Doanh nghiệp

Thị trường Mỹ - lãnh địa khó xâm nhập dành cho ôtô Trung Quốc

Không ít rào cản đang khiến thị trường Mỹ trở thành nơi khó tiếp cận dành cho ôtô Trung Quốc. Thị trường ôtô xứ cờ hoa khiến ngay cả BYD cũng phải dè chừng.

Năm 2023 chứng kiến sự bành trướng và những thành tựu đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.

Về tổng quan, Trung Quốc chính thức vượt qua hàng xóm Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ôtô hàng đầu thế giới. Nếu xét trên bình diện cá nhân, doanh số 1,57 triệu xe đã giúp BYD áp sát vị trí dẫn đầu về lượng tiêu thụ ôtô thuần điện mà Tesla đang nắm giữ trong năm vừa rồi.

Tại nhiều thị trường khác nhau, BYD cũng là cái tên khá nổi bật trong mảng ôtô điện. Theo Car News China, BYD là thương hiệu ôtô thuần điện được ưa chuộng nhất tại Thái Lan, Brazil và Israel trong năm 2023. Trong đó, người dân Thái Lan đã mua tổng cộng 30.650 xe điện các loại do BYD sản xuất, gấp 4 lần doanh số cùng kỳ của Tesla ở xứ chùa vàng.

Dù vậy, ôtô Trung Quốc dường như vẫn chưa thể chạm đến một trong những thị trường hấp dẫn bậc nhất thế giới. Ở thời điểm hiện tại, số lượng thương hiệu ôtô có gốc gác Trung Quốc được bán tại Mỹ chỉ có thể được đếm trên đầu ngón tay.

Thị trường ôtô lớn thứ nhì thế giới, sau chính Trung Quốc, vì thế trở thành một lãnh địa chưa thể tiếp cận của nhóm thương hiệu ôtô đến từ quốc gia tỷ dân.

Tiếp cận bằng thương hiệu con

Ở thời điểm hiện tại, Geely là cái tên duy nhất của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc có thể bán được ôtô trên đất Mỹ. Tuy nhiên, các xe của tập đoàn này vẫn phải chịu khoản thuế nhập khẩu 25%, đồng thời chỉ có thể tiếp cận thị trường Mỹ thông qua các thương hiệu con từng được mua lại.

Geely tiếp cận thị trường Mỹ bằng các thương hiệu con. Ảnh: The Star.

Cụ thể, Volvo, Polestar, Lotus và Zeekr là những thương hiệu ôtô của Geely đang có mặt trên thị trường ôtô hấp dẫn hàng đầu thế giới. Trong số này, hãng xe Volvo của Thụy Điển đã về tay Geely từ năm 2010, còn Polestar là thương hiệu xe điện thuộc sở hữu của chính Volvo.

Tương tự, Lotus cũng sáp nhập vào Geely từ năm 2017, còn Zeekr là thương hiệu xe điện cao cấp được Geely cho ra đời nhằm cạnh tranh trực tiếp với đối thủ Tesla.

Năm ngoái, doanh số của Volvo tại thị trường Mỹ đạt 128.701 xe, còn thương hiệu xe điện Polestar thu về doanh số khoảng 54.600 xe. Khi đặt cạnh lượng tiêu thụ hàng triệu xe mà Toyota, Ford hay Chevrolet đạt được tại Mỹ, doanh số của Volvo và Polestar còn khá khiêm tốn.

Tuy vậy, giới lãnh đạo Geely có lẽ vẫn tạm hài lòng khi tập đoàn này là cái tên duy nhất của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc có sản phẩm đang “chinh chiến” tại thị trường ôtô xứ cờ hoa.

Nhiều nguồn tin cho hay Chery - tập đoàn ôtô thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc - cũng đang tìm đường tiếp cận thị trường Mỹ sau 2 lần thất bại. Trong cuộc phỏng vấn với MotorTrend vào năm ngoái, ông Brian Wu - Phó Chủ tịch điều hành của Chery Mexico - thừa nhận rằng thị trường Mỹ rất quan trọng với tập đoàn ôtô Trung Quốc.

Chery từng lên kế hoạch xâm nhập thị trường Mỹ bằng thương hiệu Vantas vào năm 2020 nhưng bất thành. Ảnh: MotorTrend.

Trước đó vào các năm 2005 và 2020, Chery từng nỗ lực tiếp cận thị trường ôtô Mỹ nhưng bất thành. Ở lần gần nhất vào năm 2020, Chery đã bắt tay với HAAH Automotive Holdings và dự định trình làng mẫu SUV Exeed TX tại thị trường Mỹ nhưng dưới tên gọi Vantas.

