Trong nước

Thêm tín hiệu tăng trưởng VnIndex

Trong nửa năm gần đây, doanh nghiệp đã phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu và thu về gần 1 tỷ USD, cao hơn 60% so với 4 quý liền trước.

Nội dung chính:

  • Doanh nghiệp đang có xu hướng ồ ạt gọi thêm vốn từ cổ đông hiện hữu trong nửa năm trở lại đây.
  • Trong giai đoạn VnIndex đạt đỉnh cuối năm 2021, đầu năm 2022, các doanh nghiệp cũng có xu hướng tương tự.
  • Phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu dưới dạng quyền chọn mua có thể là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thị trường chứng khoán.

Dữ liệu từ FiinPro-X cho thấy, trong quý IV/2023 và quý I/2024, tổng giá trị phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch đạt khoảng 22.200 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Con số này cao hơn 60% so với 4 quý liền trước (từ quý IV/2022 - quý III/2023).

Hàng loạt doanh nghiệp đang có xu hướng ồ ạt gọi thêm vốn từ cổ đông hiện hữu, bên cạnh các nguồn vốn khác như vay tín dụng, phát hành trái phiếu…

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng từng có xu hướng gọi vốn ồ ạt như vậy trong giai đoạn VnIndex tăng trưởng mạnh, vượt mốc 1.400 điểm vào cuối năm 2021 - đầu năm 2022.

Cụ thể, bắt đầu từ quý III/2021 đến quý III/2022, giá trị gọi vốn bình quân mỗi quý trên 18.000 tỷ đồng - cao vượt trội so với giai đoạn trước đó.

Giá trị phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu trong mối tương quan với VnIndex (Nguồn: FiinPro - X)

Nhận xét về xu hướng phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu trong nửa năm trở lại đây, bà Trương Minh Trang - Giám đốc Khối dịch vụ Thông tin Tài chính của FiinGroup cho biết: “Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là một hình thức pha loãng cổ phiếu và giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ phát hành. Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2024 đã có nhiều khởi sắc sẽ là một trong những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh việc huy động thông qua phát hành này, giống như những gì tôi đã quan sát vào giai đoạn thị trường uptrend 2021- 2022”.

Thu hàng nghìn tỷ đồng từ phát hành thêm

Thời gian chuẩn bị phương án phát hành của một doanh nghiệp tính từ lúc HĐQT thông qua đến khi phát hành thành công thường xung quanh một quý. Như vậy để chuẩn bị cho những đợt phát hành trong 6 tháng trở lại đây, các doanh nghiệp thường đã chuẩn bị từ 9 tháng - 1 năm về trước.

Đây cũng là giai đoạn VnIndex biến động “xập xình” xung quanh mức 1.000 điểm.

Chuẩn bị phát hành thêm trong giai đoạn thị trường chứng khoán chững lại là quyết định khiến công ty có thể phải chịu nhiều “thiệt thòi” khi giá phát hành thấp hơn. Điều đó cũng cho thấy doanh nghiệp đã thực sự khát vốn trong giai đoạn vừa qua, khi lãi suất tín dụng trở nên cao quá mức chịu đựng của các doanh nghiệp.

Ba tổ chức phát hành nhiều nhất trong nửa năm gần đây là ngân hàng và các công ty chứng khoán.

Cụ thể, LPBank (HoSE: LPB) đã phát hành 500 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 5.000 tỷ đồng vào tháng 10/2023 chủ yếu dành cho vay khách hàng. Năm 2023, LPBank là một trong những nhà băng tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, đạt 17,9%.

CTCP Tài chính Điện lực (EVNFinance - HoSE: EVF) tăng vốn lên gấp đôi bằng việc phát hành 351 triệu cổ phiếu, thu về 3.861 tỷ đồng. Trong số đó, chỉ có 500 tỷ đồng được công ty dùng để đầu tư vào doanh nghiệp khác, còn lại đều được sử dụng cho các khoản cho vay khách hàng, phục vụ tăng trưởng tín dụng.

Chứng khoán HSC (HoSE: HCM) cũng huy động 2.286 tỷ đồng dành cho vay ký quỹ (margin) và phục vụ mục đích tự doanh của công ty.

Trong 10 doanh nghiệp huy động tiền nhiều nhất trong các đợt phát hành trong nửa năm trở lại đây, có tới 9 doanh nghiệp huy động trên 1.000 tỷ đồng, 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán).

Làn sóng phát hành thêm vẫn chưa dừng lại

Mới đây, HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT (HoSE: VND) vừa ra nghị quyết triển khai kế hoạch phát hành 243,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến thu về 2.345 tỷ đồng. Quyết định của HĐQT được đưa ra ngay trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, khi hệ thống dữ liệu của công ty bị tấn công, buộc phải ngắt kết nối với các Sở giao dịch chứng khoán từ đầu tuần. Theo thông báo mới nhất từ VNDIRECT, hệ thống của công ty có thể sẽ hoạt động trở lại vào tuần tới sau một tuần khắc phục sự cố.

Trong thời gian tới, các công ty chứng khoán như Chứng khoán Nhất Việt (HNX: VFS) dự kiến phát hành 120 triệu cổ phiếu, thu về 1.200 tỷ đồng, Chứng khoán FPT (FPTS - HNX: FTS) phát hành 85,8 triệu cổ phiếu, thu về 858 tỷ đồng…

Quy định cấm các công ty chứng khoán huy động tiền từ khách hàng như một tổ chức tín dụng có thể là nguyên nhân chính khiến các công ty chứng khoán buộc phải lên kế hoạch gọi vốn, huy động dòng tiền cho các hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Gánh nặng lãi suất năm 2023 cùng sức ép các khoản nợ vay hay trái phiếu đến hạn, tình trạng nợ đọng khó thu hồi vốn… khiến dòng tiền các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trở nên cạn kiệt. Phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, đặc biệt khi thị trường chứng khoán được kỳ vọng đi vào giai đoạn tăng trưởng, là một lựa chọn tương đối an toàn.

Mùa ĐHĐCĐ thường niên 2024 sắp tới có thể sẽ chứng kiến những thương vụ phát hành khủng dành cho cổ đông hiện hữu.

Link bài gốcLấy link
https://markettimes.vn/them-tin-hieu-tang-truong-vnindex-54195.html