Công nghệ

'Thế hệ vô dụng' đã thực sự xuất hiện?

Trí tuệ nhân tạo vừa loại bỏ các công việc lỗi thời, vừa tạo ra nghề nghiệp mới. Khả năng học hỏi và thích nghi sẽ giúp người lao động nhìn thấy cơ hội, thay vì trở nên vô dụng.

Trong cuốn sách Homo Deus: Lược sử tương lai được xuất bản năm 2015, nhà sử học Yuval Noah Harari đề cập đến "useless class" (tầng lớp vô dụng).

Theo Harari, vào thế kỷ thứ 21 với sự bùng nổ của AI (trí tuệ nhân tạo) và các thuật toán, một tầng lớp không lao động sẽ ra đời và ngày càng đông đảo. Tầng lớp vô dụng không chỉ thất nghiệp, mà còn không có giá trị gì để thuê mướn, không thể đóng góp gì cho kinh tế, xã hội, chính trị và thậm chí cả nghệ thuật.

Sau 8 năm, những dự đoán đầy ảm đạm của Harari không hoàn toàn đúng nhưng cũng không thể nói là thiếu cơ sở. Thực tế, trí tuệ nhân tạo đang thay thế con người trong nhiều ngành nghề.

Nhưng thế hệ vô dụng có thực sự trỗi dậy? Có nên nhìn nhận cuộc cách mạng AI theo hướng hoàn toàn tiêu cực đối với lực lượng lao động hiện nay? Câu trả lời có thể sẽ phức tạp và rất khó đưa ra một đáp án đúng cho mọi thời điểm.

AI đang thay thế con người trong nhiều công việc. Ảnh: hrmasia.

Cũ và mới

Trong Homo Deus: Lược sử tương lai, Harari lập luận và dự đoán rằng các thuật toán sẽ thay thế con người trong hầu hết lĩnh vực. Không chỉ những công việc liên quan đến thống kê, phân tích dữ liệu, một số ngành dịch vụ đơn giản, tác giả nói rằng con người còn tụt hậu so với AI trong các lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo, nghệ thuật.

Từ khám chữa bệnh, công việc luật sư cho đến chơi cờ vây, sáng tác nhạc đều có thể được tự động hóa, trừ một số ngành đặc thù và mang lại ít lợi nhuận như khảo cổ học.

Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ năm 2022 cũng dự báo đến năm 2025, 52% tổng số nhiệm vụ công việc hiện tại có thể được tự động hóa, tăng từ mức 29% mà tổ chức này ước tính vào năm 2018.

Tại Mỹ, Cục Thống kê Lao động báo cáo rằng các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi AI và tự động hóa, chẳng hạn như sản xuất và vận tải, chiếm khoảng 22% tổng số việc làm trên toàn quốc. Như vậy, hàng chục triệu việc làm có khả năng biến mất trong thập kỷ tới.

Theo dữ liệu từ Challenger, Gray & Christmas, trí tuệ nhân tạo đã khiến gần 4.000 người ở Mỹ mất việc làm trong tháng 5.

Trí tuệ nhân tạo loại bỏ nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều nghề. Ảnh: El País.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu, báo cáo lại đang khắc họa một bức tranh trái ngược với màu sắc tích cực hơn về cơ hội việc làm trong tương lai.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey ước tính rằng việc áp dụng AI có thể tạo ra từ 60 triệu đến 200 triệu việc làm mới trên toàn cầu vào năm 2030.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là công việc mới cũng đòi hỏi những kỹ năng mới, hầu hết trong số đó hiện không có sẵn ở lực lượng lao động trong các ngành bị AI đe dọa.

Theo thị trường việc làm toàn cầu Upwork, các thông tin tuyển dụng công việc mới do AI tạo ra đã tăng 1.000% trong quý 2 năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Những nhiệm vụ mới dành cho con người được trí tuệ nhân tạo thúc đẩy bao gồm: kỹ sư học sâu, nhà phát triển chatbot AI, kỹ sư nhắc nhở, người chú thích dữ liệu, chuyên gia về đạo đức AI...

Ai biến người lao động trở nên vô dụng?

Bất kỳ sự phát triển, thành tựu khoa học, công nghệ mới nào cũng đưa đến cảm xúc phấn khích cùng lo sợ. Khi cách mạng công nghiệp nổ ra, người lao động đã lo lắng rằng cơ giới hóa gây thất nghiệp hàng loạt.

Điều đó không xảy ra vì con người đã tìm ra những ngành nghề mới mà mình có thể làm tốt hơn máy móc. Cơ giới hóa đã giải phóng sức lao động, giúp mọi người tập trung hơn vào việc mình giỏi.

Trong cuốn sách của mình, Harari khẳng định đây không phải quy luật tự nhiên, nên nhiều khả năng việc con người tìm ra được những ngành nghề mới mà bản thân làm tốt hơn các thuật toán sẽ không xảy ra trong cuộc cách mạng AI.

Con người cần học cách sử dụng AI để không bị tụt hậu và loại khỏi lực lượng lao động. Ảnh: Unsplash.

Những dự đoán tương lai chưa biết đúng hay sai, nhưng dường như Harari đã quá tập trung vào thế mạnh của các thuật toán phi ý thức. Trong khi đó, không phải AI mà chính khả năng học hỏi, thích nghi của người lao động sẽ quyết định họ có trở nên vô dụng hay không.

Nhà kinh tế học người Canada Armine Yalnizyan nói rằng hãy học cách sử dụng AI nếu không muốn bị thay thế.

"Nhiều người trong lực lượng lao động cần bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách nghiêm túc, nếu họ chưa làm như vậy. Hãy học cách sử dụng nếu không muốn nó chống lại bạn trong tương lai", Yalnizyan nói.

Thời kỳ nào cũng vậy, nếu muốn trụ vững và phát triển trong bất kỳ ngành nghề nào, bạn sẽ phải không ngừng học hỏi. Vì vậy, thật vô nghĩa khi cứ luôn lo lắng rằng những thứ chúng ta học hôm nay sẽ trở nên vô dụng vào năm 2030-2040.

Đến hiện tại, các công việc mang tính sáng tạo và diễn giải như giáo viên, bác sĩ tâm thần, điều tra viên, chính trị gia... vẫn an toàn. CEO, đồng sáng lập của Oii.ai Bob Rogers cho biết AI vẫn chỉ phát triển mạnh trong công việc có tính lặp đi lặp lại.

"Tôi không coi đó là 'AI đang thay thế con người', mà đúng hơn là AI đang đảm nhận những công việc tẻ nhạt, tốn thời gian thay cho người lao động", Rogers nhận định.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/the-he-vo-dung-da-thuc-su-xuat-hien-post1447604.html