Sản phẩm

Sự thật xấu xí với hàng triệu chiếc tai nghe AirPods

Pin lithium-ion trên hàng triệu chiếc tai nghe AirPods sắp cạn kiệt và vấn đề lớn là chúng không thể thay thế vì kích thước quá nhỏ.

Với nhiều người dùng iPhone hiện nay, AirPods đã trở thành vật bất ly thân khi đáp ứng nhu cầu nghe nhạc cũng như giảm tiếng ồn hiệu quả.

Tuy nhiên, mẫu tai nghe của Apple, cùng hàng loạt tai nghe Bluetooth khác lại đang chuẩn bị đối mặt với một vấn đề nan giải nằm ở phần pin quá nhỏ và không thể thay thế.

AirPods cùng hàng loạt tai nghe Bluetooth khác đang chuẩn bị đối mặt với một vấn đề nan giải nằm ở phần pin quá nhỏ và không thể thay thế. Ảnh: 9to5Mac.

sự thật,tai nghe, AirPods

Ví dụ với mẫu AirPods Pro thế hệ đầu tiên, sau khoảng 3 năm liên tục thực hiện các cuộc gọi, nghe nhạc và phát podcast, cây viết Nicole Nguyen của WSJ cho biết tai nghe chỉ có thể sử dụng trong vòng chưa đầy một giờ trước khi âm thanh thông báo pin yếu phát ra.

Bài toán nan giải

Theo công ty phân tích Counterpoint Research, mỗi năm có tới hàng trăm triệu chiếc tai nghe Bluetooth được bán ra, trong đó AirPods và AirPods Pro là hai sản phẩm phổ biến nhất.

Tương tự smartphone hay các thiết bị điện tử khác, tai nghe Bluetooth cũng dùng viên pin lithium-ion bên trong.

Pin chính là nguồn sống của công nghệ. Vào năm 1990, khi pin lithium-ion mới sẵn sàng để đưa ra thị trường, nhu cầu pin trên toàn cầu đã đạt đến gần 200.000 MWh, theo một tính toán của công ty tư vấn Avicenne Energy.

Tương tự như smartphone hay các thiết bị điện tử khác, tai nghe Bluetooth cũng dùng viên pin lithium-ion bên trong. Ảnh: iFixit.

Cho đến tận ngày này, pin lithium-ion vẫn được sử dụng rộng rãi trên mọi thiết bị công nghệ và trở thành tiêu chuẩn trong sản xuất các thiết bị điện tử cầm tay.

Tuy nhiên, nó lại có khuyết điểm là sạc chậm, nhanh hết pin và tuổi thọ pin giảm sau một số chu kỳ nhất định do quá trình điện hóa cung cấp năng lượng cho pin lithium-ion tạo ra rất nhiều nhiệt lượng, gây giảm tuổi thọ của pin.

Đặc biệt, với những chiếc tai nghe Bluetooth, do kích thước nhỏ gọn nên pin của chúng sẽ có xu hướng hết nhanh hơn, thường là trong vòng vài năm và không dễ dàng để thay thế.

Phương án tự sửa chữa cũng không khả thi. Apple và các nhà sản xuất tai nghe không dây thường có xu hướng thiết kế tai nghe không thể thay pin, dù việc đổi pin có thể khiến sản phẩm được sử dụng trong thời gian dài hơn.

Thay vì sử dụng ốc vít, kẹp hay các phương pháp có thể tách rời khác, cấu trúc của những chiếc tai nghe không dây hoàn toàn "khép kín" như được đúc khuôn từ nhà máy.

Apple và các nhà sản xuất tai nghe không dây thường có xu hướng thiết kế tai nghe không thể thay pin. Ảnh: Washington Post.

Thiết kế này giúp chúng có được ngoại hình bóng bẩy và không tỳ vết, kéo theo hệ quả không thể mở ra để thay pin dù cho những bộ phận khác của tai nghe vẫn hoạt động tốt.

Theo WSJ, phần lớn các chuyên gia nghiên cứu về pin khuyến cáo người dùng không nên mày mò việc can thiệp phần cứng với lý do an toàn.

"Các nhà sản xuất đang ngụ ý rằng bạn không thể sửa chữa, không thể tân trang hay bán lại sản phẩm cũ cho người dùng khác. Mọi cách can thiệp dường như chỉ khiến chúng bị hỏng và trở nên vô dụng sau đó", Kevin Purdy, từ website chuyên cung cấp giải pháp sửa chữa thiết bị điện tử iFixit, chia sẻ.

Nguy cơ cháy nổ

Dựa trên thang đo của iFixit, AirPods của Apple có điểm 0/10 về khả năng sửa chữa. Tuy Apple có cung cấp dịch vụ đổi tai nghe cũ lấy tai nghe mới phụ phí 138 USD/cặp, nhưng có lẽ phần lớn người dùng sẽ bỏ thêm 20 USD để mua hẳn cặp tai nghe mới.

Trên thực tế, những nỗ lực cố gắng thay pin có thể gây nguy hiểm. Nếu vô tình làm thủng pin trong quá trình sửa chữa, chiếc tai nghe có thể phát nổ và gây hỏa hoạn.

