Trong thế giới chúng ta đang sống, đàn ông thường chiếm ưu thế trong việc kiểm soát tài chính.
Cánh mày râu nhận được mức lương cao hơn so với một phụ nữ làm cùng công việc. Khi bắt gặp một quảng cáo về tư vấn tài chính, người mẫu đóng vai nhà tư vấn thường là nam giới.
Nhưng như nghệ sĩ Mỹ James Brown từng viết trong ca khúc This is a Man's World (1966): “Đây là thế giới của đàn ông, nhưng sẽ chẳng là gì, chẳng là gì hết nếu vắng bóng phụ nữ".
Đúng vậy, thế giới tài chính này không chỉ là của đàn ông.
Theo báo cáo năm 2020 của McKinsey, công ty tư vấn quản trị toàn cầu, vì phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới, một lượng lớn tài sản dự kiến sẽ được chuyển giao cho họ.
Đến năm 2030, phụ nữ ở Mỹ có thể kiểm soát một phần lớn trong số 30 nghìn tỷ USD tài sản do thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964) nắm giữ.
Nhưng đến nay, nhiều người vẫn còn lầm tưởng về khả năng quản lý tài chính của phụ nữ. Dưới đây là 5 lầm tưởng phổ biến nhất, theo Washington Post.
Phụ nữ chi tiêu nhiều hơn
Định kiến về việc phụ nữ luôn tiêu nhiều tiền đã tồn tại từ lâu khi mọi người lầm tưởng phái đẹp sẽ luôn mua sắm một cách mất kiểm soát.
Việc chi tiêu của mỗi người là khác nhau, song nữ giới không có xu hướng chi tiêu hoang phí như nhiều người nghĩ.
Một phân tích của LendingTree dựa trên dữ liệu liên bang, cho thấy đàn ông độc thân xài tiền nhiều hơn phụ nữ độc thân, trung bình từ 41.203 USD đến 38.838 USD mỗi năm.
Các phát hiện, dựa trên khảo sát chi tiêu tiêu dùng năm 2021 của Cục Thống kê Lao động, cũng cho thấy:
Đàn ông tốn nhiều tiền hơn cho thực phẩm, họ bỏ ra 4.816 USD/năm so với 4.446 USD cho phụ nữ. Phái mạnh tốn nhiều tiền cho rượu hơn phụ nữ với tỷ lệ 2:1, ở mức 542 USD/năm so với 257 USD. Đàn ông cũng chi nhiều hơn cho những hoạt động giải trí khác như thiết bị tập thể dục trong nhà, giày thể thao. Họ chi trả trung bình 675 USD so với 141 USD của phụ nữ.
Nhưng về quần áo, phái đẹp sẵn sàng “xuống ví” hơn nam giới. Họ chi 671 USD/năm cho thời trang và dịch vụ, trong khi đàn ông chỉ tốn 398 USD.
Phụ nữ đàm phán lương kém
Ở mọi cấp độ lương, nam giới thường có thu nhập cao hơn so với đồng nghiệp nữ làm cùng công việc.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, thu nhập trung bình của phụ nữ chỉ đạt 83% so với đàn ông trong các vai trò làm việc theo giờ và lương cố định toàn thời gian vào năm 2021.
Con số này là 912 USD/tuần đối với nữ giới so với 998 USD/tuần đối với nam giới.
Người ta thường cho rằng có những khoảng cách về lương một phần là do phụ nữ không có khả năng đàm phán lương khi ứng tuyển.
Nhưng ngại ngùng khi yêu cầu một mức lương cao hơn không chỉ là vấn đề của riêng phụ nữ.
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, hầu hết người lao động Mỹ "làm công ăn lương" đều nói rằng họ không yêu cầu mức lương cao hơn mức được đưa ra ban đầu. Trên thực tế, 60% ứng viên đã đồng ý với lời đề nghị đầu tiên.
Trong số những người yêu cầu mức lương cao hơn, nam giới chỉ có xu hướng cao hơn một chút, chiếm 32% so với 28% nữ giới.
