Theo kế hoạch, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ có 2 ngày 6-7/3 điều trần trước quốc hội Mỹ.
Theo CNBC, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh các thị trường vẫn đang hoài nghi thông tin việc cơ quan này có đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất hay không và nếu có thì thời điểm diễn ra vào lúc nào.
Chờ tín hiệu rõ hơn từ Fed
Fed từ một ngân hàng trung ương có tính thích ứng cao đang dần chuyển hướng sang thận trọng và cân nhắc hơn. Điều này khiến các nhà giao dịch khó đoán và kỳ vọng những phát biểu tới đây của ông Jerome Powell sẽ mang tới định hướng rõ nét hơn.
“Câu hỏi hiện nay toàn thị trường quan tâm chính là thời điểm Fed bắt đầu thực hiện việc cắt giảm lãi suất và sẽ cắt giảm bao nhiêu lần. Jerome Powell không nhất thiết phải trả lời điều đó nhưng nếu có bất kỳ tín hiệu hoặc thay đổi nào thì đó chính là điều thị trường muốn thấy", Quincy Krosby, chiến lược gia toàn cầu tại LPL Financial cho biết.
Phát biểu của Chủ tịch Fed trước quốc hội Mỹ sẽ càng có ý nghĩa hơn khi chỉ số giá sản xuất và tiêu dùng trong tháng 1 của Mỹ đang nóng lên. Điều này nhắc nhở các nhà đầu tư rằng lộ trình hướng tới mục tiêu lạm phát ở mức 2% của Fed sẽ không suôn sẻ. Ông Powell sẽ cố gắng giải quyết và xoa dịu những lo ngại đó.
“Bất kỳ động thái nào của ông Powell đưa ra đi ngược với những phát biểu gần đây đều có khả năng trở thành một sự kiện khiến thị trường rung chuyển”, Giám đốc đầu tư Shannon Saccocia tại Công ty NB Private Wealth cho biết.
Trong những tuần gần đây, Jerome Powell và những quan chức cấp cao khác tại Fed đã bày tỏ sự hài lòng với xu hướng giá cả tiêu dùng nhưng vẫn lo ngại rủi ro còn tồn tại. Điều đó khiến họ cho rằng còn quá sớm để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo công cụ FedWatch của CME Group cho thấy các thị trường hiện dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Cơ quan này có thể thực hiện tổng cộng 4 đợt cắt giảm lãi suất, mỗi đợt 0,4 điểm % trong năm nay.
Tín hiệu kinh tế khiến Fed thận trọng
CNBC cũng dẫn lại số liệu do chính phủ Mỹ công bố hôm 11/1, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn dự báo 0,2% được giới chuyên gia đưa ra trước đó với nhận định áp lực lạm phát đã giảm bớt. Đây cũng là mức cao nhất trong 3 tháng cuối năm 2023.
Tính trên cơ sở 12 tháng, CPI của Mỹ đóng cửa năm 2023 với mức tăng 3,4%, cao hơn mức thị trường kỳ vọng là 3,2%. Năm 2022, CPI của Mỹ kết thúc năm với mức tăng 6,4%.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi của nền kinh tế số 1 thế giới ghi nhận tăng 0,3% trong tháng 12/2023 và 3,9% so với một năm trước, trong khi các chuyên gia kinh tế dự báo lần lượt ở mức 0,3% và 3,8%.
Phần lớn mức tăng trong kỳ đến từ chi phí nhà ở. Khoản mục này tăng 0,5% so với tháng trước và chiếm hơn một nửa mức tăng của CPI lõi. So với cùng kỳ, chi phí nhà ở tại Mỹ đã tăng 6,2% chiếm khoảng 2/3 mức tăng của chỉ số.
Trước đó, hầu hết quan chức Fed kỳ vọng chi phí này sẽ hạ nhiệt trong năm 2024 khi giá thuê nhà giảm trong các hợp đồng thuê mới.
Ngoài ra, giá thực phẩm ghi nhận tăng 0,2% trong tháng 12/2023, tương đương với tháng 11 cùng năm; giá năng lượng tăng 0,4% sau khi giảm 2,3% trong tháng 11; giá vé máy bay tăng 1%.
Trong các chỉ số giá quan trọng khác, chi phí bảo hiểm xe tăng cao hơn 1,5%; chi phí chăm sóc y tế tăng 0,6%; và giá xe đã qua sử dụng tăng thêm 0,5%.
“Đây không phải những con số tệ, nhưng chúng cho thấy xu hướng hạ nhiệt của lạm phát vẫn còn chậm và khó có thể đi một đường thẳng xuống mức 2% như Fed kỳ vọng. Nếu chi phí nhà ở tiếp tục ở mức cao, Fed sẽ gạt bỏ ý tưởng cắt giảm lãi suất sớm”, Seema Shah, Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại Principal Asset Management đánh giá.