Nếu vô tình làm thủng pin trong quá trình sửa chữa, chiếc tai nghe có thể phát nổ và gây hỏa hoạn. Ảnh: Shutterstock.

Tại New York, hàng trăm vụ hỏa hoạn nguy hiểm được ghi nhận trong năm 2022 bắt nguồn từ việc thay pin lithium-ion trên xe đạp điện.

Thậm chí pin lithium-ion còn là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ hàng đầu trong các loại rác thải. Năm 2022, công ty iDisk chuyên tháo dỡ linh kiện điện tử đã phải bồi thường 25.000 USD vì vận chuyển pin lithium-ion đã qua sử dụng của Amazon, làm cháy ít nhất 3 xe tải chở rác.

Mặc dù vậy, không phải tất cả tai nghe không dây đều không thể sửa chữa như AirPods. Gio Cerdena, một kỹ sư âm thanh ở Manila, cho biết ông đã xem hướng dẫn trên YouTube và tìm được nguồn pin thay thế trên mạng cho chiếc tai nghe Sony WF-1000XM3 với giá 24 USD.

Theo Cerdena, ông chỉ mất 6 phút với chiếc tuốc nơ vít trong tay cùng một chiếc thẻ tín dụng làm công cụ cạy mở.

Tuy nhiên, Sony cũng đã nhanh chóng khắc phục điều này với thế hệ tiền nhiệm XM4 không thể thay thế hay sửa chữa. Bí mật phía sau thiết kế không thể sửa chữa này có lẽ rất đơn giản là nó ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của các hãng sản xuất.

Gio Cerdena, một kỹ sư âm thanh ở Manila thay pin cho chiếc tai nghe Sony WF-1000XM3 với giá 24 USD. Ảnh: Gio Cerdena.

"Tất cả vì lợi ích của các công ty. Họ muốn bán được nhiều cặp tai nghe mới", Gay Gordon-Byrne, CEO của Repair Organization nhận định.

Tuổi thọ hạn chế của pin lithium-ion

Tất cả pin lithium-ion đều có tuổi thọ giới hạn trong phạm vi nhất định. Bất kể bạn làm cách nào, dung lượng pin cũng sẽ giảm dần theo thời gian.

Tuy nhiên, chu kỳ này không phải là một sự phân rã đều đặn theo thời gian. Anna Stefanopoulou, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Michigan, cho biết pin lúc đầu già đi nhanh, sau đó chậm dần, rồi nhanh dần trở lại khi sắp hết tuổi thọ.

Bà Stefanopoulou cũng nói thêm rằng sạc nhanh và sạc không dây cũng là tác nhân góp phần đẩy nhanh quá trình xuống cấp của pin.

Trong khi đó, Antonio Villas-Boas, phóng viên công nghệ trang Bussiness Insider giải thích khi pin lão hóa, thành phần hóa học bên trong của nó thay đổi, khiến cho khả năng lưu trữ và cung cấp điện cho thiết bị kém hiệu quả hơn.

Một công nghệ pin lithium-ion mới sử dụng sắt hoặc titanate làm thành phần chính, hứa hẹn sẽ khắc phục phần nào nhược điểm này. Tuy nhiên, sự đánh đổi là công nghệ này sẽ bị giảm khả năng lưu trữ năng lượng trong một khoảng không gian, đồng nghĩa thời lượng pin hàng ngày của sản phẩm có thể kém hơn.

Một công nghệ pin lithium-ion mới sử dụng sắt hoặc titanate làm thành phần chính, hứa hẹn sẽ khắc phục phần nào nhược điểm về sự lão hóa của công nghệ cũ. Ảnh: WSJ.

Charlie Welch, CEO của ZapBatt, một công ty sản xuất pin lithium-titanate, cho biết titanate có thể kéo dài tuổi thọ pin thêm ít nhất 15.000 chu kỳ sạc.

“Các công ty và rất nhiều người dùng nghĩ rằng pin chỉ có thể dùng một lần. Tuy nhiên, trong tương lai, nó sẽ là một nền kinh tế tuần hoàn hơn. Pin sẽ tồn tại lâu đến mức chúng có thể di chuyển giữa các sản phẩm với nhau”, Welch nói.

Startup có tên Swap Club đang áp dụng mô hình vòng tròn này. Cụ thể, người dùng có thể trao đổi chiếc AirPods cũ của mình để nhận về một chiếc tai nghe khác cùng loại có pin mới với giá từ 50 USD một cặp.

Nhiều người dùng lo ngại về vấn đề vệ sinh trên những chiếc tai nghe AirPods cũ. Tuy nhiên, Emily Alpert, đồng sáng lập Swap Club khẳng định tất cả tai nghe cũ khi được mua lại đều được vệ sinh kỹ lưỡng và khử trùng.

Theo bà Alpert, chiếc AirPods với công nghệ pin mới thậm chí còn có có tuổi thọ cao hơn một chút so với viên pin ban đầu.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/su-that-xau-xi-dang-sau-hang-trieu-chiec-tai-nghe-airpods-post1413778.html