Khởi nguồn loại bình bể kín Terrarium là câu chuyện của ông David Latimer (người Anh) đã gieo trồng một hạt giống vào bên trong một bình thủy tinh lớn vào một ngày chủ nhật năm 1960, và ông không ngờ rằng nó sẽ trở thành một vườn cây tí hon xanh tốt đến ngày hôm nay. Mặc dù lần cuối cùng ông Latimer mở nắp bình để tưới nước là vào năm 1972, nghĩa là bình này đã được bịt kín trong hơn 50 năm, cây bên trong vẫn xanh tốt và nay đã trở thành một vườn cây tí hon sống hoàn toàn nhờ vào hiện tượng quang hợp.
Thú chơi cho người sống xanh
Nghệ thuật trồng cây cảnh mini hay Terrarium, chia thành hai loại chính là trồng cây trong bình kín và trồng cây trong bình hở. Đối với loại bình hở, người chơi tưới tắm và chăm sóc như cây cảnh bình thường. Với những bình có rêu thì nên phun sương hàng ngày giữ ẩm, còn những loại ưa khô như sen đá thì 1 tuần chỉ nên tưới từ 1 - 2 lần. Còn bình kín thì dễ chăm sóc hơn nhiều, chỉ 4 – 5 tháng bạn mới cần mở nắp lọ ra và phun sương một lần. Những hơi nước sẽ đọng lại trong thành bình và sẽ giữ cho cây luôn tốt tươi.
Anh Vũ Ngọc Tú (42 tuổi) và chị Nguyễn Kim Hoa (39 tuổi) là chủ của cửa hàng An’s Terrarium tại đường Ngọc Thuỵ (Long Biên, Hà Nội). Anh Tú chia sẻ anh đã bén duyên với Terrarium từ 2018. Mới đầu anh làm chỉ để chơi, thoả sức đam mê về cây cảnh thiên nhiên và giải toả căng thẳng của áp lực công việc. Được biết, anh Tú là người tiên phong trong việc cung cấp các bể thuỷ tinh cho những cửa hàng cây cảnh tại Hà Nội và là thế hệ đầu tiên tạo ra những sản phẩm Terrarium bể kín đẹp mắt, có chiều sâu. Đặc điểm của Terrarium kín là cần nhiệt độ mát và độ ẩm cao, thực vật hấp thu lượng nước thông qua quá trình thoát hơi nước và ngưng tụ, độ ẩm được duy trì.
Vừa hoàn thành những công đoạn cuối cùng của chiếc hộp Terrarium hình tượng Phật, anh Tú vừa tâm sự: “Đầu tiên tôi cần set sẵn một cái bể và chọn tượng tương ứng theo bố cục mà mình đã định sẵn ở trong thiết kế. Sau đó tôi liên kết tượng vào bể bằng keo, chờ trong 8 tiếng để keo khô. Tiếp đến dựng những vách núi bằng đá thật để làm sao gần gũi với thiên nhiên nhất.
Tôi sẽ chuẩn bị 3 loại rêu (rêu đầu xanh, rêu bám tường, rêu cỏ) để gắn vào xung quanh tượng đan xen trong vách đá. Ngoài ra còn chuẩn bị cả cây xanh để trồng vào bể. Phía bên dưới tôi rải một lớp đất, sau đó phủ lên trên một lớp acadama để đảm bảo cây sẽ không bị úng. Khi tưới nước nước sẽ lọc xuống đáy, nước sẽ tuần hoàn lên trên đảm bảo hệ thống tuần hoàn và độ ẩm trong bể luôn được ổn định”.
Trong khi đó, một tác phẩm bể hở dạng bonsai được anh Tú làm từ đầu năm đến nay, hiện vẫn chưa hoàn thành. "Mặc dù nó ổn định rồi nhưng tôi vẫn muốn nghiên cứu xem nó sẽ phát triển đến đâu, cây trong bể là loại có quả nên cần độ ẩm khác với những loại cây khác, tôi đang muốn dùng một thứ gì đó tác động để ra được kết quả tốt nhất".
Loại hình bể hở dạng bonsai này đang được anh Tú nghiên cứu trong thời gian gần đây để tạo ra những tác phẩm Terrarium độc đáo đến với khách hàng. Đây là loại cây lâu năm, chưa bao giờ được cho vào chậu nên cần có thời gian thuần dần các loại cây này để nó thích nghi với môi trường, sau đó mới set up để hoàn thiện.