Bên cạnh đó, phụ nữ bắt đầu từ mức lương thấp hơn so với đàn ông, nên ngay cả khi yêu cầu được trả thêm tiền, họ vẫn có một khoảng cách lương đáng kể.
Kết quả tương tự cũng được tìm thấy khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam California (Mỹ) sử dụng một tác nhân ảo để kiểm tra cách những người tham gia đàm phán cho vị trí kỹ sư phần mềm.
Kết quả cho thấy dù bất kể giới tính nào, 43% người tham gia cũng đồng ý với những gì được đề xuất.
“Nói chung, mọi người đều không giỏi đàm phán”, một nhà nghiên cứu của dự án chia sẻ.
Phụ nữ không giỏi đầu tư bằng nam giới
Đầu tư đi đôi với rủi ro. Trên thực tế, phụ nữ là nhóm có xu hướng thận trọng hơn nam giới khi đầu tư, nhưng điều đó là có lợi cho họ.
Theo báo cáo của Fidelity Investments năm 2021, nữ giới dẫn trước cánh mày râu khi nói đến lợi nhuận đầu tư, mặc dù đó chỉ là một tỷ lệ chênh lệch nhỏ.
Điều đó một phần là do phụ nữ không giao dịch chứng khoán thường xuyên như nam giới.
Một phân tích trên 5 triệu tài khoản Fidelity Investments từ năm 2011 đến năm 2020, cho thấy trung bình phụ nữ đã đạt được lợi nhuận cao hơn khoảng 0,4% so với nam giới trong các khoản đầu tư của họ.
Con số này có vẻ nhỏ, nhưng theo thời gian và trong quá trình đầu tư liên tục, sự chênh lệch nhỏ này có thể tích tụ thành số tiền đáng kể.
Phụ nữ sợ thị trường chứng khoán hơn nam giới
Theo Fidelity, hơn một nửa số phụ nữ (51%) đầu tư vào cổ phiếu cho biết họ thường giữ vững tâm lý khi thị trường sụt giảm, so với 43% nam giới.
Bên cạnh đó, phụ nữ đang ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Nghiên cứu của Fidelity cũng cho thấy 67% phụ nữ đang đầu tư bên ngoài tài khoản tiết kiệm hưu trí của họ. Đó là một bước nhảy vọt đáng kể so với con số 44% được ghi nhận vào năm 2018.
Phụ nữ quá cảm xúc nên không thể trở thành người quản lý tiền giỏi
Theo một cuộc khảo sát năm 2023 của Bankrate.com, hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ, chiếm khoảng 52%, cho biết họ gặp căng thẳng, có những suy nghĩ lo lắng, mất ngủ hoặc trầm cảm vì vấn đề tài chính.
Con số này tăng 10% so với năm trước đó.
Mọi chuyện dễ hiểu khi mọi người bị lo lắng về vấn đề tiền bạc trong đại dịch, cùng với đó là lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm vào năm 2022, lãi suất thế chấp, cho vay mua ôtô và thẻ tín dụng cũng tăng vọt.
Bankrate nhận thấy phụ nữ lo lắng nhiều hơn nam giới. 46% phụ nữ cho biết mối lo ngại về tài chính có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ, so với 38% ở nam giới.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ quản lý tài chính kém.
Một nghiên cứu của Fidelity cho thấy mặc dù căng thẳng là cảm xúc hàng đầu của phụ nữ về tiền bạc, nhưng gần 90% nữ giới đang thực hiện các bước để kiểm soát tài chính của mình.
Họ đang điều chỉnh thói quen chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn và cải thiện điểm tín dụng. Và khi không biết phải làm gì, phụ nữ thường nhờ đến sự giúp đỡ.
Fidelity đã chứng kiến sự gia tăng 19% số phụ nữ liên hệ để được hướng dẫn giải quyết tài chính kể từ năm 2019, so với mức tăng 16% ở nam giới.
“Đừng đánh giá thấp khả năng xử lý tiền bạc của bạn ngay cả khi đàn ông chi phối đồng tiền mà chúng ta sử dụng”, Michelle Singletary, cây bút của tờ Washington Post, nhận định.