Theo Jing Daily, 280 triệu Gen Z Trung Quốc là khách hàng mục tiêu của các thương hiệu xa xỉ. Những người trẻ này được mô tả là tham vọng, tri thức, tự do nhưng cô đơn, thờ ơ.
Các kết luận trên được rút ra từ nghiên cứu mới của tổ chức dữ liệu marketing China Trading Desk. Khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 1.900 người trẻ sinh từ năm 1996 đến 2010.
Người trẻ đô thị và tri thức
Theo nghiên cứu trên, 56% người thuộc Gen Z (sinh năm 1997-2012) ở Trung Quốc sống tại các thành phố loại 1 và loại 2. Họ thể hiện mong muốn cư trú tại các đô thị lớn.
Xu hướng di cư thể hiện mong muốn tìm kiếm việc làm tốt và lối sống hiện đại của thế hệ này. Số liệu trên thể hiện sự tham vọng, khao khát tận dụng những cơ hội mà các đô thị lớn tại Trung Quốc mang lại.
Khoảng 1/2 Gen Z ở quốc gia này đã sở hữu bằng cử nhân đại học. Trong đó, 22% có bằng thạc sĩ trở lên. Đây là thành tích giáo dục vượt xa thế hệ Millennials (thế hệ Y), thể hiện trình độ học vấn cao của Gen Z.
Mặc dù có tham vọng và trình độ học vấn cao, Gen Z lười vận động hơn thế hệ X. 70% người trẻ tập thể dục dưới 2 giờ/tuần. Con số này phản ánh lối sống thành thị ít vận động, đề cao nhu cầu làm việc và học tập.
Tự do nhưng cô đơn
Sự cởi mở của Gen Z về các vấn đề liên quan đến giới tính, xu hướng tính dục đánh dấu sự thay đổi lớn so với các thế hệ trước. 8% người trẻ thuộc thế hệ này xác nhận là người đồng tính hoặc song tính. Tỷ lệ này cao gấp 3 lần thế hệ X (sinh năm 1965-1980) và Y (sinh năm 1981-1996).
Mặc dù tự do, phóng khoáng, họ trở nên cô đơn hơn, có ít bạn bè thân thiết. Đây được xem là một nghịch lý trong thời đại kỹ thuật số, thời đại cho phép con người kết nối với nhau qua các nền tảng mạng xã hội.
Theo một khảo sát được ứng dụng Soul của Trung Quốc thực hiện vào năm 2023, 1/3 người dùng trẻ cho biết luôn cảm thấy cô đơn. Số lượng bạn thân trung bình của thế hệ này là 2,5 người.
Lịch làm việc dày đặc hay khoảng cách địa lý là những lý do đẩy Gen Z Trung Quốc đến thời đại “suy thoái tình bạn”.
Thái độ đối với hôn nhân và sinh con của Gen Z cũng thay đổi nhiều so với các thế hệ trước. 44% người được hỏi không quan tâm đến chuyện kết hôn. Tỷ lệ này gấp đôi thế hệ Millennials.
Phụ nữ cũng chiếm tỷ trọng lớn trong số những cá nhân không tha thiết với hôn nhân. Điều này phản ánh áp lực tài chính và xã hội nặng nề, sâu sắc đối với nữ giới ở quốc gia này.
Báo cáo chỉ ra số lượng phụ nữ Gen Z quan tâm đến sự nghiệp hơn kết hôn, sinh con cao gấp 18 lần những người thuộc thế hệ Millennials. Thống kê này cho thấy sự đe dọa đối với mô hình gia đình truyền thống tại Trung Quốc.
Thế hệ ở ngã ba đường
Gen Z là hiện thân của một thế hệ trung gian giữa truyền thống và hiện đại. Những sở thích, thói quen mới của họ báo hiệu nhiều thay đổi trong bức tranh đời sống xã hội và lối sống tiêu dùng. Gen Z hướng đến những sản phẩm, dịch vụ kết hợp giữa truyền thống văn hoá, xu hướng đương đại và thể hiện được màu sắc cá nhân.
Dịp đầu xuân năm mới, người trẻ Trung Quốc yêu thích những món quà mang tính cá nhân hoá hơn những vật phẩm truyền thống. Về thói quen du lịch, họ ưa chuộng di chuyển, khám phá hơn tham gia những buổi gặp mặt gia đình truyền thống.
Sự mở cửa của quốc gia này cho phép người trẻ tiếp xúc với nhiều nền văn khác. Các xu hướng thời trang vì thế chịu ảnh hưởng của cả truyền thống dân tộc và trào lưu toàn cầu.
Thông qua cách ăn mặc, Gen Z muốn thể hiện bản thân, đồng thời kết nối với cộng đồng, vươn ra thế giới. Đây là những dữ liệu mà các nhãn hàng, thương hiệu cao cấp nên quan tâm khi gia nhập thị trường tỷ dân.