Xu hướng

Thời đại nam quyền ở Thung lũng Silicon

Dàn lãnh đạo của các đế chế công nghệ bị phái nam áp chế với những màn tranh luận đầy giận dữ, vóc dáng cơ bắp và chỉ chăm chăm đến những trận đấu đối kháng phô diễn sức mạnh.

Thung lũng Silicon đang bước đến một kỷ nguyên mới - nơi phái mạnh ngự trị. Những nhà lãnh đạo như Jack Dorsey hay nữ tướng như Sheryl Sandberg đã rời đi. Thay vào đó là sự thống trị của những người đàn ông giàu nhất, quyền lực nhất. Họ dẫn dắt Thung lũng Silicon đến tương lai mà sức mạnh được đo bằng cơ bắp. Phụ nữ vắng mặt trong phòng họp. Tàn nhẫn trở thành phẩm chất mọi kẻ đứng đầu phải có.

“Thung lũng Silicon bây giờ làm tôi nhớ đến bộ phim Top Gun mùa đầu với hormone nam tràn ngập, lặp lại lịch sử những năm 1970, 1980”, Manu Cornet - cựu kỹ sư phần mềm tại X - nói với Vox.

Sự biến mất của những mọt sách công nghệ

Chỉ 2 thập kỷ trước, những người đứng đầu Thung lũng Silicon phần lớn là nhóm được gọi là mọt sách và chuyên gia máy tính. Họ là những người đứng ngoài cuộc vui, thân hình gầy gò, mặc áo hoodie. Họ luôn hành động không theo lẽ thường - tố chất cần có của những kẻ tiên phong trong start-up công nghệ. Dưới ảnh hưởng của nữ tướng Sheryl Sandberg, Thung lũng Silicon đã nhường ghế hội đồng quản trị cho ngày càng nhiều phụ nữ.

Nhưng gần đây, chính những công ty ở Thung lũng Silicon này đã bắt đầu trông cồng kềnh giống như những gã khổng lồ khác khi ở thời đỉnh cao. Sự lãnh đạo bị phái nam áp chế với những màn tranh luận đầy giận dữ, vóc dáng cơ bắp và chỉ chăm chăm đến những trận đấu đối kháng phô diễn sức mạnh. Theo Vox, cách những người đàn ông quyền lực này đã tác động lớn đến chính cấp dưới của họ ở Thung lũng Silicon.

Bằng chứng là ngày càng ít phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo trong các hãng công nghệ với 28%, trong khi con số này từng chạm mốc 33% ở thời kỳ đỉnh cao. Một nghiên cứu khác của McKinsey năm 2022 cũng cho thấy phụ nữ đang mất dần vai trò trong công ty nhanh hơn bao giờ hết. Họ cũng ít giữ vị trí kỹ thuật hơn so với năm 2018.

Sự ra đi của Sheryl làm thay đổi cục diện Thung lũng Silicon. Ảnh: AP.

Vox nhận định nền văn hóa phái đàn ông làm chủ này này chính là bước tiếp theo trong quá trình phát triển của Thung lũng Silicon. Giống như Phố Wall trước đây, ngành công nghệ cuối cùng cũng quyết tâm kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Khi điều kiện kinh tế thay đổi, họ dần đánh mất sứ mệnh bảo tồn các giá trị tiến bộ.

“Khi tôi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực này vào một thập kỷ trước, nam giới chiếm ưu thế hơn hẳn, nhưng mọi người đều giả vờ rằng trong công ty cũng có cả phụ nữ. Bây giờ, nam giới vẫn chiếm ưu thế, nhưng không ai thèm giả vờ nữa rồi", Joelle Emerson - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Paradigm Strategy - nói.

Khi sức mạnh cơ bắp trở thành thước đo

Trước đây, phái nam ở Thung lũng Silicon thường có vẻ ngoài rất đơn giản với áo phông nhàu nhĩ, tóc rối bù, dáng người gầy gò. Ngoại hình khi đó cho thấy tố chất quan trọng của một người làm công nghệ là là giá trị ý tưởng của chứ không phải sức mạnh thể chất.

Nhưng khi Thung lũng Silicon tạo ra những người đàn ông giàu nhất hành tinh, họ lại sử dụng hàng triệu USD mình kiếm được để trở lại những hình ảnh nguyên mẫu của đàn ông bằng cách thuê huấn luyện viên riêng hay làm tóc chải chuốt.

Xu hướng này dần lan truyền khắp Thung lũng Silicon. Các nhà đầu tư mạo hiểm bắt đầu đăng những bức ảnh cởi trần của họ lên Twitter, khoe khoang thành tích và thú tập thể thao. Quan điểm của họ rất rõ ràng, rằng sức mạnh thể chất và sức chịu đựng là điều kiện tiên quyết để xây dựng một công ty công nghệ lớn.

Ngay cả những CEO "mọt sách" trước đây cũng dần thay đổi thành mẫu đàn ông quyền lực, cạnh tranh bằng sức mạnh cơ bắp. Ảnh: TMZ.

