Thị trường tiêu dùng

Shipper quá tải, phố mua sắm Hà Nội hưởng lợi

Do dịch vụ vận chuyển dừng hoạt động sớm, cửa hàng của Ngọc Thảo (27 tuổi) và An Chi (34 tuổi) đông kín khách những ngày này, có thể coi là dịp "đông nhất trong năm".

Lượng khách gia tăng từ 20-70% so với ngày thường được ghi nhận tại các cửa hàng thời trang trên phố Đặng Văn Ngữ.

Chủ nhật cuối cùng năm Kỷ Mão 2023, con phố thời trang Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa, Hà Nội) đông đúc đỉnh điểm khi nhiều khách hàng tranh thủ mua sắm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo nhân viên của một số cửa hàng trên tuyến phố này, lượng khách gia tăng từ 20-70% tuỳ đơn vị kinh doanh.

Từ khi cửa hàng thời trang của quản lý Ngọc Thảo (27 tuổi) ngừng nhận đơn trên sàn thương mại điện tử vào ngày 17 tháng Chạp (tức ngày 27/1), số lượng khách đến mua trực tiếp tăng đột biến.

“Chúng tôi thường tập trung bán online, cửa hàng chỉ là địa điểm treo sản phẩm, nơi shipper đến nhận đơn. Vì thế, khi chúng tôi dừng bán trên ‘sàn’, khách nườm nượp kéo đến shop”, Ngọc Thảo chia sẻ với Tri thức - ZNews.

Các cửa hàng thời trang trên phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa, Hà Nội) đồng loạt giảm giá, xả hàng dịp cận Tết.

Trước Tết Âm lịch, phần lớn đơn vị kinh doanh trên con phố này đều treo biển hiệu giảm giá, thanh lý. Các chương trình khuyến mại thu hút nhiều khách hàng có nhu cầu sắm sửa trang phục cho kỳ nghỉ lễ.

Tuy nhiên, một số đại diện cửa hàng thừa nhận rằng lượng khách tăng so với ngày thường, song vẫn kém hơn cùng kỳ năm ngoái.

Đông khách vì vận chuyển gián đoạn

Quản lý Ngọc Thảo cho biết shop của cô giảm giá từ 10-30% tất cả mặt hàng thời trang trên giá treo. Trong khi mức sale 30% được áp dụng với hàng hè, các item trong bộ sưu tập đông chỉ được giảm giá 10%.

Ban đầu, chương trình giảm giá này được áp dụng với cả đơn hàng online và offline. Tuy nhiên, Ngọc Thảo nhận thấy các đơn vị vận chuyển, như Giao hàng tiết kiệm hay Giao hàng nhanh, dần dừng hoạt động từ 2 tuần trước Tết.

Để đảm bảo khách không bị thất lạc đơn, nhận hàng muộn hơn dự kiến, Thảo quyết định đăng tải thông báo đóng gian hàng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Chiến dịch giảm giá chỉ áp dụng trực tiếp tại cửa hàng, kéo dài đến ngày mở bán cuối cùng là 28 Tết.

Khách hàng đến shop để mua sắm do dịch vụ giao hàng dừng hoạt động sớm.

Tương tự, chủ cửa hàng thời trang An Chi (34 tuổi) cũng phải ngừng nhận đơn online từ 19 tháng Chạp, vì các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển dừng hoạt động sớm hơn dự kiến. Do đó, khách đến shop của cô tăng 50% trong dịp này.

“Họ tranh thủ mua sắm vào 3 ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật cuối cùng của năm Âm lịch trước khi lên đường về quê ăn Tết”, An Chi nói với Tri thức - ZNews.

Tết năm ngoái, đơn vị kinh doanh của Chi ghi nhận số lượng đơn online tương đối cao. Tuy nhiên năm nay, khách đến cửa hàng đông hơn hẳn do không thể “chốt đơn" trên sàn thương mại điện tử.

Theo An Chi, người tiêu dùng đều đã cập nhật tình hình thời tiết trở lạnh những ngày Tết, nên tập trung sắm các item dày dặn, giúp giữ ấm cơ thể. Set dạ tweed, áo dạ dáng dài hay áo khoác chần bông là loạt sản phẩm bán chạy tại cửa hàng của cô.

Cuối tuần cuối cùng của năm Âm lịch là thời điểm mua sắm cao điểm trên phố thời trang Hà Nội.

Sức mua giảm sút so với Tết trước

Bắt đầu thực hiện chương trình giảm giá 5% toàn bộ sản phẩm từ Tết Dương lịch, cửa hàng của quản lý Hà My (25 tuổi) dần đông khách ra vào trong tháng cuối năm Kỷ Mão.

Các item có giá giảm “sập sàn” còn 99.000 đồng hoặc 149.000 đồng là sản phẩm bán chạy nhất. Khách vào cửa hàng thường ngó nghiêng, dừng lại ở quầy thanh lý tương đối lâu.

Mặc dù lượng khách ghé thăm tăng đều, số người mua thực tế tại đơn vị kinh doanh này không cao.

“Trung bình 10 người vào thì chỉ 2 người mang sản phẩm ra quầy thanh toán”, Hà My nói.

Nhận thấy tỷ lệ khách “chốt đơn” thấp, Hà My quyết định đóng cửa hàng sớm từ ngày 26/12 Âm lịch, ngay sau cuối tuần mua sắm cao điểm. Quyết định này của cô góp phần tiết kiệm quỹ lương nhân sự dịp lễ Tết, tạo điều kiện cho nhân viên về quê sớm.

“Khách hàng cũng bắt đầu ‘khăn gói quả mướp’ về quê, cố bán cũng không ra đơn”, quản lý này chia sẻ.

Nhiều khách đến cửa hàng nhưng số lượng đơn thực tế không cao là tình trạng chung của một số đơn vị kinh doanh.

Sau khi so sánh với hoạt động kinh doanh Tết Kỷ Mão 2023, chủ cửa hàng Thành Công (30 tuổi) thừa nhận tình trạng buôn bán năm nay kém hơn.

Trước kỳ nghỉ lễ một tuần, số lượng khách vào cửa hàng anh mua sắm tăng 20% đối với ngày thường. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 100% năm ngoái.

Theo Thành Công, người tiêu dùng vẫn mua trang phục diện năm mới nhưng không còn chi tiêu “mạnh tay” như mùa Tết trước. Trước khi đưa ra quyết định mua, họ cũng cần nhiều thời gian đắn đo, suy nghĩ hơn.

“Thậm chí, một số khách còn thử một chiếc áo đến 3 lần rồi mới mang ra thanh toán”, chủ shop này cho biết.

Đoán trước tình trạng này, Công không nhập nhiều sản phẩm theo mùa, phục vụ riêng cho dịp Tết như yếm, áo dài, tránh tình trạng ế hàng, không thể bày bán sau kỳ nghỉ lễ.

Nhiều cửa hàng cho biết tình trạng buôn bán năm nay kém hơn mùa Tết trước.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/shipper-qua-tai-pho-mua-sam-ha-noi-huong-loi-post1458936.html