Toàn cảnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận trước đề xuất mở rộng lên 8 làn xe
Sau hơn 12 năm khai thác, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đã quá tải và thường xuyên xảy ra ùn ứ, kẹt xe và nhiều đoạn bị xuống cấp. Công ty Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đang nghiên cứu mở rộng tuyến đường này với số vốn 22.000 tỷ đồng.
Nội dung chính:
Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận đang ngày càng quá tải.
CII đang nghiên cứu mở rộng dự án lên 8 làn xe, với số vốn khoảng 22.000 tỷ đồng.
Dự kiến sau khi mở rộng, tốc độ đoạn TP HCM - Trung Lương là 120 km/h; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là 100 km/h.
Từ năm 2019 đến nay, tuyến Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dừng thu phí, lượng xe đi qua tăng cao với hơn 50.000 lượt mỗi ngày đêm khiến cao tốc thường xảy ra ùn tắc, tai nạn. Trong ảnh là trạm thu phí Tân Tạo (TP.HCM), điểm đầu cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Cũng trong tình trạng tương tự, dù mới đưa vào khai thác và thu phí hoàn vốn từ tháng 8 vừa qua nhưng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có dấu hiệu quá tải.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài 61,9 km đi qua địa phận hai tỉnh Long An - Tiền Giang, hiện có 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h, khai thác từ 13 năm trước.
Trong những năm gần đây, công tác duy tu, bảo trì cao tốc TP.HCM - Trung Lương thỉnh thoảng được thực hiện. Tuy nhiên nhiều hạng mục cao tốc vẫn xuống cấp nghiêm trọng.
Một số khu vực nhập làn cao tốc TP.HCM - Trung Lương trở thành nơi tập kết rác thải.
Tại trạm thu phí Tân Tạo, nhiều ca-bin hư hỏng, nhếch nhác. Từ đầu năm 2019 đến nay, Cục quản lý đường bộ 4 thuộc Cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) được giao quản lý tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tháng 7-2023, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải triển khai đầu tư giai đoạn 2 của dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận tổng chiều dài khoảng 112 km với tư cách là một dự án không tách rời, theo phương thức PPP. CII cũng đang nghiên cứu nhiều dự án BOT với tổng vốn đầu tư khoảng 75.000 tỷ đồng, riêng dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 có vốn khoảng 22.000 tỷ đồng.
Khi thực hiện giai đoạn 2, tuyến đường sẽ được mở rộng thêm 4 làn xe (mỗi bên 2 làn xe), nhà đầu tư chỉ thu phí khi xe đi vào phần đường do mình đầu tư.
Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý chủ trương mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe và Trung Lương - Mỹ Thuận lên 6 làn, theo hình thức đối tác công tư PPP.
Dự án mở rộng 2 cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91 km, đi qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang. Quốc hội mới thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM mở ra cơ hội về đầu tư hạ tầng cho các dự án khu vực TP.HCM khi giải quyết những khó khăn về giải phóng mặt bằng, đánh giá khả năng hoàn vốn và huy động vốn tín dụng cho dự án.
Dự kiến sau khi mở rộng, tốc độ thiết kế đoạn TP HCM - Trung Lương là 120 km/h; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là 100 km/h. Theo tài liệu họp đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 19/9 tới đây, ban lãnh đạo CII hé lộ tham vọng sẽ tham gia các dự án giao thông trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó có dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Đồng thời, doanh nghiệp cũng lấn sân lĩnh vực mới là đầu tư hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.