Ngoài ra, các CEO hàng đầu của các công ty công nghệ như Jeff Bezos cũng bắt đầu bước sang tuổi trung niên. Khi đó, nỗi sợ cái chết đang đến gần. Họ cảm thấy tàn nhẫn khi sở hữu khối tài sản khổng lồ, nhưng vẫn phải đối mặt với một số phận tẻ nhạt như tuổi già và cuối cùng là cái chết.

Vì thế, tham vọng bất tử và theo đuổi lối sống lành mạnh đã trở thành tinh thần cốt lõi ở Thung lũng Silicon. Một hội nhóm mới bao gồm những người có quyền lực, chuyên nghiên cứu về sức khỏe và tuổi thọ đã xuất hiện.

Trong số đó, Andrew Huberman - giáo sư sinh học thần kinh của Stanford - đã đề xuất các bài tập HIIT và tắm nước lạnh trên podcast nổi tiếng của mình. Hay nhà đầu tư mạo hiểm Bryan Johnson cố gắng đạt được mục tiêu bất tử bằng chế độ trường thọ như ăn kiêng nghiêm ngặt, đi ngủ lúc 20h30…

“Tôi đã chứng kiến một vòng lặp không hồi kết: đổi mới dẫn đến tăng trưởng và sau đó tăng trưởng lại cản trở sự đổi mới”, Tomas Chamorro-Premuzic - giáo sư tâm lý kinh doanh tại Đại học Columbia - nhận định.

Theo ông, những người sáng lập ban đầu của những gã khổng lồ công nghệ ngày nay - những người từng “vô tổ chức và nổi loạn” - lại là người tạo ra những tổ chức và đế chế mới. “Các start-up này đã lớn mạnh và trở thành tập đoàn. Họ ưu tiên duy trì sức tăng trưởng hơn sáng tạo”, chuyên gia chia sẻ với Vox.

Sáng tạo không còn được ưu tiên ở Thung lũng Silicon

Mark Zuckerberg thích các môn thể thao đối kháng. Ảnh: Instagram.

Bằng chứng sống cho sự thay đổi này là Meta - tập đoàn nổi tiếng với việc sao chép ý tưởng của các công ty khác hơn là tự phát minh những giá trị mới. Đến nay, sự đổi mới độc đáo nhất của họ là khoản đặt cược trị giá 10 tỷ USD vào metaverse nhưng gần như không mang lại kết quả.

Do đó, CEO Mark Zuckerberg tìm cách mới để thay đổi không chỉ hình ảnh của công ty mà còn của chính ông. Trong thời gian đại dịch, Zuckerberg bị cuốn hút bởi môn thể thao chiến đấu Brazil jiujitsu. Ngay sau khi bắt đầu sở thích mới này, Zuckerberg liên tục chia sẻ trên Instagram từ những ảnh chụp khi thi đấu đến ảnh selfie cởi trần đẫm mồ hôi, luyện tập với các võ sĩ kickboxing chuyên nghiệp.

Niềm đam mê MMA của Zuckerberg từ đó lan rộng khắp Thung lũng Silicon. “MMA không chỉ là một môn thể thao, nó là tổng hòa cả lĩnh vực thể thao,” tỷ phú công nghệ Marc Andreseen nói.

Cùng lúc đó, Meta chứng kiến sự ra đi của nữ tướng nổi tiếng nhất Meta, Sheryl Sandberg. Trong nhiều năm qua, sự lãnh đạo của Sandberg đã làm xuất hiện chủ nghĩa nữ quyền trong doanh nghiệp.

Tinh thần này càng được củng cố nhờ cuốn sách bán chạy nhất của cô - Lean In. Cô khuyến khích phụ nữ không ngừng theo đuổi tham vọng của mình. Nhưng với sự ra đi của Sandberg, Meta đã trở về truyền thống của nó.

Ngoài Mark Zuckerberg, Elon Musk cũng nổi tiếng với phong cách lãnh đạo tàn bạo.Trong những ngày sau khi Musk tiếp quản Twitter, cựu kỹ sư Manu Cornet đã trực tiếp trải nghiệm điều này.

Phong cách lãnh đạo cực đoan của Elon Musk đã mang đến sự hỗn loạn cho Twitter. Ảnh: Twitter.

CEO Tesla đưa ra những mệnh lệnh vô lý với deadline sát nút và đe dọa sa thải những nhân viên không đúng hạn.Theo Cornet, đó là chiến lược của ông bởi nhiệm vụ càng gấp rút, cấp dưới càng không có khả năng đặt câu hỏi về các quyết định của lãnh đạo. Cách làm này khiến công ty của ông trở nên đặc biệt khắc nghiệt dành cho phụ nữ.

Kiểu quản lý bóc lột sức người này đã trở thành chuẩn mực mới ở Thung lũng Silicon. “Tất cả lãnh đạo đều bắt nạt, quản lý vi mô (micromanagement), khiển trách nhân viên. Họ luôn sử dụng phương pháp cây gậy và củ cà rốt”, chuyên gia tư vấn Rajkumari Neogy tại Thung lũng Silicon nhận định.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/thoi-dai-nam-quyen-dang-den-voi-thung-lung-silicon-post1453008.html