Trải nghiệm

TikTok đã hủy hoại trẻ em như thế nào?

TikTok không chỉ gây nghiện mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi, tập trung và phát triển tâm lý xã hội của giới trẻ.

Chị Arriani đang bị nghẹt thở!

Tiếng gào thét hoảng loạn của cậu bé 5 tuổi vang vọng xuống hành lang ngôi nhà 3 phòng ngủ của gia đình Arroyos ở Milwaukee (Mỹ).

Tháng 2/2021, khi chơi với chị gái 9 tuổi Arriani trước giờ đi ngủ, cậu bé nhìn chị leo lên rương đồ chơi, quấn dây xích quanh cổ và móc khóa vào bản lề cửa tủ quần áo.

Khi ấy, mẹ của hai đứa trẻ đang tham gia lớp học kinh thánh, còn cha thì ở xưởng làm việc dưới tầng hầm, không nghe thấy tiếng la hét.

Vài ngày sau khi an táng Arriani, cậu bé mới kể cho bố mẹ chuyện đã xảy ra, nói rằng đó chỉ là một trò chơi, giống như những gì chúng đã xem trên TikTok.

Gia đình Arroyo bên mộ Arriani. Ảnh: Bloomberg Businessweek.

Hàng loạt thử thách độc hại

Theo Bloomberg, trò chơi mà Arriani tham gia có tên thử thách ngất xỉu/thử thách ngạt thở. Khi ấy, nhiều trẻ em trên khắp thế giới tự làm hại mình mình bằng những vật dụng trong nhà cho đến khi ngạt thở và ngất đi, quay lại khoảnh khắc khi tỉnh lại và đăng tải lên mạng xã hội.

Arriani không phải nạn nhân duy nhất của các thử thách độc hại trên TikTok. Theo dữ liệu tổng hợp từ tin tức, hồ sơ tòa án và phỏng vấn gia đình do Bloomberg thực hiện, trong vòng 18 tháng, ít nhất 15 trẻ em từ 12 tuổi trở xuống và 5 trẻ em 13-14 tuổi đã thiệt mạng vì tham gia thử thách ngất xỉu.

Một thử thách khác cũng xuất hiện trên TikTok có tên Benadryl - khuyến khích người xem sử dụng liều lượng lớn thuốc kháng histamine (gấp 6 lần liều khuyến cáo) để gây ra ảo giác.

Tháng 4/2023, Jacob Stevens (13 tuổi, Ohio, Mỹ) đã tham gia thử thách này. Trao đổi với ABC, ông Justin (cha của cậu bé) cho biết con trai ông sử dụng thuốc quá liều vào cuối tuần trước, khi đang ở nhà cùng bạn bè. Video do bạn bè của Stevens quay lại cho thấy cơ thể cậu bé bắt đầu co giật sau khi uống thuốc.

Jacob Stevens được đưa đến viện và đặt máy thở ngay sau đó. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của bác sĩ, cậu bé qua đời sau 6 ngày nhập viện.

Theo New York Post, tháng 8/2020, một nữ sinh 15 tuổi cũng tử vong sau khi tham gia thử thách Benadryl. Cô bé sử dụng quá liều thuốc điều trị dị ứng.

Bệnh viện Nhi Cook ở bang Texas cũng báo cáo 3 thanh, thiếu niên đã phải nhập viện sau khi tham gia thử thách. Các em uống khoảng 14 viên Benadryl để quay video và đăng lên mạng.

Guardian cũng thông tin tháng 1/2023, Indonesia đưa ra cảnh báo về thử thách Dragon’s Breath trên TikTok sau khi hơn 20 trẻ em nhập viện trong tình trạng bỏng da, đau bụng và ngộ độc thực phẩm do ăn một loại kẹo có tên là "hơi thở của rồng".

Liên tiếp dính kiện cáo

Sau khi Arriani qua đời, cha mẹ cô bé cùng phụ huynh một số nạn nhân khác đã đệ đơn kiện TikTok. Các gia đình cho rằng chính thuật toán của TikTok đã "chủ động" đề xuất trò chơi nguy hiểm tới con em họ.

Bên cạnh đó, họ cáo buộc TikTok không thể kiểm soát nội dung hiệu quả, dẫn đến sự lan truyền nhanh chóng của trò chơi nguy hiểm này trên nền tảng. Đồng thời, nền tảng này cũng không có các biện pháp bảo vệ trẻ em trước những thách thức và nội dung không phù hợp.

