Cục Hàng không Việt Nam vừa nhận được thư của Cục Hàng không Trung Quốc (CAAC) thông báo việc dỡ bỏ hạn chế với chuyến bay quốc tế thường lệ đến Trung Quốc. Việc dỡ bỏ các quy định kiểm dịch cũng được áp dụng từ 8/1.
Đây là tín hiệu tích cực không chỉ với các hãng đã có thâm niên bay Trung Quốc như Vietnam Airlines và Vietjet, mà cả Bamboo Airways - hãng hàng không lỡ hẹn với thị trường này trong 3 năm qua vì dịch bệnh.
Trao đổi với Zing, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đánh giá giai đoạn đầu khôi phục đường bay tới Trung Quốc, việc duy trì tần suất bay như trước dịch để giữ được slot (suất bay) lịch sử là bài toán khó đối với các hãng hàng không Việt Nam.
Khôi phục từng bước
Trước mắt các hãng hàng không Việt Nam là "giai đoạn nhạy cảm" khi những slot bay lịch sử với Trung Quốc đã được khôi phục hoàn toàn, nhưng thị trường dự kiến phải phục hồi từng bước.
Nói với Zing, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines, nêu dẫn chứng Singapore là một thị trường có tốc độ khôi phục nhanh nhất nhưng sau 3 tháng thì hãng bay Việt mới phục hồi được 60-70% tần suất bay.
Hãng hàng không Việt Nam khai thác đường bay đến Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: M.A.
"Với thị trường Trung Quốc, đến nay rất khó đánh giá tốc độ phục hồi, nhưng nói thị trường sẽ phục hồi được 100% ngay khi mở cửa vào cuối tháng 3 thì chắc chắn không thể. Do đó, các hãng cũng rất khó phục hồi tần suất bay như giai đoạn 2019 ngay khi mở cửa", ông Trung nhận định.
Theo kế hoạch, Vietnam Airlines tiếp tục khai thác chặng Hà Nội - Nam Kinh/ Thượng Hải; TP.HCM - Thâm Quyến/ Hàng Châu/ Thượng Hải/ Tứ xuyên/ Quảng Châu với 6 chuyến mỗi tuần. Từ tháng 3, hãng sẽ tăng dần tần suất khai thác đến Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, ưu tiên đường bay thường lệ.
Pacific Airlines (thành viên của Vietnam Airlines Group) hiện khai thác các đường bay Hà Nội - Hàng Châu/ Nam Ninh với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng có kế hoạch khai thác thêm đến Quảng Châu và Phúc Châu từ mùa hè 2023.
Hãng hàng không Vietjet cũng đang khai thác đường bay TP.HCM - Thâm Quyến/ Hàng Châu/ Thượng Hải/ Tứ Xuyên/ Vũ Hán với tổng 6 chuyến/ tuần. Từ 23/1, Vietjet sẽ khai thác thêm đường bay Cam Ranh - Tràng Sa/ Thành Đô/ Hạ Phì. Đến cuối tháng 3, Vietjet dự kiến khai thác 85 đường bay, trong đó có 60 đường bay đã có slot.
Trong khi Vietnam Airlines và VietJet phải tìm giải pháp để giữ slot lịch sử, "tân binh" lần đầu tiếp cận thị trường Trung Quốc như Bamboo Airways và Vietravel Airlines đặt mục tiêu thiết lập slot mới tại thị trường này.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Bamboo Airways, cho biết hãng đang khai thác đường bay Hà Nội - Thiên Tân với tần suất một chuyến bay/ tuần. Vị này đặt kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ chiếm 30% khối lượng vận chuyển hàng không của hãng.
Ông Trọng khẳng định dư địa thị trường Trung Quốc còn rất lớn và hãng tự tin xin được thêm slot bay. Tuy nhiên, Bamboo đang gặp khó khăn do đội máy bay đã chạm ngưỡng 30 chiếc. Để có thêm máy bay khai thác thị trường Trung Quốc, hãng phải xin nhà chức trách hàng không cho tăng quy mô đội bay.
Nguy cơ mất slot lịch sử
Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá giai đoạn đầu khôi phục hoàn toàn đường bay tới Trung Quốc, việc duy trì tần suất bay như trước dịch (đặc biệt với các điểm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu) để giữ được slot lịch sử cho mùa hè 2024 sẽ là bài toán khó đối với hãng bay Việt Nam.
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết các hãng bay Việt Nam trong giai đoạn đầu sẽ chưa thể kéo lưu lượng khách bay Trung Quốc về lại như giai đoạn 2019. Điều này dẫn đến nguy cơ phía nước bạn không công nhận và thu hồi các slot lịch sử của hãng hàng không Việt Nam.
Thông lệ của ngành hàng không yêu cầu các hãng bay phải duy trì tần suất tối thiểu 80% so với lượng slot được cấp tại một sân bay để đảm bảo giữ slot lịch sử cho năm sau. Nếu khai thác ít hơn, lượng slot dư thừa (lịch sử) có nguy cơ bị thu hồi.
Cảnh tượng du khách Trung Quốc di chuyển qua sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) trong những năm trước dịch Covid-19. Ảnh: An Bình.
Ở những sân bay đông đúc tại Trung Quốc, việc xin slot mới rất khó khăn và giữ được slot lịch sử là nhiệm vụ quan trọng của các hãng. Slot dư thừa sẽ nhanh chóng bị thu hồi để tái phân phối cho các hãng bay khác.
Trong thông báo gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết việc sử dụng slot để duy trì slot lịch sử sẽ dựa trên cơ sở có đi có lại (đối đẳng), nhưng cơ quan này không nêu nguyên tắc cụ thể.
Do đó, các hãng bay đã kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục làm việc với Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc để có chính sách nới lỏng quy định về sử dụng slot cho lịch bay mùa hè 2023, trên cơ sở có đi có lại, áp dụng cho hãng hàng không cả hai nước.
"Ngay giai đoạn đầu mà yêu cầu các hãng khai thác đủ 80% số chuyến so với giai đoạn trước dịch (2019) thì sẽ khó, vì thị trường khó phục hồi nhanh như vậy", ông Nguyễn Quang Trung nói và cho biết trong cuộc họp gần đây với Cục Hàng không Việt Nam, các hãng đã kiến nghị Cục trao đổi lại với nhà chức trách Trung Quốc để giảm tỷ lệ này xuống 50-60%.
Bên cạnh vấn đề bảo vệ slot bay, các hãng hàng không cũng đánh giá chính sách visa du lịch của 2 nước rất quan trọng trong việc tăng trưởng sản lượng khách. Hãng bay đã kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với các bộ, ngành liên quan để điều chỉnh chính sách visa phù hợp cho khách du lịch Trung Quốc.