Kiếm tiền

Thế hệ 'vỡ mộng' tìm việc nhanh

Sau Tết, nhiều sinh viên năm cuối và những người mới tốt nghiệp tích cực rải CV nhưng không có nhiều cơ hội.

Nguyễn Phương Anh hiện là sinh viên năm cuối chuyên ngành Kinh tế Ngoại thương, Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng). Vài tháng nữa, Phương Anh mới chính thức tốt nghiệp nhưng từ trước Tết, nữ sinh đã bắt đầu tìm kiếm công việc fulltime và rải CV (hồ sơ ứng tuyển) trên các trang web tuyển dụng và diễn đàn tìm kiếm việc làm.

Gửi đi cả chục CV, nữ sinh chỉ nhận 4-5 phản hồi. Trong đó, một công ty liên hệ phỏng vấn. Phương Anh vượt qua vòng này, được hẹn ra Tết sẽ đi làm luôn.

Nhưng cận Tết, nhà tuyển dụng lại thông báo do cần người gấp và cần có kinh nghiệm, họ quyết định từ chối cô và tìm người mới.

“Thời điểm đó, mình nghĩ do cuối năm, ít doanh nghiệp tuyển dụng nên tìm việc sẽ khó hơn. Bị từ chối sát ngày cuối năm, mình định bụng ra Tết sẽ tiếp tục tìm kiếm, nhưng ai ngờ vẫn không khá hơn là mấy", nữ sinh chia sẻ với Tri thức - Znews.

Nhiều sinh viên năm cuối, người mới tốt nghiệp cũng gặp khó như Phương Anh khi bước chân vào thị trường tuyển dụng sau Tết. Nhiều doanh nghiệp chưa phục hồi, quy mô tuyển nhân sự mới không được mở rộng quá nhiều.

Những người có vài năm kinh nghiệm được ưu tiên, trong khi người mới tốt nghiệp chật vật hơn để chứng minh năng lực.

Đỏ mắt tìm việc sau Tết

Ngay khi kết thúc kỳ nghỉ, Phương Anh nhận được phản hồi từ một doanh nghiệp mà cô đã gửi CV từ trước đó. Nhận được cuộc gọi từ nhà tuyển dụng, nữ sinh mừng rỡ, cứ ngỡ tìm được việc ngay đầu năm. Nhưng cuối cùng, nhà tuyển dụng lại từ chối với lý do ứng viên chưa ra trường, chưa có bằng tốt nghiệp.

Phương Anh vẫn chưa tìm được việc làm dù rải CV từ trước Tết. Ảnh: NVCC.

“Hiện tại, mình đã hoàn thành hết các môn học, đang làm khóa luận tốt nghiệp nhưng sẽ không phải lên trường. Vì vậy, mình muốn tìm một công việc fulltime trước khi tốt nghiệp để tích lũy dần kinh nghiệm. Nhưng cuối cùng dở khóc dở cười, HR dặn dò mình học xong rồi nhớ ứng tuyển lại", Phương Anh nói.

Tiếp tục bị từ chối nhưng nữ sinh cho hay thời gian này, khi tìm việc, cô không còn lo lắng, sốt ruột như trước. Nghỉ Tết cũng là khoảng thời gian cô nhìn nhận lại bản thân và đánh giá thị trường.

Theo đó, do tính chất công việc đặc thù, trước hay sau Tết, khá ít doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu - vị trí mà cô đang tìm kiếm - trong khi số người tìm việc thì không ít. Nếu có tuyển, các doanh nghiệp thường yêu cầu ứng viên đã tốt nghiệp, có tối thiểu 1-2 năm kinh nghiệm. Chưa kể, cô chỉ tìm kiếm việc làm tại khu vực Hải Phòng, số lượng công việc cũng ít hơn.

Mỹ Hạnh (sinh năm 2001, tốt nghiệp chuyên ngành Marketing của Học viện Tài chính) cũng là một trong những sinh viên mới ra trường đang “đỏ mắt” tìm việc sau Tết.

Một tháng trước Tết, Hạnh bị "layoff". Do khó khăn kinh tế, công ty quyết định cắt giảm phòng truyền thông nơi cô đang làm việc ở vị trí content creator. Cô bị sốc nhưng cũng đành chờ đợi nghỉ lễ xong mới tìm kiếm công việc.

Trở lại Hà Nội hơn một tuần nay, Hạnh liền rải CV. Trước đây, cô đã viết content cho nhiều trang web và doanh nghiệp. Lần này, muốn thay đổi định hướng một chút nên cô ứng tuyển vào vị trí nhân viên của sàn thương mại điện tử.

“Đã có hai công ty gọi mình đi phỏng vấn. Một bên thì mình không thích công việc của họ, bên còn lại thì mức lương quá thấp, lương cứng chỉ hơn một nửa so với chỗ trước đây. Vì vậy mình quyết định sẽ ứng tuyển thêm”, Hạnh nói với Tri thức - Znews.

Chưa có nhiều kinh nghiệm, Mỹ Hạnh gặp khó khăn khi ứng tuyển vào các công ty. Ảnh: NVCC.

Nhìn vào tình hình kinh tế chung, Hạnh khá lo lắng vì thị trường việc làm không sôi động như những năm trước. Cô tốt nghiệp vào tháng 6/2023 và bắt đầu đi làm toàn thời gian vào giai đoạn nhiều công ty biến động, cắt giảm nhân sự.

“Nhiều công ty đăng tuyển dụng thường ưu tiên người có 1-2 năm kinh nghiệm, vì vậy cơ hội cho những sinh viên mới ra trường như mình cũng hạn chế hơn”, Hạnh chia sẻ.

