Dùng một chiếc dao bấm, rạch vào thành túi một vết lớn, sau đó xé toạc các đường may, đó là cách tài khoản TikTok Tanner Leatherstein thẩm định chất lượng chiếc túi xách da màu trắng của Louis Vuitton.
Trong những video khác, người đàn ông đã dùng cờ lê xé toạc phần đế màu đỏ trên đôi cao gót Christian Louboutin huyền thoại.
Chiếc ví cầm tay Prada 2.200 USD cũng “chung số phận” khi bị dùng kéo cắt làm đôi, sau đó đốt thành tro tàn.
Leatherstein, người đàn ông đứng sau những clip “mổ xẻ” hàng xa xỉ, có tên thật là Volkan Yilmaz (37 tuổi). Các tài khoản mạng xã hội của anh thu hút hàng triệu lượt theo dõi, trong đó kênh TikTok có hơn 950.000 lượt.
Qua những video của mình, anh muốn chỉ ra sự thật về chất lượng và độ tinh xảo của các món đồ thủ công bằng da xa xỉ, từ đó phân tích chi phí sản xuất thực tế.
“Có nhiều trường hợp, ước tính chi phí sản xuất chỉ bằng 1/10 so với giá bán lẻ của món đồ đó. Mức giá của ngành thời trang cao cấp vẫn khiến nhiều người bị sốc”, Yilmaz nói.
Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, Yilmaz đã chia sẻ nỗi ám ảnh của đời của mình với đồ da, số tiền anh đã chi cho các sản phẩm xa xỉ để quay video và gợi ý những điều cần chú ý khi mua các món đồ đó.
Tình yêu với đồ da của anh bắt đầu từ khi nào?
Tôi sinh ra trong gia đình có xưởng thuộc da ở Thổ Nhĩ Kỳ. Món đồ da tôi tự làm đầu tiên là chiếc áo khoác được làm từ da cừu, khi đó tôi khoảng 11 tuổi.
Trong thời gian học đại học ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), tôi làm việc tại xưởng chế biến da. Sau đó, tôi đến Trung Quốc tìm hiểu về nhập khẩu và xuất khẩu da, rồi đến Turkmenistan.
Năm 2009, tôi may mắn lấy được thẻ xanh Mỹ rồi chuyển đến Chicago. Tại đây, tôi vừa học bằng MBA của Đại học Illinois, vừa lái taxi. Sau khi tốt nghiệp, tôi trở thành cố vấn quản lý cho một doanh nghiệp. Công việc "cổ cồn trắng" này khiến tôi cảm thấy như “chết ở trong lòng”.
Tôi yêu đồ da và không thể ngừng nghĩ về chất liệu đó, thế là tôi thành lập thương hiệu đồ da Pegai. Tôi đã tự học thiết kế từ YouTube và lái Uber kiếm sống trong lúc khởi nghiệp.
Năm 2019, công việc kinh doanh có khởi sắc, tôi chuyển đến Dallas (Texas, Mỹ).
Điều gì khiến anh muốn làm nội dung trên mạng xã hội?
Bạn bè và những người xung quanh đã nhiều lần nhờ tôi kiểm tra đồ da của họ. Tôi nhận ra có nhiều chênh lệch về chất lượng và giá cả. Điều đáng quan tâm hơn là chính người mua không có nhiều hiểu biết về nguồn gốc của những món đồ da cao cấp.
Chính vì thế, tôi đã làm video để giải đáp những thắc mắc. Không ngờ nội dung của tôi lại được nhiều người đón nhận trên mạng xã hội.
Cắt túi xách là một trong những nội dung được chú ý nhất, tại sao anh lại làm điều đó?
Nhiều người cho rằng sản phẩm đắt tiền nghĩa là nó tốt. Tôi muốn chứng minh rằng giá cả của một sản phẩm thường không phản ánh chất lượng thực sự, mà chủ yếu do giá trị nhãn hiệu mang lại.
Chiếc túi đầu tiên mà anh từng "mổ xẻ" là gì?
