Hiện đường Võ Văn Kiệt rộng 60m (đáp ứng 6-10 làn xe), dài khoảng 13km tính từ cầu Calmette (Quận 1) đến nút giao Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), nằm trong trục đại lộ Đông - Tây của Tp.HCM. Đường thông xe năm 2009 và được xem là tuyến đường huyết mạch, liên kết Tp.HCM với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Việc mở mới đường Võ Văn Kiệt nối dài sẽ giúp giảm kẹt xe, thuận tiện lưu thông hàng hóa và tạo tiền đề phát triển kinh tế giữa Tp.HCM và tỉnh Long An, đồng thời tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản các khu vực này.
Theo đề xuất của Sở GTVT Tp.HCM, tuyến đường Võ Văn Kiệt sẽ kéo dài đến khu vực Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô ở huyện Đức Hòa, Long An. Về quy mô dự án, đầu tư tuyến đường mới dài khoảng 12,5km, rộng 60m. Trên tuyến cũng đầu tư nút giao liên thông hoàn chỉnh với đường Vành đai 3 Tp.HCM. Dự án có tổng vốn khoảng 8.400 tỉ đồng, dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Chủ trương bổ sung vào quy hoạch tuyến đường Võ Văn Kiệt nối dài kết nối Tp.HCM với Long An đã được lãnh đạo hai địa phương thống nhất và được cập nhật vào các đồ án quy hoạch liên quan. Sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được phê duyệt, Sở GTVT Tp.HCM cho biết sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2024 – 2030.
Tuyến đường này khi hình thành sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xảy ra trên địa bàn khu Tây Tp.HCM, đồng thời, việc di chuyển từ khu Tây vào trung tâm Tp.HCM thông qua đường Võ Văn Kiệt rất thuận lợi; góp phần nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa từ các Khu công nghiệp trên địa bàn đến các cảng quan trọng tại Tp.HCM và Long An.
Thông tin gây chú ý với thị trường bất động sản trong bối cảnh làn sóng di dân từ các khu vực miền Tây lên Tp.HCM ngày càng gia tăng. Việc hình thành tuyến đường quy mô lớn này dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu cao về bất động sản nhà ở, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực với nhau.
Theo ghi nhận, vốn là khu vực có giá bất động sản còn thấp hơn các khu vực khác, nhu cầu mua để ở thực chiếm phần lớn trong các giao dịch, tuy vậy nguồn cung nhà ở tại quận Bình Tân, quận 8, quận 6 (thuộc khu Tây Tp.HCM) lại rơi vào trạng thái khan hiếm nhiều năm qua. Nếu thị trường khu Đông hay khu Nam của Tp.HCM sôi động về thông tin phát triển hạ tầng thì khu Tây có phần “lép vế” hơn. Vì thế, thông tin một số tuyến đường huyết mạch được đầu tư xây dựng sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu an cư tại khu vực này trong thời gian tới.
Khu Tây Tp.HCM được biết đến là khu vực phát triển nhà ở giá vừa túi tiền, phần lớn nhu cầu mua là ở thực do có tỉ lệ dân số cơ học đông. Một chuyên gia trong ngành từng chia sẻ về đặc tính dân số của khu vực này là người dân có tích luỹ tài chính rất lớn nhưng nhu cầu với bất động sản chủ yếu là mua để ở thực, chiếm tỉ lệ đến 70-80%. Do đó, thanh khoản nhà ở thường cao hơn các khu vực khác do tỉ lệ người xuống tiền mua phần lớn là mua thực, ít làn sóng đầu tư. Mà một khi nhu cầu ở thực cao thì việc đầu tư cho thuê hay bán ra cũng thường dễ dàng hơn.
Thời gian qua, một số dự án căn hộ tại khu vực này có mức giá trong khoảng 40-50 triệu đồng/m2 ghi nhận có giao dịch khá tốt. Một phần đến từ lượng nhu cầu lớn của cộng đồng cư dân tại khu vực, phần nữa là nhu cầu của khách mua từ khu trung tâm Tp.HCM về mua khi việc di chuyển đến khu Tây thông qua đại lộ Võ Văn Kiệt khá thuận lợi.
Thời gian qua, ngoài kế hoạch mở rộng tuyến đường huyết mạch như đường Võ Văn Kiệt thì hạ tầng giao thông của khu Tây Tp.HCM cũng đang được quan tâm đầu tư. Chẳng hạn trong danh sách 13 công trình giao thông mới Tp.HCM được khởi công trong năm 2024 thì khu Tây TP có đến 4 dự án: cầu Kênh A, cầu Kênh B và hệ thống thoát nước Hương Lộ 11 ở Bình Chánh, đường Trần Văn Giàu thuộc quận Bình Tân. Ngoài ra, việc chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 3 cũng giúp giao thông khu Tây Sài Gòn kết nối với các quận nội thành và Bình Dương, Đồng Nai, Long An ngày càng thuận tiện hơn.
Như vậy, sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân còn giúp thị trường bất động sản tại các khu vực này phát triển ăn theo. Khi số người nhập cư lưu trú gia tăng đồng nghĩa nhu cầu về nhà ở cũng SẼ tăng mạnh.
Trong chia sẻ mới đây về triển vọng thị trường căn hộ khu Tây nói riêng, toàn Tp.HCM nói chung từ năm 2024 trở đi, ông David Jackson – Tổng Giám đốc, Avison Young Việt Nam cho rằng, năm 2024 được xem là năm bản lề và được kỳ vọng sẽ tạo đà cho chu kỳ phát triển mới vào những năm tới. Với phân khúc căn hộ tại Tp.HCM tiềm năng còn rất lớn. Thành phố đã và sẽ vẫn là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm, thu hút nguồn nhân lực từ nhiều nơi và do đó nhu cầu nhà ở rất cao.
Theo vị này, về định vị sản phẩm, với các tác động từ chính sách, kì vọng sẽ có thêm nguồn cung căn hộ nhà ở xã hội, căn hộ giá phổ thông cho đến trung cấp, hướng đến người có nhu cầu ở thực. Đây là tệp khách hàng có nhu cầu lớn, do đó dự án sẽ dễ có thanh khoản, nhất là khi thành phố đang dần mở rộng theo hướng ly tâm. Với loại hình nhà ở công nhân và NOXH, nguồn cung có thể khả quan hơn sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực vào năm 2025. Tuy nhiên, giá nhà sẽ tiếp tục tăng, nhất là ở khu vực trung tâm. Do đó, người mua sẽ có xu hướng tìm đến khu vực rìa trung tâm, nơi hạ tầng ngày càng hoàn thiện và phù hợp với tiềm lực tài chính.
“Nếu Tp.Thủ Đức và khu Đông là nơi tập trung nhiều dự án cao cấp, thì phía Nam và phía Tây Tp.HCM có triển vọng sáng hơn cho các dự án tầm trung mới. Điều này có thể thấy ở các dự án ra mắt trong nửa cuối 2023 vừa qua đều có tỷ lệ hấp thụ tích cực”, ông Jackson nhấn mạnh.