Xe

Sidecar, Lambro và loạt xe cổ tiền tỷ của 9x Hà Nội

Bén duyên với sở thích sưu tầm xe cổ hơn 10 năm, anh Bùi Văn Cường (33 tuổi, Hà Nội) sở hữu khoảng 100 chiếc xe cổ với nhiều giá trị khác nhau.

Biết đến các dòng xe máy cổ trong một lần được trèo lên chiếc Minsk "huyền thoại", anh Bùi Văn Cường bắt đầu nghiêm túc dành thời gian, công sức và tiền bạc để sở hữu hơn 100 chiếc xe cổ có giá trị cao. Trong đó, chiếc rẻ nhất có giá 10 triệu đồng, đắt nhất lên đến 200 triệu đồng.

Chiếc xe lôi 120 tuổi đến từ Thái Lan là hiện vật anh Cường tâm đắc nhất do dành nhiều thời gian để mua, vận chuyển về nước và lắp ghép. Để vận chuyển được về Việt Nam, chiếc xe phải tháo rời tất cả các bộ phận. Các hoa văn trên xe được làm thủ công bằng đồng khối, với các dòng chữ, ký hiệu bằng tiếng Thái Lan. “Tôi phải tốn rất nhiều thời gian để lắp ghép được nó trở về hình dáng ban đầu”, anh Cường cho biết.

Chiếc sidecar hiệu Jawa 350 được sản xuất tại Tiệp Khắc (nay là Cộng Hòa Czech) vào khoảng những năm 1980 là chiếc xe đắt nhất anh Cường sở hữu với giá khoảng 200 triệu đồng. Hãng Jawa có giá trị thương hiệu cao. Vào khoảng giữa thế kỷ 20, xe máy Jawa được đưa về Việt Nam chủ yếu để phục vụ cho lực lượng quân đội, công an và cơ quan nhà nước.

Peugeot Type 2V là một trong những chiếc xe lâu đời được sản xuất tại Pháp, có mặt từ năm 1956.

André Liducq là chiếc xe đạp cổ hiếm hoi có kèm giấy chứng nhận quyền sở hữu xe đạp. Chiếc xe mang biển số OF 966 được mua ngày 4/3/1963 tại Bắc Giang hiện đã thuộc quyền sở hữu bởi anh Cường.

Để tìm mua những dòng xe cổ, anh Cường mất nhiều thời gian và công sức. Anh chia sẻ: "Mua xe cổ khá hữu duyên. Nhiều người kêu tôi đến mua nhưng cũng có những người tôi phải thuyết phục nhiều năm mới đồng ý sang xe".

Để bảo quản xe có tuổi thọ lâu dài, anh đều nổ máy tất cả xe mỗi ngày một lần, bên cạnh cũng phải lau chùi, kiểm tra hỏng hóc thường xuyên. Theo anh, khó khăn lớn nhất khi chơi xe cổ là tìm mua linh kiện, phụ kiện thay thế và sửa chữa khi xe hỏng hóc. "Nếu không mua được ở Việt Nam, tôi phải nhập từ nước ngoài với chi phí đắt đỏ. Và hạn chế lớn nhất khi sử dụng xe cổ là không đi được đường dài", anh nói.

Trong suốt 10 năm chơi xe cổ, anh Cường đã trải nghiệm qua hàng trăm dòng xe khác nhau, chủ yếu sản xuất tại Đức, Ý, Cộng hòa Séc, Nhật… Sau khi trải nghiệm xong, anh Cường lại sang tên cho người khác và tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm những chiếc xe cổ hơn, có giá trị cao hơn.

“Mỗi loại xe cổ có một vẻ đẹp riêng của nó nên tôi luôn cố gắng trải nghiệm đa dạng các kiểu, dòng xe”, anh tâm sự.

Bộ sưu tập xe cổ của anh Cường dần được nhiều người trong giới chơi xe ngưỡng mộ và yêu thích. Trước những góp ý mở một quán cà phê xe cổ để kinh doanh, anh Cường cảm thấy không hợp lý: “Tôi trân quý từng chiếc xe của mình như những đứa con, nếu dính tới kinh doanh, tôi sợ chúng dễ bị hỏng hóc”.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/sidecar-lambro-va-loat-xe-co-tien-ty-cua-9x-ha-noi-post1413244.html