Doanh nghiệp

Số phận trái ngược của doanh nghiệp từ hiệu ứng 'Swiftonomics'

Một số doanh nghiệp nhỏ ở Singapore đạt doanh thu không như kỳ vọng, trong khi cửa hàng thời trang chứng kiến ​​sự bùng nổ đơn hàng, theo Today.

Một giờ trước khi đêm diễn hôm 8/3 của The Eras Tour chính thức mở màn, không khách hàng nào xuất hiện để dùng bữa tối tại nhà hàng dim sum nằm trong trung tâm thương mại Kallang Wave.

Nhân viên nhà hàng cho biết nhiều người thường xuyên hủy đặt bàn thời gian gần đây khi nghe về các đêm diễn The Eras Tour của Taylor Swift, bởi họ đã lường trước tình trạng đông đúc, "cháy chỗ" ở bãi đậu xe.

“Nếu chúng tôi không cảnh báo về concert, một số khách hàng sẽ tức giận khi phải đợi cả tiếng đồng hồ để tìm chỗ đậu xe; những người đã biết về buổi diễn thì sẽ cân nhắc đến nhà hàng vào lúc khác", nữ nhân viên nói.

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy "miếng bánh" lợi nhuận từ "Swiftonomics" không được chia đều. Trong khi nhiều khách sạn, nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện phất lên trông thấy nhờ sự hiện diện của Taylor Swift, một số nơi lại kinh doanh sa sút hơn ngày thường.

Điều tồi tệ nhất sau đại dịch Covid-19

Ngoài sự đông đúc và thiếu hụt chỗ gửi xe, một lý do khác được nhân viên nhà hàng đề cập là hầu hết người tham gia concert đều khá trẻ và không có đủ điều kiện tài chính để dùng bữa tại nhà hàng sang trọng.

Điều này không giống như concert năm 2023 của nam ca sĩ kiêm diễn viên người Hong Kong Trương Học Hữu - nơi hội tụ những người lớn tuổi hơn và có sức chi tiêu mạnh mẽ khiến hoạt động kinh doanh theo đó mà phát triển.

Khi buổi biểu diễn của Taylor Swift đến gần, các quán rượu và bar xung quanh Sân vận động Quốc gia đã rất phấn khích chờ đón lượng người đổ xô đến đây để tiếp tục "quẩy tăng 2" sau concert.

Nhưng hóa ra, 3 quán bar ở Kallang Wave lại kinh doanh chậm hơn họ tưởng.

Đám đông lấp đầy khoảng trống bên trong Sân vận động Quốc gia Singapore. Ảnh: The Straits Times.

Andy Han, chủ quán bar Soccer, cho biết: “Sau đêm diễn kéo dài 4 giờ, mọi người có thể cảm thấy cạn kiệt năng lượng và muốn về nhà. Hơn nữa, đối tượng tham gia concert là những cô gái trẻ nên quán bar thể thao (mô hình bố trí thiết bị có màn hình lớn để phát trực tiếp các sự kiện thể thao - PV) không phải nơi họ muốn đến".

Ngược lại, tuần diễn ra show của ban nhạc Coldplay vào tháng 1 đã mang về cho quán bar mức doanh số cao gấp 4 lần.

Quán karaoke Good Cheer cũng chứng kiến lượng khách giảm khoảng 40-50%. Một nhân viên cho biết khách hàng không muốn đối mặt với đám đông lớn và thiếu chỗ đậu xe nên đã đi đến các quán bar khác cách xa khu vực sân vận động.

Không chỉ tụ điểm ăn chơi, phòng khám cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi số lượng cuộc hẹn giảm 50% trong tuần qua. Tình trạng này dần trở nên phổ biến đối với các sự kiện quy mô lớn diễn ra sau đại dịch.

Chiều 2/3, 50.000 người đổ về Sân vận động Quốc gia Singapore để hòa mình vào âm nhạc và sức nóng của Taylor Swift trong ngày đầu diễn ra concert The Eras Tour. Ảnh: The Straits Times.

Trong khi đó, hàng rong với giá cả phải chăng đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của tệp khách hàng trẻ tuổi.

Chẳng hạn, các quầy hàng tại khu ẩm thực My Kampung thuộc trung tâm thương mại Kallang Wave có doanh thu tăng vọt. Một gian hàng ẩm thực kết hợp của Nhật Bản cho biết doanh thu đã tăng gấp đôi trong những đêm Taylor Swift biểu diễn - điều mà sự kiện toàn người lớn tuổi tham dự không thể làm được.

Vẫn có doanh nghiệp "ăn bát vàng"

Lợi ích kinh tế từ concert của Taylor Swift tại Singapore được chú ý kể từ khi có thông tin rằng chính phủ đã ký thỏa thuận độc quyền với Taylor và cung cấp các khoản tài trợ cho sự kiện để biến đảo quốc sư tử thành điểm dừng chân duy nhất của nữ ca sĩ ở Đông Nam Á.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore Edwin Tong đã phát biểu trước Quốc hội vào ngày 4/3 rằng các buổi biểu diễn của Taylor Swift dự kiến sẽ giúp đất nước "được nhiều hơn mất".

Quả thực, The Eras Tour là giai đoạn bùng nổ đối với doanh nghiệp kinh doanh quần áo và đồ thủ công.

"Cơn sốt" trang phục đính kim sa bắt nguồn từ Taylor Swift. Ảnh: TAS Rights Management.

Tại phố Bugis, lượng bán ra của trang phục đính kim sa thường được Swifties trẻ tuổi chọn mặc đã tăng vọt, dù cửa hàng trước đây chủ yếu phục vụ tệp khách hàng lớn tuổi.

Một trong những cửa hàng như vậy là Ross Boutique. “Đây là lần đầu tiên đất nước chúng tôi tổ chức một concert mà mọi người đều cố gắng bắt chước phong cách của thần tượng. Thật trùng hợp là chúng tôi lại bán những trang phục như vậy", chủ Ross Boutique nói.

Tương tự, chủ cửa hàng trang sức và phụ kiện Koi Ming Enterprise ở khu phố người Hoa đã đạt mức tăng trưởng 30% suốt thời gian diễn ra sự kiện. Doanh số bắt đầu giảm dần khi concert kết thúc, song Alan Chin (đồng sở hữu thương hiệu) vẫn bày tỏ sự biết ơn vì hoạt động kinh doanh đã được thúc đẩy lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Ông cũng bắt đầu phát các bài hát của Taylor Swift trong cửa hàng dù không phải người hâm mộ. “Sau khi nghe các bài hát của cô ấy, tôi thực sự thích chúng, đặc biệt là Enchanted Cruel Summer”, ông bày tỏ.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/so-phan-trai-nguoc-cua-doanh-nghiep-tu-hieu-ung-swiftonomics-post1464326.html