh Trung, giống như nhiều người khác, đang cố gắng tiết kiệm, bắt đầu làm quen với xu hướng sắm Tết đơn giản, chú trọng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm gia đình hơn.

Cách tiết kiệm trong gia đình

Gia đình chị Cao Thanh Thuỷ (sinh năm 1992, ở quận Hà Đông, Hà Nội) dự định về quê Bắc Giang từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết.

"Vì ăn Tết ở quê nên giá cả mọi thứ đều rẻ hơn ở Hà Nội. Vợ chồng mình cũng không đem nhiều đồ về, vì ở quê đồ gì cũng có, rau sạch nhà trồng, gà nhà nuôi. Thiếu gì thì sắm sửa luôn ở quê, vừa rẻ vừa tiện".

Gia đình chị Thanh Thuỷ sẽ về quê Bắc Giang ăn Tết 5 ngày.

Hai năm qua, chồng chị Thủy đi công tác nước ngoài đúng vào đợt cao điểm Covid-19 nên không về ăn Tết cùng gia đình.

Năm nay, cả nhà mới có dịp đoàn tụ, nên dù không ăn Tết ở Hà Nội, hai vợ chồng vẫn muốn chăm chút cho tổ ấm riêng.

Chị Thủy, người đặc biệt yêu thích hoa, cây cảnh, cho biết muốn căn nhà nhỏ ngập tràn sắc xuân của cành đào, hoa thược dược, lay ơn những ngày cuối năm. Nhưng thay vì đầu tư quá nhiều tiền bạc vào trang trí nhà cửa, chị lựa chọn các phương án tiết kiệm hơn.

“Càng gần Tết, cây cối, hoa lá lên giá theo ngày. Tôi quyết định chơi Tết sớm cho đỡ đau ví. Trước Tết vài tuần thì thứ gì cũng rẻ, nên tha hồ sắm sửa”.

Riêng chi phí mua hoa, chị Thủy đã tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng so với mọi năm. “Trong nhà có thêm chậu quất, cành đào, mở bản nhạc xuân nữa là thấy không khí Tết ngập tràn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là được ở bên những người thân yêu”, chị Thủy chia sẻ.

Chị Thủy mua hoa, vật phẩm trang trí căn nhà ở Hà Nội.

Thời điểm cuối năm cũng mang đến nhiều lo lắng cho các hộ gia đình, người trẻ khi bên cạnh niềm vui sum họp gia đình, mọi người còn phải tính toán để cân đối chi tiêu, tránh vung tay quá trán.

Với một số gia đình trẻ như vợ chồng anh Nhật Trung, ngoài tiết kiệm từng khoản, kế hoạch chi tiêu Tết thường được theo dõi, quản lý sát sao.

"Trước Tết một tháng, chúng tôi đã lên danh sách những thứ cần mua sắm, chi tiêu và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Điều này sẽ tránh lãng phí, phát sinh, ảnh hưởng đến tiền tiết kiệm và các mục tiêu tài chính trong năm mới".

Người trẻ cắt giảm chi tiêu

Cận Tết Nguyên Đán, Hoài An (24 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM), đau đầu khi nhìn vào các khoản chi dài ngoèo. Tình hình tài chính bấp bênh cả năm khiến An khó có thể thoải mái mua sắm.

“Tôi dự định dành ra khoảng 10 triệu đồng cho dịp Tết. Trong đó, 3 triệu đồng biếu bố mẹ, 1-2,5 triệu đồng chi tiêu cá nhân, số còn lại phụ vào các mục ăn uống, sinh hoạt trong gia đình. Con số này thấp hơn năm ngoái”, An chia sẻ.

Nữ nhân viên văn phòng thừa nhận tinh thần sắm Tết năm nay kém hơn mọi năm. Nhà cô ưu tiên tiết kiệm, cắt giảm những khoản không cần thiết, chỉ sắm đồ dùng, thực phẩm đơn giản.

Hoài An áp lực khi nghĩ đến chuyện sắm Tết.

“Tôi tranh thủ các đợt sale mùa lễ hội để mua vài bộ đồ mới, còn lại không sắm thêm phụ kiện gì, tương tự với những mục làm đẹp. Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng Tết, nhưng thấy tình hình như vậy nên cũng không dám tiêu xài nhiều”, An nói thêm.

Tương tự Hoài An, Minh Ngọc (26 tuổi, quận Phú Nhuận), nhân viên marketing, cũng ngần ngại khi cân đong đo đếm các chi phí cho gia đình.

Từ khi có công việc chính thức, cô thường dành khoảng 1/3 tiền thưởng để mua 2 chỉ vàng biếu bố mẹ. Ngoài ra, Ngọc còn gửi thêm 5 triệu đồng để gia đình sắm trái cây, bánh mứt, quần áo.

Tuy nhiên, khi nhìn lương tháng 13 và thưởng bị giảm gần 30%, Ngọc cho biết nhiều khả năng cô sẽ phải đổi quà hoặc cắt chi tiêu cá nhân để bù vào phần hao hụt.

“Điều này khiến tôi lo lắng mấy ngày nay. Thu nhập, thưởng giảm nhưng giá cả lại tăng cao. Tôi đi làm xa nhà, cả năm mới có một dịp về thăm gia đình. Vì thế, phần quà biếu cho bố mẹ là không thể thiếu. Tôi còn vài đứa cháu ở quê, năm nào về cũng phải lì xì cho bọn nhỏ”, Ngọc than thở.

Sau khi nhẩm tính, tổng số tiền cô cần chi cho mùa Tết đã nhỉnh hơn một tháng lương. Cùng với đó, tiền thuê nhà và sinh hoạt phí ở TP.HCM ngày càng đắt đỏ, điều đó khiến những tuần cuối năm Nhâm Dần với Minh Ngọc càng thêm căng thẳng.

Có nghề tay trái là thiết kế đồ họa, Ngọc dự định dời ngày về quê khoảng một tuần, tranh thủ ở lại thành phố để “cày” thêm đơn đặt hàng của khách bên ngoài.

“Cộng với tiền từ việc freelance, áp lực tiêu Tết của tôi cũng nhẹ bớt. Tuy nhiên, tôi cũng cần phải lên kế hoạch kỹ càng để không hoang phí, dẫn tới thiếu tiền sau Tết”, Ngọc nói.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/sam-tet-de-dat-post1394032.html