Hiện tại, Hạnh nhận công việc freelance để làm thêm trong thời gian chờ đợi tìm được một vị trí ổn định và phù hợp. "Nóng ruột" kiếm việc làm nhưng cô nói rằng không muốn chấp nhận một việc có mức lương quá thấp.

Làm gì để cạnh tranh?

Trao đổi với Tri thức - Znews, bà Phạm Thị Hoài Linh - Giám đốc Nhân sự, Navigos Group - đánh giá thị trường lao động có tín hiệu cho thấy đang trên đà hồi phục, nhưng chưa thực sự bền vững do còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng. Trong năm nay, các doanh nghiệp vẫn sẽ tuyển dụng thêm nhân sự nhưng quy mô không lớn, chỉ dưới 25%.

Tuy nhiên, nhóm người lao động đã có 1-3 năm kinh nghiệm (nhưng chưa phải cấp độ quản lý) sẽ được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhiều nhất, tiếp đó mới là nhóm ứng viên mới tốt nghiệp và quản lý bộ phận. Nhu cầu tuyển thấp nhất dành cho vị trí thực tập sinh và giám đốc.

“Các doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn vào chất lượng tuyển dụng với yêu cầu khắt khe hơn, ưu tiên các ứng viên đa nhiệm và có kinh nghiệm cao trong thời gian tới”, bà Linh nói.

Nhiều doanh nghiệp hiện ưu tiên tuyển dụng nhân sự đã có vài năm kinh nghiệm, người mới tốt nghiệp chật vật hơn. Ảnh: Vlada Karpovich/Pexels.

Đưa ra lời khuyên, giám đốc nhân sự Navigos Group cho hay sinh viên chuẩn bị ra trường và các tân cử nhân cần chuẩn bị tâm thế tốt nhất khi tình hình kinh tế thị trường bình ổn và phát triển trở lại, cũng như đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới.

“Các bạn sinh viên nên tận dụng tìm kiếm cơ hội việc làm từ nhiều nguồn tuyển dụng khác nhau, đặc biệt là các trang tuyển dụng trực tuyến, thông qua những chương trình định hướng, ngày hội việc làm của trường hoặc mở rộng mối quan hệ cá nhân với các chuyên gia tuyển dụng”, bà Linh đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh đó, để tăng cơ hội trúng tuyển, các em cần chủ động học hỏi các kỹ năng như giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ, thích ứng với thay đổi… Đây là những kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng đang ưu tiên tìm kiếm ở ứng viên.

Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, bà Linh khuyên ứng viên nên nắm bắt các xu hướng làm việc mới như làm việc linh động, làm việc từ xa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc.

“Ứng dụng AI vào công việc đang ngày càng được chú trọng bởi khả năng giúp nâng cao năng suất lao động. Để tăng cạnh tranh trên thị trường, ứng viên nên nắm bắt xu hướng làm việc này", bà Linh nói thêm.

Để tăng sức cạnh tranh, ứng viên nên rèn luyện cả các kỹ năng mềm. Ảnh: Antoni Shkraba/Pexels.

Phương Anh cũng thừa nhận bản thân vẫn còn những thiếu sót. Cô chưa có nhiều kinh nghiệm bởi trong quá trình thực tập, lo ngại vấn đề bảo mật và sợ sai sót, nữ sinh cũng không được giao các đầu việc để làm quen.

Bù lại, cô có điểm GPA loại giỏi, các kỹ năng như tin học văn phòng đều thành thạo. Phương Anh sử dụng tốt 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung.

Đánh giá được năng lực bản thân, thay vì đi tìm việc và rải CV khắp nơi, Phương Anh quyết định đi chậm lại.

“Trước Tết, mình mong có việc làm lắm nên cứ rải CV cả những công ty không đúng ngành. Nhưng mình đã nhận ra việc đó không giúp ích, chỉ khiến mình thêm lo lắng. Thay vào đó, hiện tại, mình tập trung làm tốt khóa luận, trau dồi kiến thức chuyên ngành và ngoại ngữ. Cùng lúc đó, mình vẫn tìm việc, nhưng cẩn trọng hơn, thực sự phù hợp mới gửi CV", Phương Anh chia sẻ về kế hoạch của bản thân.

Là sinh viên năm cuối chuyên ngành Kế toán Doanh nghiệp của Học viện Tài chính (Hà Nội), Trang Vũ (sinh năm 2002) hiểu được sự quan trọng của việc tích lũy kinh nghiệm để tăng sức cạnh tranh trong thị trường lao động hiện tại.

Từ cuối năm ngoái, cô đã bắt đầu rải CV trên các nhóm Facebook và trang tuyển dụng để có cơ hội rèn giũa chuyên môn, tăng kinh nghiệm làm việc.

Trước đó, Trang có 2 năm làm cộng tác cho một công ty liên quan đến mảng giáo dục. Vị trí đó không liên quan đến chuyên môn nhưng giúp cô trang trải chi phí khi đi học. Bên cạnh đó, Trang cũng học được một số kinh nghiệm từ kế toán của công ty nhằm phục vụ công việc sau này.

Năm 2023, một làn sóng sa thải lớn đã diễn ra. Nhiều chuyên gia dự báo năm nay sẽ khó khăn hơn trong thị trường việc làm, nhất là đối với các sinh viên mới tốt nghiệp vì phải cạnh tranh với những lứa đi trước đã có nhiều kinh nghiệm và được ưu tiên hơn. Bởi vậy, Trang ưu tiên rèn luyện chuyên môn để tăng khả năng cạnh tranh.

“Mình đã có trang bị kiến thức cơ bản về kế toán thuế, kế toán bán hàng, có tinh thần sẵn sàng học hỏi, không ngại việc. Tuy nhiên mình nhận thấy còn cần rèn luyện thêm về kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm”, Trang nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/the-he-vo-mong-tim-viec-nhanh-post1463267.html