Anh Tú chia sẻ tác phẩm Terrarium nào anh cũng dành toàn bộ tâm huyết, là đứa con tinh thần để anh thoả sức sáng tạo. “Trung bình mỗi bể Terrarium tôi sẽ hoàn thành trong 17 tiếng. Tuy nhiên cũng có sản phẩm mấy tháng mới xong, sản phẩm lâu nhất đã tốn của anh quãng thời gian… 4 năm.
Điểm nhấn cho không gian sống
Khi cuộc sống căng thẳng, nhiều áp lực bởi lo toan, ngày càng có nhiều người tìm cách cân bằng cảm xúc và mang thiên nhiên vào nhà trong điều kiện cho phép. Những tác phẩm Terrarium sẽ góp phần nào đó giúp tâm hồn con người được "mềm hóa".
Tại các buổi workshop được anh Tú, chị Hoa tổ chức, người học sẽ chuẩn bị các loại cây xanh phù hợp, còn anh Tú sẽ cung cấp dụng cụ như bể thuỷ tinh, dao, nhíp, thau,... cũng như các tiểu cảnh như đất, đá, sỏi, rêu, nước,... Anh Tú sẽ hướng dẫn cách thức làm thế nào để tạo ra một sản phẩm Terrarium phù hợp còn người chơi sẽ set up theo cách suy nghĩ của từng người để ra thành phẩm mà họ ưng ý nhất.
Chị Park Ga Eun (35 tuổi ngụ tại Đống Đa, Hà Nội) đã tạo ra chiếc hộp terrarium đầu tiên cho căn hộ của mình sau những buổi học làm Terrarium của anh Tú. Chiếc bể Terrarium chị làm ra giống gần như tuyệt đối với nơi mà chị tưởng tượng, chi phí khoảng 2.500.000 đồng. “Điều thú vị là khi tái tạo 1 hệ sinh thái thu nhỏ thì mình hoàn toàn kiểm soát được chu kỳ này bằng việc đặt thời gian bật tắt đèn, kết hợp cùng với bộ hẹn giờ thì chu kỳ này mình sẽ hoàn toàn chủ động. Đi xa hay đi công tác thì nó vẫn hoạt động bình thường,” chị Ga Eun nói.
Giữa lòng thành phố đông đúc, một “bầu khí quyển” mini trong chiếc bình thuỷ tinh trong veo sẽ khiến cho không gian không còn bó hẹp, ngột ngạt. Bật mí về bí quyết lựa chọn mô hình tiểu cảnh hợp với không gian sống, các chuyên gia Terrarium cho biết nhà chung cư thì thường có không gian nhỏ, khách hàng thường sẽ đặt những bể Terrarium nhỏ để treo tường hoặc đặt ở cửa sổ, ban công. Còn nhà biệt thự thì có không gian rộng hơn phù hợp với đặt những bể kín terrarium lớn hơn sẽ có không gian và sinh thái rộng hơn, đa dạng cây cối, sinh vật và có cả động vật ở trong đó.
Cách chăm sóc bể Terrarium cũng khá dễ dàng bởi vì người chơi bộ môn này có câu đùa rằng đây là “thú chơi dành cho những người lười”. Sau khoảng 4 – 5 tháng hầu như không phải chăm. Người chơi chỉ cần chú ý giai đoạn đầu nếu thời tiết quá nóng, nhiệt độ phòng lên khoảng hơn 30 độ C, cây hoặc rêu thiếu nước sẽ hơi khô và không được mướt thì cần điều chỉnh giảm thời gian ánh sáng lại.
Tuy nhiên, với những bể kín nhiệt độ bên trong thường sẽ cao hơn so với nhiệt độ phòng, người chơi cần thường xuyên mở bể và kiểm tra nhiệt độ bên trong, nếu nóng có thể mở hé cửa khoảng 10 phút hoặc thổi 1 làn gió mát vào bên trong bể khoảng 30 giây để cân bằng nhiệt độ. Người chơi có thể sử dụng nước mát để tưới cho bể giúp giảm nhiệt độ nhanh, tránh dùng nước quá lạnh.
Với những tiểu cảnh đặt trong phòng thường xuyên bật máy lạnh, người chơi nên tưới nước ít và kéo dài khoảng cách các lần tưới hơn khi đặt ngoài trời vì phòng máy lạnh hơi nước thoát chậm hơn. Về ánh sáng, nếu có nắng chiếu vào thì tốt không thì người chơi chỉ cần nguồn sáng mạnh bên cửa sổ. Cách ngày, gia chủ đưa các “em nó” ra bệ cửa sổ, ban công để “tắm nắng” khoảng bốn đến năm tiếng cho cây khỏe là được