Doanh nghiệp

Toyota đã xử lý thế nào vụ gian lận an toàn của Daihatsu?

Công ty con thuộc tập đoàn Toyota đang dần được cởi bỏ những chế tài liên quan đến bê bối gian lận trong thử nghiệm an toàn ôtô.

Toyota Avanza Premio bản số sàn tại Việt Nam được xác nhận an toàn. Ảnh: TMV.

Hơn một tháng kể từ ngày chính thức thừa nhận đã gian lận trong quá trình thử nghiệm an toàn cho ôtô do mình sản xuất, Daihatsu đang dần cởi bỏ những chế tài được áp đặt lên mình. Nhiều thị trường khác nhau, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu cho phép bán lại các mẫu xe có liên quan đến bê bối của Daihatsu.

Ôtô Daihatsu được phép bán lại

Vào ngày 26/1, Toyota Việt Nam xác nhận sẽ nối lại việc giao xe Toyota Avanza Premio phiên bản số sàn (MT) tới đại lý. Động thái này diễn ra sau khi hãng xe nhận được hướng dẫn từ tập đoàn Toyota và báo cáo các cơ quan quản lý Việt Nam.

Cụ thể, Toyota Avanza Premio MT sẽ quay trở lại đại lý do được xác nhận đạt các tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường bởi cơ quan chứng nhận độc lập ở nước ngoài. Trước đó, Toyota Việt Nam từng phải tạm dừng phân phối Avanza Premio MT do liên quan đến bê bối gian lận an toàn của Daihatsu.

Toyota Avanza Premio bản MT đã quay lại đại lý sau gần một tháng tạm dừng phân phối. Ảnh: Bối Hạ.

Trước Việt Nam, Indonesia là quốc gia đầu tiên cho phép Daihatsu nối lại hoạt động giao hàng. Theo The Japan Times, chính quyền Indonesia đã xác nhận tính an toàn của ôtô hãng này cũng như các mẫu xe do đơn vị địa phương sản xuất dưới tên thương hiệu Toyota. Do vậy, đất nước vạn đảo quyết định “bật đèn xanh” cho Daihatsu nối lại việc vận chuyển các đơn hàng ôtô mới ngay từ ngày 23/12.

Đáng chú ý, quyết định của chính quyền Indonesia chỉ diễn ra ít ngày sau khi lệnh cấm vận chuyển được Nhật Bản áp dụng đối với ôtô do Daihatsu sản xuất. Malaysia sau đó cũng đã cho phép bán trở lại đối với các mẫu xe Daihatsu và Perodua.

Nới lỏng ở Nhật Bản

Gần đây, NHK đưa tin Daihatsu cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản dỡ bỏ lệnh đình chỉ vận chuyển đối với 5 mẫu xe do hãng này sản xuất. Theo đó, Daihatsu sẽ được cho phép vận chuyển trở lại đối với các mẫu xe bao gồm Daihatsu Gran Max, Toyota ProBox, Toyota Town Ace, Mazda Familia Van và Mazda Bongo.

Nhật Bản cho phép Daihatsu vận chuyển trở lại đối với 5 mẫu xe. Ảnh: Toyota.

Quyết định được đưa ra sau khi Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản tiến hành thử nghiệm trên 45 mẫu xe của Daihatsu. Kết quả, cơ quan quản lý của Nhật Bản xác nhận 5 mẫu xe nói trên đều đáp ứng các quy định an toàn.

Đối với các mẫu xe còn lại, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm và sớm công bố kết quả.

Bên cạnh đó, các nhà máy của Daihatsu tại quê nhà Nhật Bản vẫn đang trong quá trình ngưng hoạt động. Nguồn tin của Bloomberg cho hay Daihatsu dự kiến chỉ khởi động lại các nhà máy từ giữa tháng 2.

Thiệt hại của Daihatsu

Một báo cáo của Nikkei Asia cho thấy thiệt hại của Daihatsu trong bê bối gian lận này theo ước tính là khoảng 700 triệu USD, thậm chí có thể tăng lên do ảnh hưởng từ phí điều tra, kiểm tra an toàn bổ sung hay các cuộc đàm phán với nhà cung cấp.

Theo chuyên gia Seiji Sugiura thuộc Viện Nghiên cứu Tokai Tokyo, khoản thiệt hại 700 triệu USD tương đương với tổng lợi nhuận ròng của Daihatsu trong toàn bộ năm tài khóa 2022.

Thậm chí nếu vụ bê bối gian lận an toàn khiến doanh thu không thể bù đắp nổi chi phí, Daihatsu sẽ phải chứng kiến khoản lỗ đầu tiên của công ty trong vòng 30 năm qua.

Daihatsu có thể phải đối diện với khoản lỗ đầu tiên trong vòng 30 năm qua. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, thiệt hại lớn nhất của Daihatsu trong sự vụ lần này chắc chắn phải là niềm tin của khách hàng cùng danh tiếng của công ty. Còn nhớ vào năm 2016, vụ việc gian lận khí thải của Volkswagen, được biết đến với tên gọi Dieselgate hay Emissiongate, từng gây ra làn sóng thu hồi ôtô sử dụng động cơ diesel của Volkswagen và nhiều hãng khác trên thế giới.

Niềm tin dành cho Volkswagen đã sụt giảm đáng kể sau bê bối Dieselgate. Tập đoàn ôtô của Đức còn phải chấp nhận mất khả năng cạnh tranh vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu, đồng thời buộc phải chi thêm hàng tỷ USD để đầu tư phát triển xe điện.

Tại thị trường Việt Nam, Toyota Wigo, Toyota Avanza Premio, Toyota Veloz Cross và Toyota Yaris Cross là những cái tên sử dụng nền tảng DGNA (Daihatsu New Global Architecture) từ công ty Daihatsu. Trong số này, Avanza Premio bản MT là mẫu xe duy nhất liên quan đến bê bối an toàn, từng được tạm dừng giao hàng nhưng đã được cho phép quay lại đại lý sau gần một tháng.

Toyota Raize là một trong số các mẫu xe Toyota sử dụng nền tảng Daihatsu. Ảnh: Bối Hạ.

Sự việc lần này của Daihatsu nhiều khả năng sẽ tác động đáng kể đến niềm tin của khách hàng Việt Nam dành cho các mẫu xe Toyota sử dụng nền tảng DGNA nói riêng và thương hiệu Toyota nói chung.

Chưa rõ vụ bê bối của Daihatsu sẽ tác động ra sao đến doanh số của Toyota trong tháng đầu năm, nhưng có lẽ khách hàng Việt khi mua xe sẽ có thêm một yếu tố để cân nhắc giữa Toyota và các thương hiệu ôtô khác trên thị trường.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/toyota-da-xu-ly-the-nao-vu-gian-lan-an-toan-cua-daihatsu-post1457426.html