Theo Reuters, tháng 1/2024, Tổng chưởng bang Iowa (Mỹ), bà Brenna Bird, đã nộp đơn kiện, cáo buộc TikTok và công ty mẹ ByteDance đã lừa dối phụ huynh về mức độ phổ biến của nội dung không phù hợp trên nền tảng này. Theo đơn kiện, nội dung nguy hại bao gồm ma túy, khỏa thân, rượu bia và ngôn từ tục tĩu.

Với cáo buộc nêu trên, bang Iowa đang xem xét các hình phạt tài chính và lệnh cấm TikTok tái diễn các hành vi lừa dối và bất công. Trước đó, các bang Arkansas và Utah cũng đã đệ đơn kiện tương tự.

Hiện tại, 5.000 phụ huynh khác cũng tham gia kiện TikTok thông qua Claimshero - công ty hỗ trợ phụ huynh kiện TikTok. Các phụ huynh gọi TikTok là "thuốc lá của thời đại số" và cho rằng nền tảng này đã đầu độc, hủy hoại con cái họ.

Mối lo ngại về tác động của mạng xã hội đến trẻ em, đặc biệt là TikTok, ngày càng lớn. Hình minh họa: Pexels.

Cách TikTok hủy hoại trẻ em

Theo Verywell Health, mối lo ngại về tác động của mạng xã hội đến trẻ em, đặc biệt là TikTok, ngày càng lớn. Các nghiên cứu cho thấy nền tảng này không chỉ gây nghiện mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi, tập trung và phát triển tâm lý xã hội của giới trẻ.

Ban đầu, TikTok giới hạn độ dài video ở một phút, sau đó nâng lên 3 phút vào năm 2021, 10 phút vào năm 2022. Tháng 10/2023, nền tảng này thử nghiệm cho phép người dùng đăng tải video với thời lượng 15 phút. Điều này dấy lên nhiều lo ngại.

Tuy nhiên, chính những video ngắn đặc trưng của nền tảng - đôi khi chỉ kéo dài vài giây - mới thực sự nguy hiểm.

"Giống như kẹo ngọt, những video ngắn kích thích não tiết hormone 'hạnh phúc' dopamine, tạo cảm giác hưng phấn trong não. Cơn hưng phấn này khiến người dùng muốn xem thêm, giống như trẻ em trong cửa hàng kẹo vậy", TS Jessica Griffin, nhà tâm lý học lâm sàng và nhi khoa tại Đại học Y Massachusetts, giải thích.

Điều này khiến trẻ em khó rời mắt khỏi ứng dụng, việc chuyển hướng sang các hoạt động bổ ích hơn gặp khó khăn.

Một nghiên cứu năm 2021 về tác động thần kinh đã được xem xét trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc. Nghiên cứu cho thấy việc xem các video được cá nhân hóa theo thuật toán đã kích hoạt các trung tâm thưởng trong não nhiều hơn so với việc xem các video ngẫu nhiên.

Hình ảnh chụp não của những học sinh thường xuyên sử dụng ứng dụng cho thấy những phản ứng giống như nghiện. Một số đối tượng nghiên cứu thậm chí không có đủ khả năng tự kiểm soát để ngừng xem.

"Nếu bạn xem TikTok trong thời gian dài, nó có thể dẫn đến các vấn đề về chú ý, tập trung và trí nhớ ngắn hạn", TS Griffin nói.

Ngoài những tác động cụ thể do xem video ngắn và được cá nhân hóa liên tục, TikTok cũng tiềm ẩn những cạm bẫy khác đối với trẻ em, tương tự các nền tảng mạng xã hội khác, theo TS Griffin.

Điều này bao gồm giảm thiểu tương tác trong đời thực có, dẫn đến sự phát triển cảm xúc và xã hội chậm chạp. Trẻ em cũng có nguy cơ tiếp xúc với thông tin sai lệch, tiêu cực và không phù hợp, ngay cả khi cha mẹ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát. Nguy cơ trẻ em bị kẻ xấu nhắm đến trên bất kỳ nền tảng trực tuyến nào cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, thuật toán giới thiệu video dựa trên sở thích của trẻ cũng có thể vô tình đưa chúng đến những nội dung liên quan đến nỗi sợ hãi và lo lắng.

"Nếu con bạn có vấn đề về rối loạn ăn uống, lo lắng hoặc trầm cảm, khả năng cao chúng đã tiếp xúc với nhiều nội dung liên quan đến các chủ đề này trong nguồn cấp dữ liệu của mình. Điều này tiềm ẩn khả năng tự gây hại nghiêm trọng", bà Griffin nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/tiktok-da-huy-hoai-tre-em-nhu-the-nao-post1456509.html