Giá cổ phiếu của Deutsche Bank - nhà băng lớn nhất nước Đức - đã giảm hơn 9% vào đầu phiên giao dịch ngày 24/3. Nguyên nhân là đêm 23/3, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này đã tăng vọt do lo ngại về tình hình của ngành ngân hàng châu Âu.
Cổ phiếu của ngân hàng Đức đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Giá trị vốn hóa thị trường của Deutsche Bank bốc hơi hơn 20% trong tháng này.
CDS của ngân hàng đã tăng vọt từ 142 điểm cơ bản vào ngày thứ tư lên 173 điểm cơ bản trong đêm 23/3. Đây là một hình thức bảo hiểm cho các trái chủ trước rủi ro vỡ nợ của công ty.
Nhà đầu tư gấp rút phòng vệ rủi ro
Để hoán đổi rủi ro vỡ nợ, các chủ nợ sẽ mua CDS từ một nhà đầu tư khác - người gánh chịu rủi ro nếu công ty không có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ. Hầu hết CDS đều có một mức phí bảo hiểm liên tục để duy trì hợp đồng, tương tự chính sách bảo hiểm.
Deutsche dẫn đầu đà giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng tại châu Âu trong phiên giao dịch kết thúc tuần. Cổ phiếu của Credit Suisse, Societe Generale và UBS đều mất hơn 5% giá trị.
Các nhà đầu tư đứng ngồi không yên sau khi Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - bị UBS mua lại với giá hơn 3 tỷ USD, chưa bằng một nửa giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này (tính đến phiên giao dịch 17/3).
Thương vụ này được chính phủ Thụy Sĩ và cơ quan quản lý ngân hàng làm trung gian, nhằm gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng của ngân hàng lớn thứ 2 quốc gia này.
Theo thỏa thuận, chính phủ Thụy Sĩ sẽ cấp hơn 9 tỷ USD nhằm trang trải những khoản chi phí khổng lồ tiềm ẩn khi tiếp quản Credit Suisse. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hỗ trợ khoảng 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS.
Đáng nói, Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ (Finma) cho biết sau khi UBS mua lại Credit Suisse, hàng tỷ USD trái phiếu của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ sẽ trở nên vô giá trị. Toàn bộ trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu.
Nỗi sợ lây lan
Điều này khiến các trái chủ của Credit Suisse nổi giận. Một số đã cân nhắc các động thái pháp lý có thể có sau vụ sáp nhập thổi bay 17 tỷ USD trái phiếu AT1.
Theo các chiến lược gia tại Goldman Sachs, trái chủ của Credit Suisse đã gánh khoản lỗ lớn nhất đối với nhà đầu tư AT1 kể từ khi loại trái phiếu này ra đời vào cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Quyết định của giới chức Thụy Sĩ bị chỉ trích là gây tổn hại niềm tin vào loại tài sản này và có thể tạo ra hiệu ứng lan toàn trên toàn cầu.
Dấu chấm hết của Credit Suisse diễn ra ngay sau khi 3 nhà băng tại Mỹ lần lượt sụp đổ. 2 trong số đó là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 (Silicon Valley Bank) và thứ 3 (Signature Bank) trong lịch sử nước Mỹ.
Các cơ quan quản lý đã gấp rút vào cuộc. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ đưa ra những biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố hệ thống ngân hàng và đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu rút tiền của khách hàng.
Trong đó, Fed nới lỏng các điều khoản về quyền tiếp cận cửa sổ chiết khấu (discount window) của ngân hàng. Đây là công cụ cho vay của ngân hàng trung ương nhằm giúp ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn.
Tính đến cuối tuần trước, các ngân hàng đã vay khoản tiền kỷ lục 152,85 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu trong vòng 7 ngày. Kỷ lục cũ là 111 tỷ USD, diễn ra trong khủng hoảng tài chính toàn cầu.