Sống khoẻ

Stress cũng là một dạng gây nghiện

Dù đem lại không ít tác hại, stress, căng thẳng hay áp lực thực chất có khả năng gây nghiện, đặc biệt khi chúng ta không biết điều hòa đúng cách.

Không xử lý áp lực đúng cách khiến mọi người dễ rơi vào cơn nghiện stress dai dẳng. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Nghiện stress thực chất là một trò lừa của não bộ. Ngoài cortisol, stress còn giải phóng dopamine. Chất hóa học này đem lại cảm giác dễ chịu và đồng thời khuyến khích các hành vi lặp lại bằng cách kích hoạt reward center (mạng truyền dẫn thần kinh của não bộ tạo cảm giác vui sướng, hạnh phúc), theo tiến sĩ Heidi Hanna, nhà thần kinh học tích hợp.

Hanna cảnh báo rằng căng thẳng tạo hưng phấn tự nhiên và dễ gây nghiện như ma túy nếu chúng kéo dài. Nói cách khác, Debbie Sorensen, nhà tâm lý học chuyên về tình trạng kiệt sức, cho biết bộ não thường xuyên rơi vào áp lực có thể trở nên phụ thuộc vào những mẩu dopamine nhỏ nhặt đó, CNBC Make It đưa tin.

................................................................................................................................

Mong muốn phải thành công góp một phần gây nên chứng nghiện căng thẳng. Ảnh minh họa: Michael Burrows/Pexels.

Nguyên nhân

Nếu có xu hướng trở nên năng suất hơn với công việc gấp rút hay thường xuyên cảm thấy tội lỗi khi nghỉ ngơi, rất có thể mọi người “nghiện” stress.

Sorensen cho hay cơn nghiện căng thẳng thường bắt nguồn từ việc chúng ta tự gây áp lực phải thành công. Theo đó, những người tham vọng cao sẽ dễ bị kiệt sức và rơi vào căng thẳng kéo dài hơn.

Ngoài ra, áp lực xã hội cũng đóng vai trò lớn trong vấn đề này. Văn hóa chú trọng năng suất khiến việc gặp căng thẳng trở thành một điều đáng tự hào. Nói cách khác, vì mọi người đánh đồng bận bịu với với thành công, cái tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi làm việc, Sorensen giải thích.

................................................................................................................................

Từ chối nghỉ ngơi và liên tục đắm mình vào công việc rất có thể là dấu hiệu của chứng nghiện stress. Ảnh minh họa: Mizuno K/Pexels.

Dấu hiệu

Dưới đây Sorensen chỉ ra 3 dấu hiệu tiêu biểu của chứng nghiện căng thẳng giúp mọi người có thể sớm khắc phục.

Né tránh việc nghỉ ngơi và thư giãn Liên tục kiểm tra điện thoại Nói “có” với mọi công việc.

Sorensen cho biết triệu chứng rõ ràng nhất của chứng nghiện stress là liên tục đặt bản thân vào những tình huống gây căng thẳng ngay cả khi chúng ta có thể tránh tất cả. Thậm chí, mọi người còn chọn lờ đi việc cơ thể, tâm trí hay cả hai đều đang “cầu xin” được nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, Sorensen chỉ ra rằng những điều trên cũng có thể là dấu hiệu của môi trường công sở độc hại khi liên tục khiến nhân viên phải ở trong trạng thái sẵn sàng hay làm việc quá sức.

Đồng thời, nếu cấp trên liên tục giao một khối lượng lớn công việc một cách vô lý hoặc kỳ vọng chúng ta “online” ngay cả ngoài giờ làm việc thì đó không phải là dấu hiệu của chứng nghiện căng thẳng. Lúc này, mọi người chú trọng thiết lập ranh giới rõ ràng và tránh xa áp lực liên quan đến công việc một cách phù hợp nhất.

................................................................................................................................

Thiền là một cách hữu ích giúp giảm chứng nghiện căng thẳng. Ảnh minh họa: EKATERINA BOLOVTSOVA/Pexels.

Giải pháp

Thực tế không có phương pháp hoàn hảo nào để hoàn toàn kiểm soát chứng nghiện căng thẳng. Tuy nhiên, tập thể dục và thiền định là một số lựa chọn nền tảng đáng tham khảo.

Theo bệnh viện Mayo Clinic, cả hai phương pháp này đều kích thích não bộ giải phóng những chất tạo hạnh phúc như dopamine và endorphin. Chúng đều là những liều thuốc hiệu quả khắc phục căng thẳng.

Quan trọng nhất, mọi người cần suy xét về căn nguyên của nỗi căng thẳng gây hại cho bản thân.

“Bạn hãy để ý các vấn đề về giấc ngủ, cơn thèm ăn, khả năng tập trung và tâm trạng của bản thân. Bạn làm gì khi bị căng thẳng? Điều gì giúp bạn thấy tích cực hơn cũng như điều gì khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn”, Sorensen nói thêm.

Đôi khi, thay vì đi tìm giải pháp khắc phục nhanh chóng, chúng ta cần xem xét nguồn gốc vấn đề một cách sâu xa hơn. Nếu nghĩ mình nghiện stress, rất có thể mọi người chỉ đang thiếu ngủ hoặc đang đảm đương quá nhiều trách nhiệm trên vai. Lúc này, phương án xử lý tốt nhất là thay đổi lối sống.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/stress-cung-la-mot-dang-gay-nghien-post1429434.html