Giai đoạn 2018-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam bùng nổ với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 45% (theo Bộ Tài chính). Trong đó, chiếm phần lớn giá trị phát hành là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản.
Một trong những lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp bất động sản tìm đến kênh trái phiếu doanh nghiệp là vì huy động vốn tín dụng giai đoạn này khó khăn hơn do các ngân hàng bị khống chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định pháp luật. Ngoài ra, các ngân hàng đòi hỏi khắt khe về điều kiện pháp lý của dự án trước khi giải ngân.
"Thuốc đắng giã tật"
Trong giai đoạn thị trường thuận lợi, áp lực thanh toán đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu không lớn do nợ gốc chỉ phải thanh toán lúc đáo hạn và doanh nghiệp có thể liên tục phát hành mới để đảo nợ.
Năm 2022, “giông tố” nổi lên trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hàng loạt các doanh nghiệp từng “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán liên tiếp xuất hiện trên truyền thông với những thông tin tiêu cực về các hoạt động phát hành trái phiếu trước đó của mình. Những đại án trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp được phanh phui, để lại hệ quả vô cùng nghiêm trọng cho nền kinh tế của Việt Nam nói chung và nhà đầu tư nói riêng.
Khủng hoảng pháp lý dẫn đến khủng hoảng niềm tin, khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới gần như đình trệ trong năm 2022 và kéo dài tới nửa đầu năm 2023.
Nhiều doanh nghiệp chịu áp lực mua lại trước hạn trái phiếu để phòng tránh rủi ro pháp lý. Trên thực tế, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thường có kỳ hạn 2-3 năm trong khi thời gian triển khai dự án bất động sản hay năng lượng tái tạo có thể kéo dài cả chục năm.
Như vậy, phương án kinh doanh và dòng tiền của đa số doanh nghiệp phát hành không phù hợp với kỳ hạn của trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp chịu áp lực lớn trong thanh toán nghĩa vụ trái phiếu khi không thể phát hành lô trái phiếu mới để đảo nợ.
Nguồn vốn bị thắt chặt đột ngột dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu kể từ đầu năm 2023.
Trong bối cảnh đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành kịp thời giúp hỗ trợ một phần thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đạt được thỏa thuận với trái chủ để gia hạn/ chuyển đổi thanh toán nghĩa vụ bằng tài sản khác, giúp có thêm thời gian để xử lý thủ tục pháp lý, kinh doanh hoặc chuyển nhượng dự án để tạo dòng tiền.
Theo ông Trần Việt, Khối dịch vụ thông tin tài chính, FiinGroup, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp bắt đầu tăng mạnh vào quý 3/2023. Tuy nhiên, việc phát hành này tập trung chủ yếu ở các ngân hàng thương mại.
Sau hàng loạt biến cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và tăng cường tính minh bạch trên thị trường thông qua xây dựng sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung.
Trong năm 2023, số lượng trường hợp bị xử phạt do vi phạm nghĩa vụ phải công bố báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, báo cáo tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu tăng cao so với năm 2022. Tổng số tiền thu được từ việc xử phạt tăng từ 25 tỷ đồng trong năm 2022 lên 29 tỷ đồng trong năm 2023. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình trên thị trường trái phiếu, ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư.
“Việc lưu ký tập trung trên Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam giúp thông tin về trái phiếu doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn rất nhiều như các thông tin về lãi suất danh nghĩa, kỳ trả lãi. Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ ra đời giúp nhà đầu tư nắm bắt rõ hơn các thông tin về giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp, đặc biệt là các dữ liệu liên quan đến lợi suất đầu tư của từng mã trái phiếu. Đây là cơ sở để xây dựng các thông tin về đường cong lãi suất của các tổ chức phát hành, nhóm tổ chức phát hành”, đại diện FiinGroup đánh giá. Ông cũng cho biết thêm sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ đã giúp giao dịch trên thị trường thứ cấp sôi động hơn. Kể từ giữa tháng 10/2023, giá trị giao dịch trên sàn này tăng mạnh, trung bình khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/phiên, cá biệt, có những phiên, giá trị giao dịch lên tới 4.500 tỷ đồng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đánh giá khá tích cực về thị trường trái phiếu doanh nghiệp với sự cải thiện rõ rệt theo hướng đã lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc 2022-2023. Thị trường đã sàng lọc, khoanh vùng được các nhóm tổ chức phát hành có mức độ rủi ro cao, nhà đầu tư ít nhiều có góc nhìn chính xác hơn về rủi ro tín dụng từng nhóm ngành.
Bao giờ nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc?
Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô 2024 của các định chế tài chính lớn đều nhận định môi trường kinh doanh tiếp tục khó khăn, tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu và trong nước chậm, dẫn đến rủi ro chưa hạ nhiệt.
Đặc biệt, hai nhóm ngành chiếm tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn trên thị trường là năng lượng tái tạo và bất động sản thì triển vọng kinh doanh vẫn ảm đạm.
Lĩnh vực bất động sản được tập trung “giải cứu” bằng nhiều chính sách trong năm 2023; tuy nhiên, các báo cáo cập nhật thị trường dự báo thị trường bất động sản vẫn trầm lắng do: (1) giá sản phẩm cao gây suy giảm hoạt động mua nhà đối với cả mục đích ở thực lẫn đầu tư; (2) để tránh rủi ro pháp lý, các chính quyền địa phương tăng cường rà soát pháp lý đối với các dự án và xử lý các vi phạm liên quan đến bán hàng khi dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh; (3) tiến độ triển khai các dự án đình trệ do nguồn vốn bị thắt chặt đột ngột trong giai đoạn 2022-2023.
Dữ liệu từ FiinGroup cho thấy năm 2024, nợ phải trả của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu dự kiến xấp xỉ 382 nghìn tỷ đồng. Việc đàm phán gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp chậm lại thời điểm thanh toán, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất cao hơn, do đó, áp lực dòng tiền của các doanh nghiệp dù giảm so với 2023 nhưng vẫn còn lớn.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, năm 2024, việc doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu có thể không còn tạo cú sốc với nhà đầu tư, song cũng chưa thể kỳ vọng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh mẽ vào thị trường như giai đoạn trước.
Còn đối với nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là tổ chức nước ngoài, ông Thuân chia sẻ: sau khi Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023, FiinGroup đã làm việc với 5 tổ chức của Mỹ muốn đầu tư trái phiếu tại Việt Nam, song không đi đến kết quả do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xếp hạng tín nhiệm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức là một trong những giải pháp căn cơ để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng bền vững.
Để các nhà đầu tư tự tin gia nhập thị trường, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, các tổ chức phát hành phải nâng cao chất lượng của mình, theo đó quản trị doanh nghiệp phải được nâng tầm, hướng vào tính công khai, minh bạch và tính chuyên nghiệp của thị trường.
TS. Lực cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục củng cố khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường. Đặc biệt, cần tăng cường năng lực, công cụ cho đội ngũ thực hiện công tác này...