Mới đây nhất, BYD cũng úp mở ý định tiếp cận thị trường Mỹ. Hãng xe điện bán chạy thứ nhì thế giới trong năm 2023 thậm chí đã bắt đầu xây dựng một nhà máy tại Mexico, động thái khiến không ít người cho rằng BYD đang tìm cách mở đường cho sản phẩm của mình tiến vào thị trường ôtô xứ cờ hoa.

Một thị trường "thú vị nhưng phức tạp"

Dù vậy, thông tin mới nhất được chuyên trang Carscoops đăng tải cho thấy BYD đã từ bỏ ý định xâm nhập thị trường Mỹ.

Theo Carscoops, BYD đang tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất ôtô điện tại Mexico. Động thái này của hãng xe điện Trung Quốc từng dấy lên nhiều hoài nghi về việc BYD sẽ sớm tiếp cận thị trường Mỹ bằng các sản phẩm lắp ráp ngay trên lãnh thổ Bắc Mỹ, đồng thời tránh được khả năng bị đánh thuế quá cao.

Dẫu vậy, bà Stella Li - Giám đốc điều hành của BYD Bắc Mỹ - khẳng định thương hiệu này không có ý định đến Mỹ.

“Đó là một thị trường thú vị nhưng rất phức tạp”, bà Stella Li kết luận.

Nữ lãnh đạo BYD Bắc Mỹ khẳng định nhà máy của hãng tại Mexico sẽ tập trung toàn lực cho thị trường ôtô ở quốc gia tiếp giáp đường biên giới phía Nam của Mỹ.

BYD mở nhà máy tại Mexico nhưng xác nhận không có kế hoạch xâm nhập thị trường Mỹ. Ảnh: BYD.

Theo MotorTrend, đã có 9 nhà sản xuất ôtô Trung Quốc mở showroom tại Mexico trong vòng 3 năm gần đây. Cuộc đổ bộ này đã dẫn đến 9% thị phần xe du lịch hiện tại ở Mexico rơi vào tay các thương hiệu ôtô Trung Quốc.

Việc các nhà sản xuất ôtô đến từ đất nước tỷ dân chọn Mexico làm bàn đạp tiến vào thị trường Mỹ xuất phát từ nội dung Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), một thỏa thuận từng giúp việc xuất khẩu ôtô từ Mexico vào Mỹ trở nên dễ dàng hơn.

Kể từ tháng 7/2020, NAFTA được thay thế bằng Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), qua đó bắt buộc 75% thành phần ôtô phải được sản xuất ở Bắc Mỹ để tránh khả năng các hãng xe bị đánh thuế cao khi đưa ôtô vào thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ chỉ cho phép một số mẫu xe điện và pin sản xuất tại Bắc Mỹ có thể nhận đầy đủ khoản ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD. Yếu tố này cũng giúp Mexico trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm của nhiều hãng sản xuất xe điện và pin, không chỉ đến từ Trung Quốc hay châu Âu mà cả các hãng xe của Mỹ.

Ôtô điện cần đáp ứng một số điều kiện về sản xuất để được hưởng trọn vẹn khoản ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD tại Mỹ. Ảnh minh họa: Reuters.

Cho dù ở thời điểm hiện tại, “gã khổng lồ” BYD đã chấp nhận bỏ qua thị trường Mỹ, không ít nhà sản xuất ôtô phương Tây vẫn bày tỏ lo ngại trước khả năng cạnh tranh của các hãng xe Trung Quốc nói chung và BYD nói riêng.

Ông Carlos Tavares CEO của Stellantis thừa nhận ôtô Trung Quốc đang là mối đe dọa lớn hiện nay. “Họ (các hãng xe Trung Quốc) là những kẻ duy nhất có thể bán xe thuần điện ở mức giá của ôtô sử dụng động cơ đốt trong”, vị lãnh đạo Stellantis cho biết.

Chuyên trang Carscoops dẫn lời ông Tom Narayan - nhà phân tích đến từ RBC Capital Markets - cho rằng tổng lợi thế về chi phí của BYD rơi vào khoảng 40% khi so sánh với Stellantis.

Nguyên nhân của lợi thế này đến từ khả năng tích hợp theo chiều dọc trong hoạt động kinh doanh của BYD và trên thực tế, khoảng 75% bộ phận và linh kiện mà BYD sử dụng trên ôtô đều được hãng xe Trung Quốc sản xuất nội bộ.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/thi-truong-my-lanh-dia-kho-xam-nhap-danh-cho-oto-trung-quoc-post1462836.html