Đó là chiếc cặp xách tay của Louis Vuitton. Louis Vuitton là một trong những thương hiệu đồ da nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng nhiều người không biết rằng chất liệu in monogram đặc trưng của nhãn hàng này không phải da, mà là vải canvas.
Nhưng video đầu tiên được lan truyền rộng rãi là chiếc ví nhỏ có giá 1.200 USD của Chanel. Kể từ đó, tôi liên tục nhận được yêu cầu quay video các thương hiệu cao cấp khác.
Tại sao anh lại rạch các sản phẩm da?
Tôi làm vậy để thẩm định chất lượng da. Một chiếc túi có thể đẹp khi nhìn từ bên ngoài, nhưng bạn cần nhìn sâu vào bên trong để thấy câu chuyện thật sự.
Tôi sử dụng acetone để loại bỏ lớp nhựa hoàn thiện bên ngoài của mặt túi. Sau đó, tôi đốt da nhằm đánh giá quy trình thuộc da.
Cuối cùng là độ tinh xảo sẽ được đánh giá qua từng đường kim mũi chỉ, chi tiết thiết kế, kết cấu sản phẩm và phần cứng.
Anh có biết gần 2 triệu người theo dõi trên mạng xã hội là ai không?
Chắc chắn trong đó có nhóm người không thích hàng hiệu cao cấp. Họ muốn xem video phá hủy các sản phẩm đắt tiền để làm sáng tỏ vấn đề về giá cả.
Cũng có những người xem video chỉ để giải trí. Và một bộ phận khán giả có thể là những người đam mê đồ xa xỉ, muốn hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm để đưa ra quyết định mua sắm thông thái.
Theo anh, đâu là những thương hiệu đáng giá?
Có thể kể đến Bottega Veneta. Tôi đã thực hiện vài video về sản phẩm của nhà mốt này. Mặc dù từng cắt một chiếc ví trị giá 650 USD và phát hiện lớp lót được làm từ loại da có chất lượng thấp hơn loại da được mô tả trên nhãn, tôi vẫn nghĩ Bottega Veneta có chất lượng da tốt.
Hay Strathberry, nhãn hiệu từ Scotland, cũng là thương hiệu tôi thực sự thích. Họ sản xuất sản phẩm tại Ubrique, một thị trấn nhỏ ở Tây Ban Nha, nơi cho ra đời nhiều thương hiệu nổi tiếng như Loewe và Dior. Tuy nhiên, giá bán của Strathberry thấp hơn nhiều so, chẳng hạn sản phẩm thương hiệu này chỉ tốn 500 USD thay vì 3.000 USD.
Ngoài ra, Polene là một nhãn hiệu tôi thấy có chất lượng. Coach cũng có sản phẩm khá tốt ở mức giá trung bình.
Anh có bao giờ sốc vì những phát hiện của mình chưa?
Tôi không thấy sốc, vì tôi đã trả rất nhiều tiền mua sản phẩm cao cấp để quay video.
Khi giá bán cao thì sản phẩm có chất liệu và thiết kế xuất sắc là điều không đáng phải ngạc nhiên.
Các thương hiệu có tìm đến anh nhằm quảng cáo không?
Tôi muốn mọi người có thể tin tưởng mình. Do đó, tôi không nhận quà từ các thương hiệu cao cấp hoặc nhận quảng cáo.
Đồ da là một trong những lựa chọn quà tặng phổ biến, anh có lời khuyên nào cho mọi người khi lựa món quà này không?
Hãy cảm nhận bằng các giác quan.
Đầu tiên là mùi, chất liệu da tốt có mùi thơm như hơi đất, dễ chịu, chứ không phải mùi như hoá chất. Nếu sờ vào da cảm giác dẻo thì đó không phải dấu hiệu tốt. Nhìn kỹ bề mặt da để thấy các chi tiết. Da thật có nhiều đường vân tự nhiên. Ngược lại, lớp da đã qua xử lý sẽ có đường vân đồng đều. Da có chất lượng thấp có thể mất luôn các hoa văn đó.